Những chủ đề sẽ làm nóng chương trình nghị sự tại Đối thoại Shangri-La 2024 sắp tới
Từ ngày 31/5-2/6/2024, đại diện từ khoảng 40 quốc gia trên thế giới sẽ tập trung tại Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 21. Diễn đàn là sự kiện đáng chú ý, trong đó có nhiều chủ đề sẽ làm nóng chương trình nghị sự.
Xung đột quân sự Israel-Hamas: Cuộc chiến tàn khốc và đau thương
Đứng đầu trong chương trình nghị sự nhiều khả năng sẽ là cuộc xung đột Israel-Hamas đang hoành hành ở Dải Gaza và tác động được nhận thấy rõ ràng trên toàn thế giới. Mối lo ngại về xung đột leo thang và sự di dời của hơn 1,7 triệu người ở Gaza không phải chỉ riêng ở châu Á. Các tổ chức đa phương, từ Liên đoàn Ả-rập, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đến nhóm BRICS đã lên án gay gắt phản ứng quân sự của Israel trước cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7/10/2023 của Hamas và cùng với đó là sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với hành động của Israel.
Điều đó nói lên rằng, phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc xung đột Israel-Hamas là hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như việc Iran coi Israel là một quốc gia “khủng bố” trái ngược rõ rệt với lập trường thận trọng của một số nước khác, hay sự khác biệt trong quan điểm, lập trường của ba cường quốc Mỹ-Trung-Nga về cuộc xung đột này. Cuối tháng 10/2023, Nga, Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết Hội đồng Bảo an về xung đột Gaza do Mỹ đề xuất, cho rằng nó không kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn.
Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine: Cuộc chiến rối ren với sự tham gia của nhiều bên liên quan
Một chủ đề cấp bách khác sẽ là cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, hiện đã kéo dài sang năm thứ ba và chưa có hồi kết. Sự hỗ trợ của phương Tây là yếu tố quan trọng giúp cho quân đội Ukraine duy trì cuộc chiến với Nga cho đến ngày hôm nay. Trong khi đó, hầu hết các phản ứng của châu Á đối với cuộc xung đột vẫn tương đối im lặng, mối lo ngại lan rộng sau những gián đoạn thương mại do xung đột gây ra, ảnh hưởng tiêu cực đến giá năng lượng và lương thực. Kết hợp với xung đột Israel-Hamas và những thách thức khác, như xu hướng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều.
Cách đây 2 năm, Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trực tuyến tại Đối thoại Shangri-La 2022, kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ “cá nhỏ” khỏi “những kẻ săn mồi lớn hơn”. Do đó, nhiều khả năng đối thoại sắp tới sẽ tiếp tục xuất hiện những lời kêu gọi từ phương Tây nhằm hỗ trợ, cung cấp nguồn lực cho Chính quyền Kiev. Tuy nhiên, giới phân tích chính trị cho rằng, bóng tối của sự mệt mỏi ngày càng tăng từ chính các đồng minh của Kiev, những hệ lụy khôn lường đối với tình hình chính trị, an ninh, kinh tế của khu vực và thế giới, nên giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột sẽ được ưu tiên và bao trùm cuộc họp.
Tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn
Sẽ là thiếu xót nếu vấn đề Biển Đông không được đưa vào chương trình nghị sự tại đối thoại sắp tới. Những phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với quan hệ đối tác ba bên Mỹ - Nhật -Philippines và cuộc tập trận song phương Balikatan vừa kết thúc giữa Mỹ và Philippines - cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử của nước này, là những diễn biến mới nhất cho thấy xu hướng cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á nói riêng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.
Dự kiến, Tổng thống Philippines Marcos Ferdinand sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc của Đối thoại Shangri-La 2024. Bất kỳ đề cập nào của ông Marcos về Biển Đông cũng sẽ vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ Trung Quốc, vốn nhiều lần cáo buộc Manila và Washington hợp lực chống lại Bắc Kinh. Đối thoại cũng sẽ được nghe ý kiến phát biểu của tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân, mà nhiều khả năng sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông, cũng như hiện trạng an ninh tại khu vực. Theo truyền thông phương Tây, với việc Bắc Kinh thay đổi các nhân vật quân sự cấp cao thời gian gần đây, bao gồm cả người tiền nhiệm của tân Bộ trưởng Đổng Quân là ông Lý Thượng Phúc, những điều chỉnh chiến lược quân sự của Trung Quốc nếu có, chắc chắn sẽ được quan tâm tại đối thoại sắp tới.
Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân: Thu hẹp bất đồng, thúc đẩy hợp tác?
Thu hút chú ý nhiều nhất tại đối thoại sẽ là cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh tập trận bao vây đảo Đài Loan (Trung Quốc) ngày 23-24/5, còn Mỹ và Philippines cũng kết thúc cuộc tập trận Balikatan trước đó vào cuối tháng 4/2024.
Giới phân tích nhận định, cuộc gặp sắp tới giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Trung Quốc, cùng chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 4/2024 của Ngoại trưởng Blinken nằm trong chuỗi các hoạt động giữa hai nước nhằm quản lý tốt cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực mà hai nước cùng quan tâm, có nhiều lợi ích ràng buộc. Mặc dù xác định là những đối thủ cạnh tranh hàng đầu của nhau, song Washington và Bắc Kinh không thể phủ nhận vai trò quốc tế ngày càng lớn của mỗi nước, các bên không thể giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu nếu không có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ. Trong bối cảnh hai nước đã phát đi thông điệp đầu tiên cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung giai đoạn mới, thì cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Austin và người đồng cấp Đổng Quân là cơ hội để các bên xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng ở khu vực và thế giới.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-10 17:25:00
Thảm họa cháy rừng tại Los Angeles - hệ lụy của Biến đổi Khí hậu
-
2025-01-10 10:11:00
Khó khăn chồng chất
-
2024-05-29 06:53:00
Pháp và Đức kêu gọi tập trung hỗ trợ tăng trưởng cho EU
Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn: Khi các nước vẫn rất cần nhau
Hội nghị Thượng đỉnh ba bên - “Khởi đầu mới” trong quan hệ Trung-Hàn-Nhật
Cuộc tập trận Armenia - Mỹ: Mối đe dọa với Nga ở Caucasus
Sức ép lớn từ Nga, Mỹ thúc đẩy châu Âu tự chủ chiến lược
Thấy gì từ những cam kết viện trợ quân sự khổng lồ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine?
Nhận định về khả năng NATO đối đầu trực diện với Nga ở Ukraine
Thế giới mong muốn có cuộc chiến thay thế đồng USD
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin tạo ra “xung lực” mới cho quan hệ chiến lược Nga-Trung
Phản ứng của truyền thông Mỹ về chuyến thăm Trung Quốc ngay sau khi tái đắc cử của Tổng thống Nga V. Putin