(Baothanhhoa.vn) - Cầu Cẩm Vân sau khi hình thành không chỉ nối liền khoảng cách địa lý giữa hai vùng đất đôi bờ sông Mã, mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của các xã trong vùng phát triển.

Nhịp cầu nối những bờ vui

Cầu Cẩm Vân sau khi hình thành không chỉ nối liền khoảng cách địa lý giữa hai vùng đất đôi bờ sông Mã, mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của các xã trong vùng phát triển.

Nhịp cầu nối những bờ vui

Cầu Cẩm Vân đang dần hình thành, dự kiến thông xe kỹ thuật trong tháng 8/2025.

Những ngày tháng 7 này, nắng hạ rực rỡ trải dài trên các con đường miền núi xứ Thanh. Trên công trình thi công cầu Cẩm Vân, những người công nhân trong trang phục bảo hộ lao động vẫn đang nỗ lực thi công những nhịp cuối trước khi hợp long. Cầu Cẩm Vân bắc qua sông Mã dài 1,018km, nối liền đôi bờ xã Cẩm Vân và xã Cẩm Tân, điểm đầu giao với đường tỉnh 518B tại vị trí chợ Bãi, xã Cẩm Vân; điểm cuối giao với Quốc lộ 217, thuộc địa phận xã Cẩm Tân.

Bên bờ Cẩm Vân, ông Phạm Đăng Lý, thôn Tường Yên hầu như ngày nào cũng phải sang bên kia bờ Cẩm Tân. Bên ấy, nhà ông có mấy sào đất bãi trồng ngô, trồng lạc. Ngày nào đi qua đây, ông và một số bậc cao niên trong thôn cũng nán lại đôi chút, vừa ngồi dưới gốc cây nghỉ ngơi, trò chuyện, vừa hướng mắt về phía những trụ bê tông sừng sững trên dòng sông Mã để được tận mặt chứng kiến từng nhịp cầu dần hình thành. “Cây cầu là niềm mong mỏi, mơ ước của người dân nơi đây từ bao đời nay nên khi nhìn thấy cầu sắp liền nhịp mà lòng vui khó tả. Có cầu, việc đi lại của bà con sẽ thuận tiện hơn, không còn cảnh cầu phao tròng trành hay thấp thỏm lụy đò mỗi mùa nước lũ”, ông Lý phấn khởi.

Cẩm Vân là xã còn nhiều khó khăn, giao thông chưa có nhiều thuận lợi. Do đặc thù địa bàn, nhiều hộ dân trong xã có đất nông nghiệp nằm ở phía bên kia sông Mã nên ngày ngày phải qua sông để canh tác. Hàng trăm học sinh THPT cũng phải sang sông để đến trường. Ngay cả công nhân đi làm tại các nhà máy may khu vực huyện Vĩnh Lộc (cũ) cũng phải qua sông hằng ngày. Từ nhiều năm nay, người dân nơi đây đã quen với cây cầu phao tròng trành bắc qua sông Mã - con đường ngắn nhất phục vụ bà con đi lại. Song mỗi năm, người dân chỉ có thể sử dụng cầu phao được khoảng 7 tháng, còn 5 tháng nước sông Mã dâng cao, cầu phao cắt nhịp là phải đi đò qua sông. Vì vậy, đối với người dân nơi đây, niềm mong mỏi lớn nhất của họ chính là có một cây cầu kiên cố để đi lại thuận lợi hơn. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Cẩm Vân, các bước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao từ phía người dân. Riêng ở xã Cẩm Vân đã có hơn 120 hộ có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Khi nghe tin giải phóng mặt bằng để làm cầu, bà con hồ hởi, giải phóng hoa màu, sẵn sàng bàn giao đất cho dự án.

Bí thư chi bộ thôn Tiên Lăng, Đàm Văn Huệ chia sẻ: “Khi Nhà nước quan tâm đầu tư làm cầu, bản thân tôi và bà con trong thôn rất phấn khởi, đồng thuận, công tác giải phóng mặt bằng cũng thuận lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều. Bà con hy vọng tới đây, cầu Cẩm Vân khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ “nối nhịp bờ vui”; đời sống, việc đi lại, giao thương giữa đôi bờ thuận tiện hơn rất nhiều. Con trẻ đến trường không còn lo lắng, còn người lớn đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng hơn, đời sống khấm khá hơn”.

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng cầu Cẩm Vân được UBND tỉnh phê duyệt tháng 9/2023, với tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa được giao làm chủ đầu tư. Quy mô xây dựng cầu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực theo tiêu chuẩn TCVN 11823-2017, chiều rộng toàn cầu là 12m, chiều dài cầu đến đuôi mố là 612,43m, gồm 19 nhịp (15 nhịp dài 33m và 4 nhịp dài 24m). Về phần đường, đầu tư xây dựng mới đảm bảo quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, dự án khởi công ngày 22/1/2024, đến nay sau hơn 18 tháng, đơn vị đã thi công hoàn thành 18/18 trụ cầu, các mố cầu; hoàn thành đúc dầm, lao lắp dầm được 17/19 nhịp; hoàn thành mặt cầu được 15/19 nhịp dầm, phần đường đã thi công cơ bản hoàn thành nền đường, cống thoát nước ngang, rãnh thoát nước dọc... Giá trị thực hiện đã đạt trên 80%, vượt 9% so với hợp đồng. Đơn vị thi công đang tập trung triển khai đồng thời các mũi để thi công các hạng mục còn lại, gồm: lao lắp dầm, mặt cầu, kè gia cố mái sông, rãnh thoát nước, móng, mặt đường... Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa đang tập trung đôn đốc đơn vị thi công khắc phục khó khăn, tập trung tài chính, nhân lực, vật tư, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án, bảo đảm thông xe kỹ thuật trong tháng 8/2025.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]