Như thế nào là “lấy công làm lãi”?
Trong một chương trình vui chơi tìm hiểu tiếng Việt trên truyền hình, khi giải thích câu “lấy công làm lãi”, vị cố vấn thứ nhất giảng giải: “Người ta vẫn thường nói những người buôn bán ở chợ, thì người ta chỉ lấy công để làm lãi chứ không phải là buôn gian bán lận gì, đó là những người đi buôn bán chân chính”.
Vị cố vấn thứ hai bổ sung thêm: “Các bạn đi ra chợ ở miền Bắc, thì các bà bảo đây là bán lấy công làm lãi, giá này mua hữu nghị thôi, mua cho chị đi, mua cho bà đi, mua cho cô đi. Đấy là một cách nói khéo, bên cạnh cái ý là làm ăn thật thà chất phác thì người ta cũng muốn dùng cái ý đấy như một cái kiểu, để gọi là nói cường điệu nữa”.
Rất tiếc, cả hai đoạn giải thích trên đều chỉ là cách hiểu nôm na phần ngọn, mà phần ngọn này chưa chính xác.
Vậy “lấy công làm lãi” cần được hiểu thế nào cho đúng?
Trước tiên, “lấy công làm lãi” vốn nói về nghề lao động thủ công, và “công” ở đây là chỉ công sức bỏ ra để làm ra một sản phẩm nào đó.
Thông thường khi làm ra một sản phẩm thủ công từ mây tre đan như rổ, rá, giần, sàng; các sản phẩm từ chiếu cói... nếu bán được giá, thì ngoài tiền công sức lao động, người ta sẽ thu được cả tiền “lãi”.
Tiền công được tính tương đối, ứng với khoản tiền đủ để chi dùng, ăn uống duy trì sinh hoạt, tái tạo sức lao động trong khoảng thời gian làm ra sản phẩm ấy. Ví dụ, khi một người mua vật liệu mây tre mất 5 đồng, phải bỏ công sức 2 ngày để đan xong một cái rổ, đem bán được 15 đồng, trong đó, 5 đồng là vốn, 5 đồng là tiền công vừa đủ mua gạo, cá mắm, dầu đèn cho 2 ngày; khoản 5 đồng còn lại dôi ra được xem là tiền lãi, và có thể dành dụm hoặc đầu tư tái sản xuất. Tuy nhiên, trong trường hợp ế ẩm, người khôn của khó thì người ta chấp nhận “lấy công làm lãi”, tức chỉ bán với giá 10 đồng, đủ hoàn vốn và thu về 5 đồng tiền công, xem như là đã có “lãi” rồi.
Với nghề lao động chân tay, khả năng cạnh tranh kém, thì dù “lấy công làm lãi” người ta vẫn phải chấp nhận, bởi làm cũng ăn, mà không làm cũng phải ăn.
“Lấy công làm lãi” cũng có thể áp dụng cho lĩnh vực buôn bán, nhưng là buôn bán nhỏ, buôn bán vặt, mua đầu chợ bán cuối chợ, buôn vai gánh vã, chứ không phải là “những người buôn bán ở chợ” nói chung. Ví như một người đi buôn chiếu, anh ta đầu tư vốn 100 đồng, mua chục đôi chiếu, và gánh đi 20km, bán được 110 đồng, trừ vốn đi thì chỉ được thêm 10 đồng, đủ tiền công đã bỏ ra để gánh vã và chờ chực ở chợ trong một ngày, ngoài ra không có khoản gì thêm, gọi là “lấy công làm lãi”. Hoặc một người đón mua ở cổng chợ được gánh rau 5 đồng, anh ta đem vào chợ ngồi hết buổi, bán được 7 đồng, vừa đủ chi dùng trong ngày, thì cũng gọi là “lấy công làm lãi”.
Tuy nhiên, cũng là buôn bán ở chợ, nhưng ông chủ hiệu buôn bán vải vóc, hoặc bà hàng xén, nếu chào mời hoặc chấp nhận bán rẻ cho khách thật, thì người ta sẽ nói là bán “lấy vốn”, hoặc “bán lỗ đi cho anh/chị”, chứ không ai gọi là “lấy công làm lãi”. Điều này có lý do, là những người buôn bán lớn và mang tính bền vững, hoàn toàn khác với lao động thủ công lúc nông nhàn, hoặc buôn bán vặt, mang tính mùa vụ, hoặc tranh thủ. Những người “lấy công làm lãi” thì làm ra sản phẩm nào, bỏ ra công sức bao nhiêu, là có kết quả ngay sau đó, đo đếm được tiền công, tiền lãi ngay lập tức.
Từ nghĩa gốc trên đây, trong thực tế, “lấy công làm lãi” còn được dùng với nghĩa rộng, chỉ tình trạng khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nói chung, các sản phẩm thủ công nói riêng, hoặc buôn bán vặt... Và do chứa đựng nghĩa gốc mà chúng tôi đã phân tích trên đây, câu quán ngữ đang xét còn được người ta đem ra chào mời, làm yên lòng khách hàng, bởi cái giá “lấy công làm lãi” đã là thấp nhất rồi.
Như vậy, “lấy công làm lãi” không nói chuyện “buôn gian bán lận” hay “buôn bán chân chính”, “làm ăn thật thà chất phác”, cũng không “nói cường điệu”, mà ý nói không lời lãi là bao, chỉ bán ra với cái giá bằng tiền công sức tạo ra sản phẩm, cốt kiếm chút tiền công duy trì cuộc sống, đủ bù lại công sức lao động đã bỏ ra mà thôi.
Mẫn Nông (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-16 21:07:00
Du xuân trên đất kinh xưa
-
2025-01-16 20:16:00
Ngày 18/1, nhiều phần quà giá trị đón chờ du khách trong dịp kỷ niệm 5 năm khai trương cáp treo núi Bà Đen
-
2024-12-13 19:00:00
[E-Magazine] - Chỉ muốn thấy mình trong sâu thẳm của thời gian
Trao giải Cuộc thi “Viết và Thuyết minh giới thiệu di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh” huyện Vĩnh Lộc
Hoa hậu Quốc gia 2024: Top 60 thí sinh tranh luận đầy sắc sảo về nữ quyền
Giới thiệu, quảng bá về văn hóa dân tộc Thái huyện Lang Chánh
“Cơn sốt mùa Đông” trên quê hương ông già Tuyết
Khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh (Bài 1): Vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa
“Khung mềm” xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh, an toàn, lành mạnh
Khai mạc Triển lãm 3D trực tuyến “Côn Đảo - Bản hùng ca giữa trùng khơi”
Truyền thông điệp về một Việt Nam hạnh phúc, văn minh, hùng cường đến với cộng đồng quốc tế
[Podcast] - Tản văn: Cải vàng thay nắng mùa đông