Những người thợ làng nghề tất bật dưới nắng nóng
Mặc dù thời tiết mấy ngày nay nắng nóng như đổ lửa, thế nhưng tại các làng nghề, nghề truyền thống trong tỉnh, người dân vẫn đang hối hả, tất bật, làm thêm giờ, thuê thêm nhân công... để kịp làm ra nhiều sản phẩm phục vụ thị trường.
Dù trời nắng nóng nhưng người làm nghề rèn ở xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) vẫn phải đứng cạnh lò than đỏ rực để nung sản phẩm.
Mới 9 giờ sáng mà đường làng ở xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) đã bỏng rát vì nắng nóng, lại thêm mùi của than, hơi nóng của lò lửa đỏ rực, âm thanh của búa máy vang rền như càng làm cho cái nóng gay gắt hơn. Trong căn nhà lợp bằng mái tôn của gia đình ông Lường Văn Thuận, dù đã sắm sửa vài cái quạt cây, quạt nước xung quanh nhưng vẫn không ngăn được giọt mồ hôi của những người thợ làm nghề. Với gương mặt lem luốc vì bụi than bám đầy, ông Thuận vẫn miệt mài quai búa bên lò lửa đỏ rực.
Vừa đưa tay quệt vệt mồ hôi đầm đìa trên mặt, ông Thuận tâm sự: "Trong những ngày nắng nóng, xưởng của gia đình tôi bắt đầu công việc từ lúc 4 giờ sáng tới khoảng 9, 10 giờ thì nghỉ, chiều từ 15 giờ tới 18 giờ tối để tránh nắng nóng đỉnh điểm. Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua khá nhiều công đoạn và đòi hỏi công sức lao động. Đầu tiên là lựa chọn nguyên liệu, cắt sắt tạo hình sản phẩm, nung, đập, tôi luyện cho tới khi định hình sản phẩm, sau đó mài giũa và tra cán". Bắt đầu từ lúc chọn nguyên liệu cho đến khi tra cán, mài cán, khâu nào cũng đòi hỏi những bí quyết riêng thì mới tạo được một sản phẩm sắc bén. Than để đốt lửa rèn cũng phải lựa chọn loại than nặng lửa, có nhiệt độ cao thì rèn mới tốt. Bởi vậy, dù trời nắng nhưng những người thợ rèn vẫn luôn phải ngồi bên cạnh những lò lửa đỏ rực. Đây cũng là nỗi ám ảnh của chúng tôi mỗi khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao.
Công đoạn mài sản phẩm dưới thời tiết nắng nóng cũng không kém phần cực nhọc.
Tại xưởng làm việc của gia đình anh Phạm Văn Tiến gần đó, tiếng búa nện chát chúa, tiếng mài kim loại, ánh lửa than là những âm thanh và hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống thường ngày. Có lẽ cũng do tiếp xúc với nhiệt độ cao và dùng lực nhiều nên đôi bàn tay của những người thợ rèn lâu năm bị chai sần, thô cứng. Anh Tiến bộc bạch: "Với nghề rèn, những người thường xuyên túc trực ở lò cán thép là công đoạn nặng nhọc và vất vả nhất. Đặc biệt là những ngày nắng nóng như hiện nay, hơi lửa than nóng hừng hực phả ra từ lò khiến những người thợ nhanh bị vắt kiệt sức. Thế nhưng, thợ rèn dường như đã được tiếp xúc với công việc này từ nhỏ nên lâu rồi cũng thành quen...". Vừa nói hết câu, anh Tiến lại say sưa làm việc, ánh mắt luôn tập trung vào từng nhát búa, mặc cái nắng, cái nóng như đổ lửa vẫn liên tục phả vào người.
Những người thợ rèn miệt mài dưới cái nóng để làm ra sản phẩm
Nghề rèn truyền thống ở xã Tiến Lộc có từ bao đời. Cho đến nay, trong cơ cấu kinh tế của xã thì nghề rèn đã chiếm trên 80%, tập trung ở các làng Ngọ, làng Bùi, làng Sơn. Nghề rèn đem lại thu nhập bình quân từ 200 đến 300 nghìn đồng/người/ngày. Những ngày qua, thời tiết nắng nóng, oi bức khiến người làm nghề rèn càng thêm vất vả. Để đảm bảo sức khỏe, địa phương cũng khuyến cáo người dân nên nghỉ ngơi vào những giờ nắng nóng nhất. Có thể làm sớm hơn hoặc muộn hơn để tránh nóng.
Bánh đa làng Chòm được người dân phơi nắng dọc hai bên đường.
Tại làng nghề làm bánh đa làng Chòm, xã Tân Châu (Thiệu Hóa), những người thợ như cũng chạy đua với cái nắng. Đi dọc các tuyến đường trong xã, đâu đâu cũng nhìn thấy những chành bánh phơi dọc hai bên. Hàng trăm lò bánh cũng đỏ lửa ngày đêm, hoạt động hết công suất để có sản phẩm cung ứng ra thị trường. Chia sẻ những nhọc nhằn giữa cái nắng gắt, bà Phùng Thị Thu, người làm bánh lâu đời ở xã cho biết: "Đối với nghề làm bánh thì càng nắng lại càng phải làm, bởi nghề này khá “ăn nắng”. Do đó, để kịp đón nắng, gia đình tôi phải thức dậy từ 3, 4 giờ sáng để bắt đầu nhóm lửa chuẩn bị công việc. Để làm ra chiếc bánh phải trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, khâu tráng bánh rất quan trọng. Bánh được tráng hai lớp đều tay để không quá dày hoặc quá mỏng. Cùng với đó, công đoạn phơi bánh dưới nắng cũng rất công phu. Nếu gặp trời nắng to phải canh bánh thường xuyên, bởi quá nắng chiếc bánh sẽ cứng và cong, nhìn không đẹp mắt và khó nướng. Cứ vài chục phút lại chạy ra trở bánh một lượt. Thú thật, trời nắng như thiêu đốt mà cứ ngồi bên cạnh lò tráng bánh và chạy ra nắng để phơi bánh thì cực kỳ vất vả. Thế nhưng, nghề này mang lại thu nhập chính cho người dân nên chúng tôi vẫn quyết bám trụ".
Trong trang phục bảo hộ kín mít, chị Nguyễn Thị Cảnh, xã Đông Văn (Đông Sơn) vẫn mài đá mặc cho cái nóng bủa vây.
Về làng nghề chế tác đá mỹ nghệ làng Nhồi, phường An Hưng (TP Thanh Hóa), thời tiết nắng nóng nhưng cũng không ngăn được sự miệt mài sáng tạo của các nghệ nhân làm đá mỹ nghệ. Tại đây, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ trong bộ trang phục bảo hộ kín mít với tay búa, tay mài đang mải miết làm việc. Vốn theo nghề từ lâu, chị Nguyễn Thị Cảnh, xã Đông Văn (Đông Sơn), trần tình: "Để tạo nên những tác phẩm độc đáo đòi hỏi người thợ đá phải có tay nghề cao, thích nghi tốt với môi trường làm việc khắc nghiệt dưới thời tiết nắng nóng, và người thợ phải chịu được tiếng ồn và bụi bặm đặc. Mấy hôm nay, thời tiết nắng nóng gay gắt nên hầu như các thợ đá ở đây đều phải đi làm từ rất sớm để tránh nắng, và nghỉ trưa sớm, chiều cũng làm muộn hơn. Nắng quá, có hôm chúng tôi uống nước giải nhiệt nhiều đến mức trưa về không ăn được cơm. Nghề này tuy vất vả, nặng nhọc nhưng thu nhập cao hơn nhiều nghề lao động chân tay khác, nên tôi vẫn cố gắng theo nghề".
Không chỉ lao động dưới trời nắng nóng, người làm nghề ở làng nghề chế tác đá mỹ nghệ làng Nhồi còn phải đối mặt với bụi bặm, tiếng ồn.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 30 nghề truyền thống, 29 làng nghề và 57 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng hơn 15.000 lao động tham gia. Với người lao động ở các làng nghề, nghề truyền thống vốn đã cực, đặc biệt vào những ngày nắng nóng, lại càng cực hơn. Thế nhưng họ vẫn chọn và kiên trì với nghề. Không chỉ vì mưu sinh, đó còn là cách để giữ lửa cho nghề truyền thống mà lớp cha ông đã để lại cho muôn đời sau.
Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-06-18 14:27:00
Đẩy mạnh truyền thông thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH
Ký kết chương trình phối hợp về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giai đoạn 2024 - 2028
Quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em trong dịp hè
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Ứng dụng công nghệ trong kiểm soát tải trọng xe
Loại bỏ phiền hà
Tăng cường quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ
Cùng nhau lan tỏa tinh thần, nghĩa cử cao đẹp của hiến máu tình nguyện
Để sinh hoạt hè là “học kỳ 3” bổ ích cho học sinh
2.000 học sinh trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn cứu hộ