(Baothanhhoa.vn) - Những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng gây thiệt hại cả về người và tài sản trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đã và đang gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở sản xuất xen lẫn khu dân cư, đòi hỏi trách nhiệm, sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành.

Nỗi lo cháy nổ từ các cơ sở sản xuất xen lẫn khu dân cư

Những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng gây thiệt hại cả về người và tài sản trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đã và đang gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở sản xuất xen lẫn khu dân cư, đòi hỏi trách nhiệm, sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành.

Nỗi lo cháy nổ từ các cơ sở sản xuất xen lẫn khu dân cưCác đội tham gia phần thi thực hành PCCC và CNCH đối với cơ sở sản xuất kinh doanh kết hợp nhà ở trong khu dân cư tại Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” tỉnh Thanh Hóa 2024.

Ngày 16/8/2024, tại một cơ sở kinh doanh mặt hàng chăn, ga, gối, đệm thuộc thôn Thạch Trung, xã Quảng Trạch (Quảng Xương) đã xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng. Đây là cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong khu dân cư chuyên kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, bởi vậy khi xảy ra hỏa hoạn ngọn lửa bùng lên dữ dội. Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường để “khống chế” ngọn lửa lan rộng. Vụ hỏa hoạn nói trên không chỉ khiến toàn bộ khu vực sản xuất, kho hàng hóa của cơ sở này bị thiêu rụi hoàn toàn, mà thương tâm hơn đã khiến 1 người tử vong.

Theo lãnh đạo xã Quảng Trạch, đây là cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong khu dân cư đã được cấp phép hoạt động và được trang bị các thiết bị PCCC theo quy định. Dù vậy, nguyên nhân vụ cháy đã được cơ quan chức năng xác định là do chập điện. Điều này đã cho thấy sự chủ quan của chính chủ cơ sở về bảo đảm phòng chống cháy nổ, nhất là an toàn về hệ thống điện. Hơn nữa, đây là cơ sở sản xuất kinh doanh kết hợp nhà ở nên điều kiện về phòng chống cháy nổ chưa đáp ứng được với tình hình và yêu cầu thực tế, do đó khi xảy ra hỏa hoạn đã để lại hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản.

Một số vụ cháy điển hình khác xảy ra tại các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư có thể kể ra, như: vụ cháy kho phế liệu tại Tổ dân phố Hưng Thông, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) vào ngày 31/7/2024 và mới đây nhất là vụ cháy tại bãi tập kết cốt pha của ông Lê Ngọc Châu, số 92 Nguyễn Tĩnh, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa). Nguyên nhân xảy ra các vụ hỏa hoạn nói trên đều bắt nguồn từ sự chủ quan, không bảo đảm các điều kiện về an toàn PCCC theo quy định. Điều đáng lo ngại là khi xảy ra hỏa hoạn đều có nguy cơ cao cháy lan sang các nhà dân bên cạnh và trong khu vực. Từ các vụ cháy nêu trên cho thấy một thực tế đó là, công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định và điều kiện PCCC tại nhiều địa phương vẫn còn lơ là, chủ quan...

Nỗi lo cháy nổ từ các cơ sở sản xuất xen lẫn khu dân cưHiện trường vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại cơ sở kinh doanh mặt hàng chăn, ga, gối, đệm thuộc thôn Thạch Trung, xã Quảng Trạch (Quảng Xương) vào ngày 16/8 vừa qua.

Công điện số 12/CĐ-UBND ngày 20/6/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ: Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã, phường thực hiện nghiêm túc công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra an toàn PCCC, CNCH, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về PCCC, CNCH đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xen lẫn khu dân cư. Trong đó, với đối tượng thuộc phạm vi kiểm tra, quản lý, các ngành, đơn vị có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố cần khẩn trương thực hiện công tác kiểm tra, rà soát trên toàn địa bàn để xác định rõ cơ sở, địa phương có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ. Từ đó buộc phải thực hiện các biện pháp bảo đảm PCCC theo quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng biện pháp tạo lối thoát nạn khẩn cấp qua ban công, lối ra, lối lên mái, cắt tháo lưới sắt, rào sắt, tạo lối thoát nạn thứ 2, trang bị thang dây, dây CNCH, dây hạ chậm, dụng cụ phá dỡ, bình chữa cháy... Qua quá trình kiểm tra, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về PCCC và không thực hiện các biện pháp khắc phục. Phân công cán bộ phối hợp với đơn vị chức năng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kiểm tra, hướng dẫn quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất, góp phần hạn chế cháy, nổ do điện gây ra...

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của tỉnh, trong quý IV năm 2024, đặc biệt là trong tháng 1 và 2/2025 (dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán), các huyện, thị xã, thành phố; UBND cấp xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra an toàn PCCC, CNCH, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về PCCC, CNCH đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu xem xét xử lý trách nhiệm đối với chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố; chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn nếu để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác PCCC và CNCH. Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ứng phó, ứng cứu kịp thời khi xảy ra các vụ cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và các khu dân cư.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]