(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, phong trào nuôi chim vành khuyên hót đấu đã trở thành một trong những thú chơi yêu thích của người dân Hạc Thành. Công phu trong chăm sóc, cầu kỳ trong nuôi dưỡng, khéo léo trong thi đấu... là những yếu tố quan trọng để người chơi cuốn hút, đam mê với thú chơi tao nhã này.

Nuôi chim vành khuyên hót đấu - thú chơi của người dân Hạc Thành

Những năm gần đây, phong trào nuôi chim vành khuyên hót đấu đã trở thành một trong những thú chơi yêu thích của người dân Hạc Thành. Công phu trong chăm sóc, cầu kỳ trong nuôi dưỡng, khéo léo trong thi đấu... là những yếu tố quan trọng để người chơi cuốn hút, đam mê với thú chơi tao nhã này.

Nuôi chim vành khuyên hót đấu - thú chơi của người dân Hạc Thành

Nuôi chim vành khuyên hót đấu đã trở thành thú chơi của người dân TP Thanh Hóa.

Theo những người chơi chim vành khuyên ở TP Thanh Hóa cho hay, thú chơi này được người dân Thanh Hóa biết đến vào những năm 2000. Lúc ấy, thú chơi chim vành khuyên chủ yếu ở các thành phố như Sài Gòn, Hà Nội, các tỉnh lẻ rất hiếm. Ở Thanh Hóa khi đó cũng rất ít người chơi và hầu như chưa có cuộc thi nào. Một số người đầu tiên đã hình thành phong trào bằng cách tham gia các cuộc thi ở Hà Nội, sau đó kéo phong trào về Thanh Hóa. Đến khoảng năm 2010, thú chơi chim vành khuyên mới được người dân Thanh Hóa ưa chuộng và lan tỏa sâu rộng. Đây là giống chim được du nhập từ bên ngoài, người ta gọi là chim thần tài, vì cho rằng nó mang lại nhiều may mắn.

Anh Trần Khánh Duy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) chim vành khuyên Thanh Hóa, cho biết: “CLB chim vành khuyên Thanh Hóa trực thuộc Hội Sinh vật cảnh TP Thanh Hóa. Được thành lập năm 2007 với 15 hội viên ban đầu, đến nay CLB đã phát triển lên đến 40 hội viên tham gia thường xuyên. Hội viên có tuổi đời thấp nhất là 19 tuổi, cao nhất là 70 tuổi. CLB duy trì sinh hoạt định kỳ đều đặn vào buổi sáng các ngày thứ 3, thứ 5, chủ nhật hàng tuần. Đây là sân chơi bổ ích cho những người có chung niềm đam mê, sở thích từ khắp nơi trên địa bàn TP Thanh Hóa hội tụ về đây tạo thành ngôi nhà chung”.

Kinh nghiệm của những người nuôi chim vành khuyên ở TP Thanh Hóa cho thấy, trước hết phải chọn được giống tốt, có tố chất chịu đấu, có tính ganh cao. Những giống chim như vậy thường có giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng như những con chim vành khuyên của anh Linh, anh Tiến, anh Hiếu... trong CLB.

Người chơi cũng cần có cách chăm sóc chim thật kiên trì, nhẫn nại, ổn định nguồn thức ăn, có chế độ “dượt giải” (cọ xát) để chim nhanh trưởng thành. Về các phụ kiện đi kèm cũng cầu kỳ không kém. Lồng nuôi chim phải làm bằng vật liệu tre trúc, vừa đẹp vừa nhẹ nhàng lại phù hợp với đặc tính của chim và phù hợp với quy định của hội thi. Giá mỗi chiếc lồng như vậy có thể có giá từ 1 triệu cho đến cả chục triệu đồng. Cóng đựng nước và thức ăn được làm bằng sứ, giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng. Lồng và cóng có giá đắt đỏ như vậy, bởi đều được làm hoàn toàn thủ công của các nghệ nhân làng nghề. Móc treo lồng chim được làm bằng đồng, bạc, inox hoặc mạ vàng... Ngoài ra, nguồn thức ăn chính của chim vành khuyên là cám, hoa quả tươi, dế, cào cào, sâu tươi... Các dòng thức ăn đặc chủng và các phụ kiện đi kèm đều phải ra các tỉnh, thành lớn mới mua được và giá cũng rất đắt. Chính vì vậy, thức ăn hay các phụ kiện đi kèm cũng góp phần tôn vinh vẻ đẹp, nâng giá trị của loài chim quý này.

Các cụ xưa thường nói “Chơi cây dưỡng tâm, chơi chim dưỡng trí”. Thực sự, thú chơi chim vành khuyên không những giúp tinh thần thoải mái mà còn rèn luyện cho con người tính điềm đạm, kiên trì, nhẫn nại trong cuộc sống. Hiện nay, có hai trường phái chơi chim vành khuyên được ưa chuộng: Đối với chơi chim hót đấu, đây là những con chim thông thường, có lớp lông màu xanh, ức vàng, bụng trắng, có vành khuyên ở xung quanh mắt, chân đen, mỏ đen, dáng mảnh khảnh. Khi hót đấu, chim vành khuyên thường bộc lộ thành hai thứ tiếng: Một là hót líu lo (hót liên tục), chim đấu tốt tiếng hót vang, lanh lảnh. Hai là hót chuyện (luyến láy nhiều giai điệu). Đối với dòng chim không hót đấu là chim có màu cốm, màu vàng chanh, màu hoàng khuyên, màu mơ... Đây là dòng chim đắt tiền, thường được chủ nhân xách đi chơi, đi dạo nên có giá từ 10 triệu đến 500 triệu đồng/con.

Thi hót đấu là thể hiện uy lực lãnh thổ của loài chim. Vì vậy, khi chim vành khuyên hót đấu, một con chim tốt sẽ mở hót liên tục, giọng khỏe, có lực đè khiến những con chim khác không dám hót. Thông thường, mỗi hội thi sẽ có 9 vòng đấu. Vòng 1 ban tổ chức chỉ tính 5 phút để ổn định giàn và ban giám khảo. 8 vòng còn lại sẽ tính 10 phút 1 vòng. Chim hót líu lo, rõ ràng, hồi líu liền nhau từ 5 âm trở lên được tính 1 điểm. Chim bám vanh, bám nóc lồng, đứng vanh dế líu đều được tính điểm. Hội thi 5 âm, vì vậy những chú chim chuyện sổng hay líu 3 - 4 âm đều không được tính điểm...

Được biết, hàng năm CLB chim vành khuyên Thanh Hóa thường tổ chức các cuộc thi nội bộ vào chủ nhật hàng tuần, với số lượng từ 30 - 40 lồng; thi mở rộng có sự tham gia của các huyện và CLB các tỉnh, với số lượng 60 - 80 lồng; thi liên tỉnh mỗi năm một lần, với số lượng lớn hơn từ 100 - 160 lồng. Bên cạnh đó, CLB chim vành khuyên Thanh Hóa cũng tăng cường trao đổi, chuyển nhượng chim nếu hội viên có nhu cầu. Thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục duy trì sinh hoạt định kỳ, thường xuyên tổ chức các cuộc thi trong và ngoài tỉnh cho hội viên tham gia, tạo thành phong trào sôi nổi rộng rãi trong Nhân dân. Đồng thời là sân chơi để hội viên cùng nhau thỏa mãn niềm đam mê, sở thích, cũng như tạo cầu nối đoàn kết để cùng nhau phát triển kinh tế, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]