(Baothanhhoa.vn) - Trời chập choạng tối, tôi cùng anh Ngân Văn Mận, Trưởng thôn Yên Thành, xã Yên Thắng (Lang Chánh) đi dọc đường tỉnh 530. Đoạn đường chạy qua thôn Yên Thành dài 1,8 km nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng của một cửa hàng buôn bán nào. Thôn nghèo xơ xác, không điện và đủ mọi thứ “không”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những bản, làng không điện

Trời chập choạng tối, tôi cùng anh Ngân Văn Mận, Trưởng thôn Yên Thành, xã Yên Thắng (Lang Chánh) đi dọc đường tỉnh 530. Đoạn đường chạy qua thôn Yên Thành dài 1,8 km nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng của một cửa hàng buôn bán nào. Thôn nghèo xơ xác, không điện và đủ mọi thứ “không”.

Người dân thôn Mười, xã Lũng Cao (Bá Thước) từng ngày mong mỏi có điện phục vụ sản xuất và đời sống.

44 nóc nhà nằm thiêm thiếp gối đầu lên những sườn núi hướng mặt tiền ra đường tỉnh 530. Những mái nhà ướt sũng, gồng mình chống chọi với gió mưa. Lúc này, bên trong ngôi nhà sàn nhỏ có 4 người ở của gia đình anh Vi Văn Muối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Bên bếp lửa, chị Ngân Thị Hiệu, vợ anh đang tất bật chuẩn bị bữa cơm tối cho cả gia đình. Dưới gầm nhà, anh Muối loay hoay vá lại mấy đoạn lưới bị rách để mai còn ra suối kiếm ít cá về cải thiện bữa ăn. Cưới nhau cũng đã hơn chục năm, có với nhau 2 mặt con, vậy mà cái nghèo vẫn cứ đeo bám mãi gia đình anh.

Anh Muối sực nhớ ra chiếc đèn pin duy nhất của gia đình đã 3 hôm nay chưa đem đi sạc. Bình thường, cứ 2 ngày anh lại mang đèn lên trung tâm xã Yên Thắng để sạc nhờ ở nhà một người quen. Vậy là, bữa cơm tối của gia đình anh được khẩn trương dọn ra sớm hơn và cũng vội vàng hơn ngày thường. Anh giục lũ trẻ ăn nhanh để còn đi ngủ trước khi đèn hết pin. Một ngày của gia đình anh Muối cũng như 43 hộ dân khác của Yên Thành thường khép lại trong một khung cảnh nghèo, đơn điệu như thế.

Suốt dọc đường đi, anh Mận nói với tôi nhiều về thôn Yên Thành trước đây và cả bây giờ. Những câu chuyện của quá khứ, của hiện tại và tương lai cứ nối dài lên nhau, da diết, đượm buồn. Được thành lập năm 2002, đến nay đã 16 năm trôi qua, thôn chỉ có duy nhất một sự thay đổi đó là số hộ và số nhân khẩu tăng lên. Còn lại, cuộc sống nơi đây từ bao năm nay vẫn như “điệu hát” buồn tẻ, lặp đi lặp lại. Ngoài 5,5 ha trồng lúa nước, bà con có nuôi thêm được 49 con trâu, 36 con bò, 50 con lợn và khoảng 1.000 con gia cầm. Thu nhập bình quân đầu người chưa đầy 9 triệu đồng/người/năm. Để duy trì cuộc sống, người dân trong thôn phải tỏa đi khắp nơi để làm thuê, làm công nhân thời vụ, cũng có người bỏ đi biệt xứ không trở về. Kinh tế nghèo nên đời sống của người dân nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn. Không có điện, tối đến nhà nào cũng tù mù trong ánh sáng của bếp củi và mấy chiếc đèn dầu. Không điện, nên khái niệm về vô tuyến truyền hình trở nên thật xa xỉ. Một vài nhà cũng mua rađio chạy pin để nghe tin tức, nhưng vì công suất nhỏ, không dùng được cho cả nhà. Người dân ở Yên Thành “đói tin tức”. Việc học hành của lũ trẻ khi ở nhà gần như bị bỏ quên vì thiếu ánh sáng.

Tiếp tục chặng hành trình tìm về với những thôn, bản không điện đã đưa chúng tôi lên với vùng Cao Sơn (3 thôn Son, Bá, Mười), xã Lũng Cao (Bá Thước) - nơi được mệnh danh là Sa Pa thứ 2 của Việt Nam. Trước năm 2015, Cao Sơn được xem như “biệt khu” của huyện Bá Thước, muốn vào bản chỉ có 2 con đường, một là xuyên theo lối mòn vắt ngược qua đỉnh Phà Hé, hai là phải ngược sang tỉnh Hòa Bình, vượt “cổng trời” Lũng Vân, tới xã Nam Sơn để bắt đầu đi bộ, trèo núi.

Con đường dẫn từ trung tâm xã lên Cao Sơn chỉ khoảng 10 km nhưng “đánh vật” với nó là cả một kỳ tích bởi độ dốc cao, lòng đường chỉ khoảng 30 cm, có đoạn chỉ đặt vừa một bước chân người. Ngày nay, từ trung tâm xã Lũng Cao, chúng tôi có thể đi một mạch bằng xe mô tô vượt dốc lên tận bản... Tuy nhiên, “điện” vẫn là vấn đề cốt lõi tạo “lực cản” khiến cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn.

“Cao Sơn đẹp lắm, nhưng vẫn còn nghèo lắm!”, câu nói đầy tâm trạng của anh Ngân Văn Hùng, Trưởng thôn Mười khi được tôi gợi mở về cuộc sống của người dân trong thôn. Anh nói, vì không có điện nên kinh tế - xã hội của thôn Mười bị bó buộc suốt thời gian qua. Bà con chỉ canh tác được những cây có giá trị kinh tế thấp như sắn, ngô và lúa. Chăn nuôi được lựa chọn là ngành mũi nhọn nhưng luôn ở trong tình trạng bấp bênh do thiếu kiến thức chăm sóc cũng như phòng, chống bệnh cho đàn vật nuôi.

Trong suốt cuộc hành trình tìm về với những bản, làng không điện trên mảnh đất Lang Chánh, Bá Thước, đến đâu, tôi cũng hỏi: “Liệu đến bao giờ thì những bản, làng này mới có điện để cuộc sống của người dân bớt khó, để mở ra cho họ một động lực mới, một con đường mới phát triển kinh tế, cải thiện đời sống?”. Trước khi rời Lang Chánh, tôi đã mang những băn khoăn, trăn trở ấy tới gõ cửa Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Lang Chánh. Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, ông Lê Thanh Nghị, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng đưa cho tôi một danh sách đầy đủ về các thôn, bản trên địa bàn huyện Lang Chánh chưa có điện lưới quốc gia. Tổng cộng còn 11 thôn bản, tập trung ở 6 xã: Yên Thắng, Đồng Lương, Tân Phú, Giao Thiện, Yên Khương và Lâm Phú. Ông chia sẻ: “Lang Chánh là huyện miền núi nghèo phía Tây của tỉnh, ngân sách còn hạn chế, chưa thể đáp ứng được các công trình có nguồn vốn lớn. Vì vậy, việc kéo điện về với các thôn, bản hoàn toàn phụ thuộc vào các dự án của ngành điện, cùng với nguồn vốn của tỉnh, của Trung ương”.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 76 thôn, bản thuộc các huyện miền núi chưa có điện lưới quốc gia. Trong đó, có 70 thôn, bản được quy hoạch trong dự án đầu tư cấp điện nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020. Các địa bàn còn lại vẫn chưa có dự án đầu tư lưới điện do suất đầu tư lưới điện lớn hơn 120 triệu đồng/hộ. Hiện nay, UBND tỉnh, ngành Công thương đang thực hiện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo để bà con sớm được sử dụng nguồn điện phục vụ sản xuất và cải thiện đời sống.

Tôi mừng thầm trong ý nghĩ, vì dù có phải tiếp tục chờ đợi thì ít ra, những bản làng không điện mà tôi đã đến vẫn có một cơ hội đổi mới, một niềm hy vọng về tương lai bản làng có điện ở phía trước.


Bài và ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]