Những người Mông “đi ngược” tìm ấm no nơi biên viễn (Bài 2): Chị Dợ vượt nỗi sợ định kiến
Con không cao lớn bằng bố, bố con không cao bằng ông nội, ông nội nhỏ hơn ông cố, người Mông càng ngày càng nhỏ đi... Nghĩ mình được học hành, được đi ra tiếp cận với văn minh xã hội, nên phải có trách nhiệm với giống nòi, với bản thân, chị Hơ Thị Dợ, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Thủy (Quan Sơn) quyết không kết hôn sớm, cũng chẳng theo sự sắp đặt người Mông phải lấy người Mông. Suốt bao nhiêu năm, chị âm thầm, quyết tâm xóa nỗi sợ định kiến.
Một giờ giảng của cô giáo Hơ Thị Dợ tại Trường Tiểu học Sơn Thủy (Quan Sơn). Ảnh: Đ.Đ
Mênh mang buồn cận huyết
Sau những ngày mưa trắng trời biên viễn, bản Xuân Thành, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) tinh tươm trong nắng mới, đẹp như một đóa hoa đa sắc bởi màu ngói, màu tôn lợp trên những mái nhà khang trang, ẩn hiện sau cánh rừng bạt ngàn xanh thẳm. Năm học mới đã gần một tháng rồi, nhưng cô giáo người Mông Hơ Thị Dợ (SN 1997) chẳng mấy lúc được thảnh thơi. Ngày lên trường đứng lớp, bữa xuôi hơn 60 cây số đường núi về phố huyện Quan Sơn tập luyện, biểu diễn cùng đội văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị của huyện. Dợ dáng cao, dễ gần, hồn nhiên với cái miệng như lúc nào cũng chực cười đặt dưới đôi mắt trong veo như nước suối.
Ở nơi biên viễn này, được gặp cô giáo người Mông như Dợ đã là điều may mắn lắm. Bởi việc học hiện tại, giáo viên còn phải mòn gót chân đến nhà vận động phụ huynh cho con trẻ đến lớp chuyên cần, huống chi chuyện cách đây đã mười mấy năm trời khi trường lớp thứ gì cũng thiếu. Ở người đảng viên trẻ này, ngoài tâm huyết với con chữ nơi biên cương đầy gian khổ, còn chất chứa một nghị lực phi thường, can đảm vượt qua định kiến để xây dựng hạnh phúc. Mà trong câu chuyện ấy, chị Dợ không những dám đứng lên bảo vệ cho hạnh phúc của mình, mà còn mở hướng cởi bỏ “xiềng xích” trói buộc, giam hãm bao trai gái người Mông trong hủ tục, từng gây chuyện loạn luân ngang trái, kéo theo bao nỗi bất hạnh đoạn trường.
Nhà chị Dợ ở tận bản Cá Nọi, xã Pù Nhi (Mường Lát), cách Sơn Thủy hơn 80 cây số chòng chành vắt qua núi cao suối xiết. Chừng 5 năm trước, lúc tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương (Hà Nội), trong một lần sang xã Sơn Thủy (Quan Sơn) biểu diễn văn nghệ mừng Đảng - mừng Xuân, chị gặp Phạm Văn Đức cùng tuổi ở bản Xuân Thành, rồi kết thân bầu bạn. Dợ hát hay múa dẻo, Đức khặp giỏi lại chân tình. Từ lần gặp ấy, ngoài những cuộc điện thoại, Đức vẫn thường lặn lội đường dài lên Cá Nọi tìm Dợ để vơi nỗi nhớ nhung.
Những lần đầu, người nhà Dợ niềm nở tiếp đón, nhưng khi bén câu chuyện, Đức rõ ý định tìm vợ thì khác, đến cốc nước cũng chẳng có. Họ phải lén lút gặp nhau, lúc dưới ánh trăng mờ, khi bên bờ suối vắng. Qua vài mùa trăng, tình yêu đã tỏ, đôi trẻ mỗi ngày thêm quấn quýt như chim rừng. Rồi hai đứa xin bố mẹ Dợ làm lễ cưới, nhưng ban đầu thứ họ nhận được là những đôi mắt tròn xoe chẳng thân thiện gì. Chẳng phải do Đức nghèo, nhà xa, cũng chẳng phải anh không chân tình thương yêu Dợ, mà chỉ ngặt Đức là người Thái. Còn người Mông ở Cá Nọi, xưa nay chẳng ai kết hôn với người dân tộc khác. 7 anh chị ruột của Dợ cũng thế, lập gia đình với người Mông.
Ngoài giờ lên lớp, cô giáo Hơ Thị Dợ luôn giành thời gian chăm sóc gia đình.
Như Dợ kể, từ nhỏ bố mẹ khuyên dạy, con trâu không lấy con bò, người Mông phải lấy người Mông. Con gái Mông 13 - 14 tuổi phải đi lấy chồng sinh con đẻ cái chi chít như chùm sung ven suối để duy trì nòi giống. Chẳng phải xa xôi đi lại cách trở, chỉ cần trai bản khỏe mạnh, siêng năng và khác họ là xong. Mà lời răn ấy, chẳng riêng Dợ, người Mông nào ở bản Cá Nọi cũng thuộc nằm lòng làm chuẩn mực, là “kim chỉ nam” cho chuyện vợ chồng. Mà cũng bởi cái kim lệch hướng ấy, nên mới xảy ra chuyện loạn luân, hai anh em con cô con bác có chung huyết thống đời thứ 2, hoặc cháu cô cháu bác, tuổi mới 13 - 14 đã nên vợ nên chồng, sản sinh ra những nỗi đau truyền đời.
Đó là chuyện những sinh linh được sinh ra chẳng trọn vẹn do rối loạn di truyền, thứ bệnh mà y học hiện đại cũng bó tay. Có cháu sinh ra đã bệnh tật đeo đẳng, chẳng ngày nào không phải thuốc thang. May mắn hơn, nhiều cháu lớn lên nhưng bụng ỏng mắt to, chín mười tuổi chân liêu xiêu không vững, đêm tối thường gào lên inh ỏi. Bác sĩ bảo bệnh suy dinh dưỡng, bệnh động kinh, nhưng người bản nói đứa trẻ bị con ma núi, ma rừng bắt hồn vía, phải cúng để chuộc về...
Rồi đồ lễ tốn kém được bày ra. Thầy mo lại đến lầm rầm khấn vái cả buổi, lại cầm về con gà đùm xôi, nhưng chẳng có đứa trẻ nào khỏi bệnh. Cuộc sống chông chênh đắp đổi nơi rừng xanh núi đỏ, cơm ăn còn chưa đủ lại nặng nề thuốc thang, ma chay cúng cáp, những cặp vợ chồng cận huyết ấy chẳng bao giờ thoát được nghèo. Những căn nhà chưa kịp kín vách đất đã bung ra, mặc sức cho mưa hắt gió lùa.
Có cán bộ đến tận nhà tuyên truyền, giải thích về hậu quả của hôn nhân cận huyết, nhưng chẳng ông già bà cả nào chịu nghe theo. Họ vẫn cái lý con trâu không lấy con bò... Mà con cháu không nghe thì những cụ già móm mém, thở không ra hơi nhưng sẵn sàng chống gậy lên rừng tìm lá ngón để bảo vệ cái lý ấy. Còn nhiều người trẻ được đến trường, họ biết kết hôn cận huyết chẳng khác nào đặt bàn chân trần lên một đỉnh dốc trơn trượt cắm xuống vực sâu không còn tương lai nữa. Nhưng chẳng ai dám vượt qua...
Vượt định kiến
Sống ở bản Mông, rồi được ngồi trên ghế giảng đường, chị Dợ biết thứ ấy là hủ tục, “như gông, ách” tự người Mông giam hãm, trói buộc người Mông. Nhưng muốn thoát khỏi “nhà tù” ấy, chị nghĩ phải bắt đầu từ người trẻ. Mà đã có lần chị thoát, đó là lúc 18 tuổi, khi đang học lớp 12, bố mẹ đã bảo về nhận lễ ăn hỏi của một trai Mông. Bởi theo lẽ, trong bản chẳng cô gái nào có tuổi như Dợ chưa lấy chồng. Nhưng chị một mực đến cùng, quyết đi học, không lấy chồng sớm.
Chị Hơ Thị Dợ hạnh phúc bên con trai của mình.
Kể cả khi Đức sang Cá Nọi tìm Dợ, không ít lần được trai Mông “hỏi thăm sức khỏe” về lăn ra ốm cả tuần trời. Những lần ấy, Dợ phải chạy đến nhờ công an, bộ đội biên phòng giúp đỡ, Đức mới thoát thân. Từ đó, chẳng trai bản nào chuyện trò với chị. Còn những ông già, bà cả bản Mông bảo, “con Dợ coi như ế, thui thủi chết già thôi”, “con Dợ không phải là người Mông”, “con Dợ hư hỏng rồi”... Đến như, khi còn làm giáo viên ở Trường Tiểu học Nhi Sơn, tuy khác xã, nhưng phụ huynh cũng kháo nhau chuyện của chị. Có người còn đến xin nhà trường chuyển lớp khác cho con, không muốn học với Dợ, vì sợ trẻ “hư hỏng” theo cô... “Gươm hai lưỡi, miệng trăm hình”, Dợ con gái đâu phải lúc nào cũng đứng vững. Bao đêm mưa chị đã khóc, người gầy xọp hẳn đi. Rồi chị nghĩ ngợi, đấu tranh giữa tình yêu và định kiến, giữa tiến bộ và hủ tục. Tháng ngày trôi đi, một hôm trời sáng, Dợ trở lại với chính mình, của một cô gái vô tư vẫn thường hay ca hát, bỏ lại những điều tiếng thế gian, sống với tình yêu và tiến bộ. Chị mạnh dạn xin bố mẹ cho theo Đức sang bản người Thái làm vợ.
Đồng chí Hà Xuân Thành, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Sơn: “Quá trình công tác, cô giáo Hơ Thị Dợ luôn được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cô giáo Dợ đã tích cực tham gia và là một trong những hạt nhân phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, xây dựng đời sống văn hóa của huyện. Đặc biệt, cô giáo Dợ đã kiên định bảo vệ tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của mình, xóa bỏ hủ tục, quan niệm lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc Mông về hôn nhân gia đình, đã góp phần truyền cảm hứng, động lực lớn trong thanh niên vùng biên nỗ lực vươn lên trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc”. |
“Cả bố mẹ và các anh chị rất thương em, đó là điều tuyệt vời nhất. Một lần xin không được, hai lần xin không được thì em xin nhiều lần. Các cụ trong bản đến nhà khuyên can bố mẹ em cũng thế thôi. Cuối cùng cả nhà cũng đồng ý”, Dợ kể chuyện trong đôi mắt trong veo.
Đám cưới của Dợ được tổ chức theo nếp sống mới, văn minh và gọn nhẹ. Dợ cũng là người con gái Mông đầu tiên ở bản Cá Nọi được lên xe hoa về nhà chồng. Hôm đó trời thu dìu dịu nắng, Dợ xinh tươi, lộng lẫy, cười giòn tan bên chàng rể người Thái. Mặc bao lời thì thào quở trách, ánh nhìn không ưa của những ông già bà cả, nườm nườp trai gái người Mông đã đến hân hoan chúc tụng và ước ao có một đám cưới như của Dợ. Chị bảo: “Em vui lắm. Được lấy người mình yêu, dù mai này có ra sao, nhưng em tin vào quyết định của mình”.
Tôi đến thăm vợ chồng Dợ. Đó là căn nhà khang trang, kiên cố ngự trên một đồi xanh hướng ra con đường nhựa thênh thang gần trung tâm xã Sơn Thủy, nơi 2 đứa trẻ bầu bĩnh của Dợ vẫn thường chơi đùa tíu tít trước khoảnh sân sạch sẽ. Ngày ngày anh Phạm Văn Đức nhận khoán thi công các công trình nhà cửa, rồi rủ thêm người bản cùng làm, kiếm kế sinh nhai. Còn Dợ là một cô giáo âm nhạc của Trường Tiểu học Sơn Thủy, ngoài giờ giảng trên lớp còn là “cây” văn nghệ được cử đi tham gia ở hầu khắp các hội diễn trong xã, ngoài huyện.
Thầy giáo Hoàng Văn Sáu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy nói, Dợ là “hàng hiếm”, vừa đảm đương được chuyên môn, vừa thuần thục công tác phong trào ở trường, ở huyện.
Còn tôi, thì Dợ đẹp hơn ở nghị lực, tự mình chống lại những trì trệ, lạc hậu để bảo vệ hạnh phúc cho mình. Và câu chuyện ấy đang được bao chàng trai cô gái Mông truyền tai nhau như một cổ tích đẹp nơi núi rừng biên viễn. Mà ở đó, họ nhìn thấy con đường hôn nhân tươi sáng cho chính mình, cho giống nòi người Mông được cứu rỗi...
Đỗ Đức
Bài 3: Đảng viên tiên phong đưa ruộng về... bản.
{name} - {time}
-
2025-01-15 21:35:00
Hướng về cơ sở, lấy quyền lợi người lao động làm trọng tâm hoạt động
-
2025-01-15 20:04:00
Bịt “kẽ hở” trong công tác quản lý người nước ngoài (Bài cuối): “Gỡ khó” trong công tác quản lý
-
2024-10-04 16:22:00
Truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội và trật tự an toàn giao thông
Thị xã Nghi Sơn khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đồi đất tại bản Cha Khót, xã Na Mèo và sụt lún đất, nứt khu dân cư bản Muỗng xã Trung Xuân (Quan Sơn)
BIDV hiện thực hóa ước mơ an cư cho người nghèo huyện Bá Thước
Phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở đợt 2
Quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh
Những người Mông “đi ngược” tìm ấm no nơi biên viễn (Bài 1): Như thân cây kiêu hùng trước bão
Bước chuyển loại bỏ sự phiền hà
Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Quảng Xương với các hoạt động vì nghĩa tình đồng đội
Hội LHPN tỉnh trao 10 suất học bổng Mottainai cho trẻ mồ côi