Nhiều vi phạm đấu nối trái phép với các tuyến quốc lộ
Thời gian gần đây diễn ra tình trạng các tổ chức, cá nhân tự ý mở đường đấu nối trái phép ở một số tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, nhưng vẫn chưa được các cơ quan có liên quan xử lý triệt để.
Đơn vị thi công đường ngang đấu nối trái phép vào Quốc lộ 47C thuộc địa phận xã Vân Sơn (Triệu Sơn).
Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, trên tuyến Quốc lộ 47C đoạn qua các huyện Triệu Sơn và Thọ Xuân có nhiều vị trí bị các đơn vị thi công ngang nhiên mở đường ngang đấu nối với quốc lộ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Đồng thời, phát sinh các đoạn tuyến tiềm ẩn, điểm đen tai nạn giao thông, phương tiện tham gia giao thông với tốc độ hạn chế làm giảm khả năng khai thác của tuyến đường. Tại lý trình Km14+550 (phải tuyến) Quốc lộ 47C thuộc địa phận xã Vân Sơn (Triệu Sơn) đơn vị thi công tiến hành thi công đường ngang đấu nối trái phép vào quốc lộ. Theo đại diện Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ I Thanh Hóa, ngày 8/12/2023 công ty phát hiện sự việc và lập biên bản, yêu cầu dừng hành vi vi phạm, báo cáo với địa phương và ngành chức năng lập biên bản xử phạt. Tuy nhiên, đến nay sự việc chưa được các ngành liên quan và huyện Triệu Sơn phối hợp giải quyết.
Tại Km28+030 trái tuyến Quốc lộ 47C thuộc địa phận xã Thọ Lộc (Thọ Xuân), đơn vị thi công tiến hành thi công đường ngang từ khu dân cư mới của địa phương đấu nối vào quốc lộ mà chưa có cấp phép thi công. Cũng tại Km30+050 phải tuyến Quốc lộ 47C thuộc địa phận xã Nam Giang (Thọ Xuân) đơn vị thi công san lấp, làm đường ngang từ khu dân cư của xã đấu nối vào quốc lộ mà chưa có cấp phép thi công. Qua tìm hiểu được biết các công trình, dự án đấu nối trái phép với tuyến Quốc lộ 47C đều do UBND huyện Thọ Xuân làm chủ đầu tư. Ngay sau khi phát hiện vi phạm, các đơn vị quản lý đường bộ đã có công văn yêu cầu địa phương chấm dứt hoạt động đấu nối trái phép, song đến nay vi phạm vẫn chưa được ngăn chặn.
Qua tìm hiểu trên tuyến Quốc lộ 217, tại Km81+800 phía phải tuyến thuộc địa phận xã Điền Trung (Bá Thước), Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Trọng Phát tự ý thi công san lấp, xây dựng cửa hàng xăng dầu Điền Trung trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ và đấu nối trái phép vào quốc lộ. Mặc dù bị phát hiện và đơn vị quản lý đường bộ đã phối hợp với UBND xã Điền Trung lập biên bản vi phạm ngày 17/2/2023, yêu cầu Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Trọng Phát dừng thi công và hoàn trả lại như nguyên trạng ban đầu, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Trên tuyến Quốc lộ 47B, tại Km13+274 phía trái tuyến thuộc địa phận thị trấn Thọ Xuân, Công ty DVTM Cường Thịnh Phát làm đường ngang đấu nối trái phép vào quốc lộ và đã bị lập biên bản vi phạm nhưng đến nay vẫn chưa được địa phương xử lý. Ngoài ra, trên các tuyến Quốc lộ 47B, 47C, 217, 10... vẫn còn nhiều trường hợp tự ý mở đường ngang đấu nối trái phép chưa được xử lý triệt để, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 tuyến quốc lộ với chiều dài 1.299,8 km. Mặc dù, ngành giao thông - vận tải cùng với các địa phương có quốc lộ đi qua đã tích cực thực hiện công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng khai thác của công trình đường bộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, hiện vẫn xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân tự ý mở đường đấu nối với các tuyến quốc lộ khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Theo ông Bùi Văn Viên, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ I Thanh Hóa, trong năm 2023 trên các quốc lộ mà đơn vị được giao quản lý xảy ra 11 vị trí đấu nối trái phép với các tuyến quốc lộ. Sau khi phát hiện vi phạm, đơn vị đã phối hợp với thanh tra giao thông và chính quyền các địa phương liên quan lập biên bản, yêu cầu dừng mọi hoạt động đào đắp, san lấp, thi công, hoàn trả lại nguyên trạng tuyến đường. Tuy nhiên, đến hết năm 2023 các địa phương chỉ xử lý được 6 vụ việc vi phạm. Hiện còn tồn tại 5 vụ việc, đơn vị đã gửi văn bản yêu cầu các địa phương xử lý theo quy định. Nhưng nhiều vụ việc vi phạm vẫn tồn tại, chưa được xử lý triệt để, thậm chí tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Cũng theo Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ I Thanh Hóa Bùi Văn Viên, việc đấu nối vào quốc lộ phải phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không đấu nối vào đường cao tốc, đường dẫn thuộc phạm vi nút giao của đường cao tốc, đường cao tốc đã được xây dựng phân kỳ đầu tư; không đấu nối vào tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã được quy hoạch là đường cao tốc trừ trường hợp đặc biệt...
Mặc dù UBND tỉnh đã có Quyết định số 1/2021/QĐ-UBND ngày 28/1/2021 quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhưng một số địa phương chưa thực hiện tốt chức năng, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn để xảy ra nhiều vụ việc mở đường đấu nối trái phép với các tuyến quốc lộ, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trước thực trạng trên, các ngành chức năng có liên quan của tỉnh, địa phương, đơn vị quản lý đường bộ cần có biện pháp kiên quyết xử lý các hành vi mở đường đấu nối trái phép với các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Hải Đăng
{name} - {time}
-
2024-12-15 20:23:00
Xây dựng huyện nông thôn mới gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng kinh tế nông nghiệp
-
2024-12-15 16:15:00
Hoằng Phượng đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
-
2024-01-18 10:19:00
Sẵn sàng các phương án bảo đảm cung ứng điện dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
EVN kiến nghị các địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ tận dụng lấy nước tối đa từ các hồ thủy điện để phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2024
Đầu tư nguồn vốn góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn
Nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị trong các HTX
Khởi nghiệp “xanh” vì tương lai nông sản Việt
Nước rút thu hút vốn FDI
Phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp
Ngành nông nghiệp thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Trồng phật thủ cho hiệu quả kinh tế cao
Thành công từ niềm đam mê nông nghiệp công nghệ cao