Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài cuối): Giữ nguồn “dưỡng nuôi” di sản
Vinh danh những người “giữ hồn” di sản bằng các danh hiệu mới là điều kiện “cần”. Trong khi, điều kiện “đủ” để những người nắm giữ các yếu tố cốt lõi của di sản văn hóa ấy có thể duy trì nhiệt huyết, tình yêu và tích cực trao truyền di sản đến đời sau, thì cần thêm nguồn “dưỡng nuôi” từ sự chung tay trách nhiệm của các ngành và địa phương.
Các nghệ nhân trình diễn trò Xuân Phả. Ảnh: Thùy Linh
Cần ứng xử đúng mực
Thanh Hóa hiện có 25 di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh có 66 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” và 3 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”. Đến nay, có 55 nghệ nhân còn sống. Trong đó, có 11 nghệ nhân được hưởng chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, thực tế nghệ nhân thường là những người cao tuổi, nhiều người sống trong cảnh già yếu không có trợ cấp, không đảm bảo cuộc sống. Thậm chí, nhiều người vẫn phải “vất vả mưu sinh” kiếm sống từng ngày. Với cuộc sống còn nhiều khó khăn như vậy thì dù họ có cố gắng dành thời gian cống hiến cho văn hóa dân tộc, chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng thì cũng khó mà trọn vẹn.
Để hỗ trợ và động viên các nghệ nhân tích cực tham gia thực hành và trao truyền văn hóa, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các nghệ nhân. Nhiều địa phương đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ các nghệ nhân và những người lưu giữ vốn quý văn hóa khi tham gia trình diễn, thực hành, hướng dẫn và truyền dạy các di sản văn hóa. Tuy nhiên, nguồn huy động được thường rất ít và chỉ huy động được trong các hoạt động quy mô lớn, chưa có tính lâu dài, thường xuyên. Điển hình như tại xã Đông Khê (Đông Sơn), mỗi lần đưa đoàn nghệ nhân tham gia các hoạt động trình diễn văn hóa dân gian hay chương trình liên hoan văn nghệ của tỉnh, địa phương thường huy động nguồn xã hội hóa để có kinh phí hỗ trợ, động viên tinh thần các nghệ nhân.
Một số huyện miền núi như Ngọc Lăc, Như Xuân đã hỗ trợ các nghệ nhân theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, các huyện miền núi đã hỗ trợ một phần kinh phí cho các nghệ nhân thông qua hoạt động tổ chức truyền dạy, lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận.
Tại huyện Ngọc Lặc, có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 4 Nghệ nhân Ưu tú, trong đó có 1 Nghệ nhân Ưu tú đã mất. Trên địa bàn huyện không có nghệ nhân nào được hưởng chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, mặc dù phần lớn các nghệ nhân tuổi cao sức yếu, hoàn cảnh gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Huyện đã “loay hoay” tìm cách hỗ trợ để động viên họ hăng say cống hiến. Từ khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã sử dụng một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận thuộc Dự án 6 để hỗ trợ cho các nghệ nhân khi tham gia truyền dạy di sản.
Cùng với các địa phương, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã tích cực tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, cách tổ chức chương trình văn hóa, văn nghệ cho các nghệ nhân tham gia. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, hội thi hội diễn trong tỉnh để nghệ nhân được thực hành, thể hiện tài năng của mình. Đặc biệt, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã thường xuyên tổ chức cho các nghệ nhân cùng tham gia hội thi, hội diễn trên toàn quốc. Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Nguyễn Thị Mai Hương cho biết: “Trong những chương trình tập huấn, các nghệ nhân không chỉ được hướng dẫn chuyên môn, hỗ trợ xây dựng chương trình văn hóa, văn nghệ một cách bài bản mà các nghệ nhân còn được hỗ trợ một phần kinh phí ăn, nghỉ khi tham gia. Đó như một nguồn động viên để các nghệ nhân tích cực tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ và truyền dạy di sản văn hóa tại các địa phương. Đặc biệt, từ các cuộc thi, hội thi ở các tỉnh, thành trên cả nước, các nghệ nhân được giao lưu, tiếp xúc với nhiều dân tộc, hiểu thêm được giá trị của văn hóa và sự độc đáo của di sản mình đang nắm giữ. Từ đó, thêm trân quý và tích cực truyền dạy di sản văn hóa của dân tộc mình”.
Đừng chặn nguồn “dưỡng nuôi”
Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân là điều mà bất cứ ai cống hiến cho văn hóa dân gian đều mong có được. Việc vinh danh nghệ nhân là để ghi nhận và gìn giữ những “tài nguyên” văn hóa. Bởi, những giá trị truyền thống tốt đẹp, quý báu được kết tinh trong những “báu vật sống” - nghệ nhân văn hóa dân gian. Do đó, khi đã xem họ là hạt nhân cốt lõi của văn hóa truyền thống thì cần quan tâm tạo điều kiện để họ được “cháy” cùng di sản hay được “truyền lửa” di sản đến cộng đồng.
Các nghệ nhân trình diễn trò diễn Pồn Pôông. Ảnh: Thùy Linh
Việc công nhận các danh hiệu, thiết nghĩ chỉ mới là phần ngọn. Còn cái gốc đó là tạo điều kiện để các nghệ nhân được sống cùng di sản; được lan tỏa các giá trị quý báu của di sản một cách lâu dài, bền vững. Hiện nay, các địa phương đã thành lập các câu lạc bộ/đội nhóm văn nghệ, tổ chức các hoạt động để nghệ nhân được thực hành và truyền dạy. Song, hoạt động của các câu lạc bộ vẫn chưa sôi nổi, chưa duy trì thường xuyên. Nhiều người sau khi được công nhận nghệ nhân hoạt động cầm chừng, chưa tích cực tham gia thực hành và truyền dạy di sản.
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, với các nghệ nhân, trao bằng vinh danh, trợ cấp tiền cho họ hằng tháng chỉ là nguồn động viên. Vấn đề cốt lõi là sau khi được phong tặng, các nghệ nhân sẽ sống như thế nào, hoạt động, cống hiến ra sao mới là vấn đề cần được quan tâm. Hiện nay, ngoài các chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn thì chưa có chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân nói chung. Đồng thời, các chính sách đang được thực hiện chưa tác động nhiều đến các nghệ nhân - những người nắm giữ tinh thần cho di sản. Do đó, cần phải có chính sách bảo đảm cuộc sống, duy trì sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe để họ có thể cống hiến hết mình cho cộng đồng. Song song với đó, cần có các chính sách giúp các nghệ nhân sử dụng, phát huy các tri thức mình đang nắm giữ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nói chung.
Các Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú phần lớn đều đã cao tuổi, sức yếu. Mọi chính sách hỗ trợ họ cần phải được sớm hiện thực hóa. Sự hỗ trợ kịp thời, công bằng cho các nghệ nhân đã được vinh danh không chỉ khẳng định vai trò của họ, công nhận giá trị của họ mà còn đề cao tính nhân văn trong chính sách của Đảng, Nhà nước với người có đóng góp trong văn hóa. Đồng thời, việc quan tâm đúng mức, tạo điều kiện để họ cống hiến hết mình là cách hiệu quả để duy trì nguồn “dưỡng nuôi” cho văn hóa, phát huy được các giá trị di sản văn hóa quý báu mà các nghệ nhân lưu giữ suốt một đời.
Dẫu rằng trước đây, dù không có các chính sách hỗ trợ thì các nghệ nhân vẫn dành một đời để say mê và cống hiến cho văn hóa dân tộc. Nhưng sẽ tốt hơn nếu có sự hỗ trợ để giúp họ có thêm điểm tựa và niềm tin tiếp tục gắn bó với văn hóa. Thực tế đã có nhiều minh chứng cho thấy, nếu không biết trân quý và giữ nguồn “dưỡng nuôi” văn hóa, thì chắc chắn nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp sẽ không được bảo lưu một cách tập trung, bài bản và có nguy cơ thất truyền, hoặc đã mai một do không được truyền dạy cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ.
Nhóm Phóng viên
{name} - {time}
-
2024-12-26 06:53:00
10 địa điểm trong nước được du khách tìm kiếm nhiều nhất dịp Tết 2025
-
2024-12-25 19:00:00
[Podcast] - Tản văn: Ngày đông nhớ món rau rừng
-
2024-11-23 10:55:00
Khởi nghĩa Nam Kỳ: Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện
Bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Dao ở Mường Lát
[E-Magazine] - Họa mi đón gió
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7: Vinh danh 58 bộ sách, cuốn sách
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài 2): Phía sau danh hiệu
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận 400 hiện vật hiến tặng
Quảng Ninh quyết tâm hút khách đến mùa thu đông bằng chương trình kích cầu quy mô lớn
Mở đường để di sản đến gần hơn với công chúng
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài 1): Chuyện về những “báu vật sống”
Choáng ngợp với trục đại lộ tôn vinh văn hóa “trên từng centimet” Sun Group mang đến Hà Nam