(Baothanhhoa.vn) - Đêm 12-2-1961, thị xã Thanh Hóa và thị xã Hội An (nay là TP Thanh Hóa và TP Hội An) đã nắm chặt tay nhau kết tình đồng chí, anh em. Kể từ sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc ấy, những lá thư vượt mưa bom, bão đạn của chiến tranh giữa Đảng bộ, quân và Nhân dân hai quê hương như một minh chứng cho mối tình “son sắt thủy chung” TP Thanh Hóa - TP Hội An.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những lá thư thắm đượm nghĩa tình TP Thanh Hóa - TP Hội An

Đêm 12-2-1961, thị xã Thanh Hóa và thị xã Hội An (nay là TP Thanh Hóa và TP Hội An) đã nắm chặt tay nhau kết tình đồng chí, anh em. Kể từ sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc ấy, những lá thư vượt mưa bom, bão đạn của chiến tranh giữa Đảng bộ, quân và Nhân dân hai quê hương như một minh chứng cho mối tình “son sắt thủy chung” TP Thanh Hóa - TP Hội An.

Những lá thư thắm đượm nghĩa tình TP Thanh Hóa - TP Hội An

Vị trí trang trọng trưng bày bản gốc một số trang thư giữa Đảng bộ, quân và dân TP Thanh Hóa - TP Hội An tại Phòng Truyền thống TP Thanh Hóa - TP Hội An.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về kết nghĩa hai miền Bắc - Nam, đêm 12-2-1961, lễ kết nghĩa giữa TP Thanh Hóa và TP Hội An cũng đã được tổ chức long trọng tại TP Thanh Hóa. Thời khắc có ý nghĩa chính trị sâu sắc ấy, là “sợi dây” kết nối tình đồng chí, anh em, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi giữa Đảng bộ, quân và dân TP Thanh Hóa - TP Hội An. Đó còn là minh chứng cụ thể cho chân lý “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Với khẩu hiệu “Miền Nam gọi - miền Bắc trả lời”, “Hội An cần - Thanh Hóa có”, trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, quân và dân TP Thanh Hóa đã chi viện sức người, sức của, cả vật chất lẫn tinh thần cho chiến trường Hội An, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để Đảng bộ, quân và dân TP Hội An chiến thắng quân thù. Mỗi một chiến công trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ làm giàu thêm truyền thống anh hùng của quê hương bên dòng sông Thu Bồn, mà còn in đậm biết bao mồ hôi, công sức, bao dòng máu đỏ của đồng bào, đồng chí TP Thanh Hóa. Hai tiếng “Thanh Hóa” đã thấm sâu vào máu thịt của Nhân dân Hội An và hai tiếng “Hội An” cũng đã thấm sâu vào máu thịt của Nhân dân Thanh Hóa.

Năm tháng qua đi nhưng năm tháng lại minh chứng và làm rạng ngời thêm tình nghĩa “son sắt thủy chung” giữa hai thành phố. Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, cả hai thành phố đang vươn mình phát triển nhanh về mọi mặt, chúng ta có dịp “Cảo thơm lần giở trước đèn” những lá thư để hiểu thêm nghĩa tình thắm thiết, son sắt được vun đắp bằng tấm lòng, bằng xương máu, nước mắt của quân và dân hai TP Thanh Hóa - Hội An.

Ngược dòng lịch sử, ngay sau lễ kết nghĩa, cuối tháng 6-1961, Đảng bộ thị xã Thanh Hóa đã gửi thư cho Ban Liên lạc đồng hương Hội An tại TP Hà Nội. Qua lá thư, Đảng bộ thị xã Thanh Hóa mong muốn thường xuyên được theo dõi những tin tức về thị xã Hội An anh em, để phổ biến cho cán bộ, đảng viên, quân và dân tại địa phương học tập tinh thần đấu tranh anh dũng của đồng chí, đồng bào trên vùng đất bên dòng sông Thu Bồn. Trong một lá thư khác gửi cho cán bộ, đồng bào thị xã Hội An vào ngày 20-7-1963, thị xã Thanh Hóa thông tin về lễ khởi công xây dựng Thư viện thiếu niên Hội An được tổ chức vào ngày 21-7-1963. Điều đáng tiếc phần đầu của lá thư đã bị thất lạc. Dẫu vậy, những trang thư còn sót lại vẫn chứa đựng những lời động viên quân và dân thị xã Hội An tiếp tục nêu cao tinh thần quật cường, anh dũng đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Trong thư có đoạn viết: “Bên sông Thu Bồn yên tĩnh đã mọc lên hàng loạt ấp chiến lược, bọn Mỹ - Diệm tưởng có thể đè bẹp được ý chí của Nhân dân thị xã Hội An. Nhưng thực tế, cuộc đấu tranh của Nhân dân thị xã Hội An vẫn tiếp tục và phát triển, dù cho Mỹ - Diệm dùng trăm phương nghìn kế chúng không làm lay chuyển “lòng gan, dạ sắt” của đồng bào. Tin chiến thắng dồn dập khắp nơi. Trên xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn có 7 chiến sĩ đã chiến đấu suốt ngày, đánh lùi ngót một tiểu đoàn địch. Có một chiến sĩ người Thượng đã bẻ gãy một cuộc càn quét của 400 tên địch và Nhân dân đã nổi dậy phá hàng vạn mét rào ấp chiến lược. Chúng tôi vô cùng phấn khởi trước những thắng lợi của Nhân dân thị xã Hội An”.

Những lá thư thắm đượm nghĩa tình TP Thanh Hóa - TP Hội An

Bản gốc một số trang thư giữa Đảng bộ, quân và dân TP Thanh Hóa - TP Hội An.

Ngày 8-9-1967, Đại hội đại biểu Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam thị xã Thanh Hóa lần thứ VI họp trong không khí tưng bừng chiến thắng của hai miền Nam - Bắc, thay mặt Đoàn Chủ tịch đồng chí Hồ Văn Huấn đã viết thư gửi cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân thị xã Hội An. “... Quảng Nam kiên cường, bất khuất, có thị xã Hội An anh em đã là đơn vị đầu tiên trực tiếp đánh Mỹ, diệt Mỹ của Thành đồng Tổ quốc. Phát huy bài học đó, khi cái gọi là uy thế không lực Hoa Kỳ bén mảng đến đất Thanh Hóa thì đã được nếm những đòn sấm sét của quân và dân khu vực Hàm Rồng, Nam Ngạn. 47 con quạ sắt Mỹ nát như xác pháo, lả tả rơi rụng bên chân cầu Hàm Rồng ven dòng sông Mã. Hai năm 1965-1966, giặc Mỹ xâm lược đã càn đi, quét lại thị xã Hội An hòng đánh phá phong trào, thì cũng hai năm ấy, Nhân dân thị xã Hội An đã giáng trả lại những đòn chí mạng. 655 trận đánh đã tiêu diệt 2.541 tên địch và thu hồi được nhiều súng ống, đạn dược. Lửa đấu tranh và chiến thắng được Nhân dân hai miền, trong đó có công của quân, dân hai thị xã chúng ta đã, đang cháy bừng lên mãi mãi. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Nhân dân thị xã chúng tôi quyết đem mồ hôi, xương máu để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc”.

“Một lá thư thắm thiết tình đồng chí chiến đấu từ Thanh Hóa thân yêu lại đến với chúng tôi giữa những ngày vác súng, cầm gươm cùng cả nước giành chiến thắng cuối cùng. Làm sao nói hết những xúc động của chúng tôi trước những tình cảm chân thành, sâu đậm của đồng chí, đồng bào ngoài ấy”. Đó là những dòng thư hồi âm vào ngày 6-5-1968 của đồng chí Ngô Xuân Hạ, Bí thư Thị ủy Hội An gửi Đảng bộ, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào thị xã Thanh Hóa. Trong thư đồng chí Ngô Xuân Hạ còn nhắc nhiều về cuộc tiến công và nổi dậy của Nhân dân thị xã Hội An từ đầu xuân Mậu Thân 1968. “Hội An đã chính thức bước vào mùa xuân 1968 bằng những ánh chớp giật của các cỡ súng diệt khu công binh, diệt đồn Ngọc Thành, làm chủ Cẩm Nam. Và trong những tiếng thét xé trời của hơn mười nghìn quần chúng cầm giáo, mác tràn lên Trường Lệ vây chặt Cồn Chài. Hội An mãi mãi còn vang tiếng hô xông lên của mẹ Thuận (Cẩm Châu) trước giờ ngã xuống. Chúng tôi viết lá thư này gửi đồng bào, đồng chí giữa tiếng súng tiến công đồng loạt của Hội An đang nổ ra giòn giã giữa lòng thị xã”. Cũng trong năm 1968, Đảng bộ thị xã Hội An đã gửi tặng Đảng bộ, quân và dân thị xã Thanh Hóa 1 khẩu súng côn, 1 chiếc đồng hồ. Đây là vũ khí, đồ vật mà quân và dân thôn An Bàng, xã Cẩm An thu được sau khi đã tiêu diệt 2 tên lính đánh thuê Nam Triều Tiên đến lùng sục xóm làng. Cùng với đó, đồng chí Võ Hiên, Phó Bí thư Thị ủy Hội An gửi bức thư nói rõ về tiểu sử chiếc đồng hồ và khẩu súng côn.

Đại thắng mùa xuân năm 1975, nước nhà thống nhất. Dòng sông Thu Bồn không còn bị vấy đục và giọng hò khoan, hò bài chòi dịu dàng, êm ái lại ngân vang để ca ngợi cuộc sống yên lành, hạnh phúc của Nhân dân. Trong công cuộc đổi mới, bằng tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai thành phố đã đoàn kết một lòng, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, nỗ lực phấn đấu ra sức thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh CNH, HĐH và giành được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.

Giữa tháng 4-2021 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 60 năm kết nghĩa TP Thanh Hóa - TP Hội An, TP Thanh Hóa đã khánh thành Phòng Truyền thống TP Thanh Hóa - TP Hội An. Phòng Truyền thống là nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu hơn 300 tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý về vùng đất và con người Thanh Hóa - Hội An. Trong không gian mang đậm màu sắc lịch sử của phòng truyền thống, những lá thư thăm hỏi, động viên trong suốt những năm tháng chiến tranh giữa Đảng bộ, quân và dân hai TP Thanh Hóa - Hội An được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Ở đó chứa đựng biết bao lời chân tình, những biểu hiện sâu sắc mối tình kết nghĩa “son sắt thủy chung” của hai quê hương về những năm tháng gian nan, anh dũng đã qua: “Uống nước Thu Bồn, nhớ nguồn sông Mã, điệu hò khoan hòa với điệu dô ta”.

Bài và ảnh: Trần Thanh


Bài và ảnh: Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]