Nêu gương sáng làm theo lời Bác
Với ý chí người lính không ngại khó, ngại khổ, cựu chiến binh (CCB) Lữ Đình Khang ở xã Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn) đã gặt hái được nhiều kết quả đáng phấn khởi, trở thành tấm gương điển hình trong phong trào nêu gương sáng làm theo lời Bác.
Cựu chiến binh Lữ Đình Khang (người bên phải) giới thiệu mô hình nuôi ốc nhồi giống.
Dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn và hoạt bát, nhất là khuôn mặt ngày nắng đầm đìa mô hôi vì lao động. Đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp CCB Lữ Đình Khang. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi về những năm tháng gây dựng cơ nghiệp vất vả của đời mình, ông Khang kể: “Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng quê Hải Nhân, cuộc sống gắn bó với đồng ruộng, dù không đói nghèo nhưng chẳng có dư giả. Sau nhiều năm lăn lộn kiếm sống, tôi nhận thấy những người thành công trong phát triển kinh tế nông nghiệp đều phải nắm vững kỹ thuật, có kinh nghiệm thực tế và tìm được đầu ra cho sản phẩm. Năm 1992, qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thấy cá giống là mặt hàng dễ nuôi và dễ tiêu thụ nên quyết định khởi nghiệp với mô hình này”.
CCB Lữ Đình Khang là người đầu tiên của xã Hải Nhân đầu tư vốn để thực hiện mô hình nuôi cá giống nước ngọt. Để không bị thất bại, ông Khang học hỏi kỹ thuật nuôi cá, đào đắp ao nuôi, mua máy bơm, máy sục khí, lưới... Cùng với việc bảo đảm nguồn nước, ông chọn mua cá bột từ các trại cá giống bảo đảm chất lượng, ít dịch bệnh. Sau vài ngày cho cá ăn tinh bột, ông điều chỉnh thức ăn theo từng loại cá cho phù hợp. Chỉ sau 1 đến 2 tháng nuôi là ông có thể xuất bán được.
“Cá giống dễ nuôi, nhanh lớn, ít rủi ro, thức ăn đơn giản, nhu cầu thị trường cao, lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, cộng với kinh nghiệm ngày càng nhiều nên tôi duy trì được 8 năm. Từ cá giống, tôi còn nuôi thêm cá thịt để tăng thu nhập cho gia đình”, CCB Lữ Đình Khang chia sẻ.
Giữ vững nhiệt huyết của người lính trở về địa phương, CCB Lữ Đình Khang luôn ra sức học hỏi để vươn lên làm giàu. Sau 8 năm nuôi cá giống, cá thịt, thị trường tiêu thụ chậm lại, thu nhập không còn được như trước, ông lại tìm hướng đi mới cho mình. Vẫn bám vào cái gốc rễ nông nghiệp cha ông để lại, năm 2000 ông chuyển sang nuôi vịt, ngan thả đồng. Hằng ngày, trên những cánh đồng, những bờ sông, ông Khang luôn tất bật với đàn vịt, đàn ngan. Chăn nuôi vịt, ngan thả đồng vất vả hơn so với phương pháp nuôi nhốt truyền thống, bởi bất kể ngày mưa hay nắng ông đều phải theo sát đàn vật nuôi để tránh bị thất lạc. Theo ông, dù vậy, nhưng lại tận dụng được nguồn thức ăn phong phú ngoài tự nhiên, nhất là sau các vụ gặt lúa. Vì thế, ngoài tiết kiệm được một phần chi phí mua thức ăn, vịt, ngan thả đồng thịt thơm ngon hơn, được thị trường ưa chuộng nên bán giá cao hơn.
Bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi trong phát triển kinh tế của CCB Lữ Đình Khang khi ông mạnh dạn đầu tư chuồng trại để chăn nuôi lợn với số lượng lớn. Nhằm tiết kiệm chi phí và công sức lao động, từ vài con lợn nái ban đầu, dần dần ông tăng lên 30 con để nhân giống nuôi lợn thương phẩm. Cách làm của ông đã mang lại hiệu quả rất cao. Năm 2021, 2022 là thời điểm ông nuôi lợn thương phẩm nhiều nhất với số lượng từ 400 - 500 con mà không phải mất tiền mua con giống. Để việc chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp, gia đình ông xây dựng chuồng trại kiên cố, chia thành các khu vực nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt. Việc phân khu vừa bảo đảm cho đàn lợn được phát triển đồng đều, lại vừa thuận tiện trong việc cho ăn, dọn vệ sinh. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình ông luôn chú trọng phòng, chống dịch bệnh, nhất là khâu khử trùng, vệ sinh chuồng trại, giữ nhiệt độ thích hợp nên đàn lợn luôn sinh trưởng, phát triển tốt.
Là người tiên phong trong phát triển kinh tế nên khi giá lợn không ổn định, ông Khang cắt giảm đàn lợn để tránh thua lỗ và chuyển sang mô hình kinh tế tổng hợp. Từ năm 2023 đến nay, gia đình ông duy trì 8 con lợn nái, 50 con lợn thịt, 20 con trâu bò, 200 cặp chim bồ câu, 400 con gà, vịt đẻ trứng cùng nhiều khu nuôi ốc nhồi giống, ốc nhồi thương phẩm... Ở tuổi xế chiều, dù có kinh tế dư giả nhưng CCB Lữ Đình Khang vẫn không nghỉ ngơi. Đều đặn mỗi ngày, hai vợ chồng ông cần mẫn với công việc. Từ công sức và đôi bàn tay lao động chăm chỉ, mô hình kinh tế tổng hợp của CCB Lữ Đình Khang đã cho quả ngọt với lợi nhuận hơn 600 triệu đồng mỗi năm.
Chủ tịch Hội CCB xã Hải Nhân Lê Trọng Giáo cho biết: “CCB Lữ Đình Khang là hội viên năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông đã vượt qua khó khăn, không chỉ xây dựng đời sống khá giả mà còn là tấm gương sáng cho nhiều hội viên trong xã học tập, noi theo, góp phần đưa phong trào CCB gương mẫu ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả”.
Bài và ảnh: Tố Phương
{name} - {time}
-
2025-01-12 15:34:00
Tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới
-
2025-01-11 13:57:00
Ngành hậu cần bộ đội biên phòng làm theo lời Bác dạy
-
2024-06-18 15:08:00
Lan tỏa việc học tập và làm theo Bác ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cẩm Thủy
Thọ Xuân đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW
Tạo sức lan tỏa trong học và làm theo Bác ở Đảng bộ huyện Thường Xuân
Những con đường “ý Đảng, lòng dân” ở Vĩnh Hòa
Sức lan tỏa từ phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” ở Quảng Xương
Nhân rộng các điển hình tiên tiến
Những tấm gương người có uy tín học và làm theo Bác
Học và làm theo Bác, Đông Yên nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
Đồn Biên phòng Pù Nhi tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm
Lan tỏa việc học và làm theo Bác ở thị xã Nghi Sơn