Những người thầy nặng lòng với trẻ khuyết tật
Giảng dạy cho học sinh bình thường tiến bộ đã khó, càng khó hơn khi dạy dỗ những đứa trẻ mang trên mình khiếm khuyết. Thế nhưng bằng tình yêu nghề, các thầy, cô tại Trường Trung cấp nghề thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn Thanh Hóa luôn kiên trì, nhẫn nại dạy bảo các em.
Cô giáo Lê Thị Hương hướng dẫn học sinh học cắt may.
Buổi dạy học của cô giáo Lê Thị Hương, Khoa May và Mỹ nghệ trong ngày đầu tiên của năm học mới 2024-2025 đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Bởi học sinh của cô có nhiều em bị khiếm khuyết, có trường hợp tăng động, mắc chứng tự kỷ, câm, điếc bẩm sinh, cũng có em bị khiếm khuyết về vận động và ở các độ tuổi khác nhau.
Trong giờ dạy, cô Hương liên tục di chuyển, cầm tay hướng dẫn từng động tác nhỏ nhất, như cách cầm kéo cắt vải, tư thế đặt vải để may. Không theo một giáo án chung, với mỗi học sinh “đặc biệt” này cô Hương đều có phương pháp giảng dạy riêng để phù hợp với khả năng tiếp thu cũng như vận động của từng em. Có lẽ thấu hiểu tình yêu thương của cô giáo nên các em ngồi học rất chăm chú.
Em Chu Thị Ngọc Mai, phường Quảng Cát, TP Sầm Sơn, xúc động nói: “Em bị u máu bẩm sinh, trước đây em hay tự ti về ngoại hình của mình, nhưng khi vào đây học tập, được sự động viên, giúp đỡ của thầy, cô giáo, trực tiếp là cô Hương dạy nghề, em đã biết may cơ bản, em vui lắm”.
Chia sẻ cơ duyên đến với nghề, cô Hương kể: “Tôi về công tác khi trường mới thành lập, những ngày đầu dạy học cũng gặp nhiều khó khăn vì không biết phải bắt đầu dạy từ đâu và dạy như thế nào. Vì vậy, để các em có sự tương tác với giáo viên, tiếp thu bài hiệu quả nhất, mỗi ngày tôi không ngừng trau dồi chuyên môn bằng việc học từ đồng nghiệp, tham gia học những lớp về ký hiệu ngôn ngữ, kỹ năng dạy nghề học sinh khuyết tật”.
15 năm gắn bó với ngôi trường, niềm vui, cũng là động viên lớn nhất với cô Hương, đó là các em luôn nỗ lực vươn lên, nhiều em đã tìm kiếm được việc làm, tự nuôi sống bản thân.
Đó cũng là tâm sự của cô giáo Trịnh Mỹ Thương, giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu. “Khi đang là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, tai nạn giao thông đã khiến tôi bị ảnh hưởng nhiều về ngoại hình và sức khỏe. Được sự động viên của gia đình, người thân, tôi trở về quê sinh sống và đó cũng là cơ duyên để tôi dạy học ở ngôi trường này với nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn, đặc biệt là các em bị khuyết tật”, cô Thương trải lòng.
Suốt nhiều năm qua, tình yêu nghề, sự đồng cảm là động lực để cô luôn nỗ lực, có nhiều cách dạy sáng tạo để học sinh tiếp thu bài một cách nhanh nhất, như đưa hình ảnh cho các em xem, vừa phát âm thành miệng để học sinh có thể hình thành khẩu ngữ vừa làm động tác để các em ghi nhớ. Đối với mỗi học sinh, cô đều có phương pháp giảng dạy khác nhau. "Cầu nối” giúp cô trò giao tiếp với nhau là đôi tay, chính đôi tay cũng sẽ giúp các em nói lên những mong muốn của bản thân.
Cô Thương tâm sự: “Dạy ngôn ngữ ký hiệu không chỉ đơn thuần là dạy giao tiếp, mà còn là cánh cửa để các em hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Với giáo viên dạy trẻ khuyết tật thì ngoài sự kiên trì, nhẫn nại, cần phải có tình yêu thương vô bờ bến với các em”.
Tình yêu nghề và luôn coi học sinh như người nhà trong gia đình là phương pháp tốt nhất để đội ngũ cán bộ, giáo viên trong trường đang từng giờ, từng ngày đồng hành với những học sinh yêu thương từ việc dạy ngôn ngữ ký hiệu, dạy chữ, dạy nghề cũng như dạy kỹ năng sống. Ngoài giờ lên lớp, các thầy, cô cũng thường xuyên sâu sát với học sinh, thay nhau trực tại ký túc xá, nhắc nhở, động viên các em thực hiện tốt nội quy sinh hoạt cũng như trong học tập.
Trong trái tim của mỗi học sinh, các thầy cô giáo trong trường không chỉ là mẹ hiền, còn là người bạn, người thân, giúp các em xóa bỏ mặc cảm, tự ti, hòa nhập cuộc sống và có thể bước đi trên con đường tương lai một cách tự tin, vững vàng hơn.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
{name} - {time}
-
2024-11-20 14:29:00
Học Bác để trở thành người giáo viên mẫu mực
-
2024-11-19 15:04:00
Dấu ấn cựu chiến binh trong xây dựng nông thôn mới
-
2024-09-13 15:08:00
Đoàn viên 9X với sáng kiến làm lợi hơn 9 tỷ đồng mỗi năm
Nữ hiệu phó năng động, nhiệt huyết
Điểm nhấn phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” ở Hoằng Hóa
Tích cực phát triển kinh tế gia đình, tận tâm với công việc tập thể
Thầy giáo 21 năm bám bản
Cán bộ hội phụ nữ nhiệt huyết
Trưởng ban nữ công tận tâm, nhiệt huyết
Cựu TNXP phát huy tinh thần “Trẻ xung phong, già gương mẫu”
Nơi ấm tình người
Kỹ sư đam mê nghiên cứu khoa học