Muốn dân vận tốt phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” (Bài cuối): Dân vận - “chìa khóa” trong giải quyết các vấn đề bức xúc, kéo dài
Thực tế tại một số địa phương hiện nay cho thấy, vẫn còn nhiều sự việc phức tạp chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến tình trạng khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Điều này đòi hỏi công tác dân vận cơ sở phải tích cực vào cuộc, giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc trong dân; làm cho Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Cán bộ dân vận xã Dân Quyền (Triệu Sơn) vận động Nhân dân hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn. Ảnh: P.V
Tập trung giải quyết có hiệu quả những bức xúc chính đáng
Thị xã Nghi Sơn có nhiều dự án đầu tư, đồng nghĩa với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) có khối lượng lớn và liên tục trong nhiều năm. 5 năm gần đây, thị xã phải GPMB hàng nghìn ha đất cho nhiều dự án quan trọng, như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam; Dự án Tổ hợp hóa chất Đức Giang; Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia; Dự án Khu Du lịch sinh thái Tân Dân; Dự án đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1... Với các chính sách đồng bộ, quyết liệt, trong đó có công tác dân vận, nên phần lớn người dân sẵn sàng bàn giao mặt bằng. Tuy vậy, thực tế còn có những ách tắc, tồn đọng, khiến người dân vùng ảnh hưởng nhiều lần kiến nghị chính quyền và các đơn vị liên quan.
Đồng chí Nguyễn Văn Long, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Nghi Sơn, cho biết: “Để làm tốt công tác GPMB thực hiện các dự án, công tác dân vận rất quan trọng. Bởi công tác GPMB là việc làm khó, phức tạp, chiếm nhiều thời gian, công sức vì ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích, quyền lợi người dân. Do đó các chủ trương, kế hoạch, phương án cần phải được công khai, minh bạch, triển khai đầy đủ, sâu rộng tới người dân, được bàn bạc, lấy ý kiến từ người dân. Đồng thời, giải quyết, trả lời đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, thắc mắc của người dân đúng chủ trương, chính sách để người dân hiểu và đồng thuận thực hiện. Tuy nhiên, do mỗi dự án có rất nhiều chính sách áp dụng, từ giá đất, giá cây, giá nhà với vật tư, thiết bị và khấu hao... cho nên, dù đã có “công thức” chặt chẽ, nhưng khó đảm bảo phù hợp 100% hộ dân bị ảnh hưởng và chỉ cần “vướng” một chút là người dân chưa đồng thuận. Vì vậy, trong thực hiện công tác dân vận, thị xã Nghi Sơn luôn kịp thời cập nhật các khó khăn, vướng mắc để báo cáo cấp trên cùng tháo gỡ”.
Thực tế cho thấy, quá trình dân vận, đối thoại giữa các cấp, doanh nghiệp với người dân thường có những điều khoản, nội dung, lời hứa cụ thể để đưa ra phương án thực hiện. Nếu các nội dung đối thoại, lời hứa thực hiện không có căn cứ thực tế và không nằm trong khuôn khổ chính sách, pháp luật thì không thể thực hiện được, dẫn đến “tắc” trong công tác GPMB.
TP Thanh Hóa đang triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án lớn, trọng điểm của tỉnh và thành phố. Quá trình này đã phát sinh các vấn đề nổi cộm ở cơ sở. Điển hình như tại Dự án khu đô thị ven Sông Hạc, phường Đông Thọ và phường Nam Ngạn. Dự án có mục tiêu cải tạo môi trường cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông Hạc; xây dựng lại và xây dựng mới một khu đô thị hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt, xóa bỏ khu dân cư ven sông có điều kiện sống thấp và không đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị. Tổ chức thực hiện xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở và các công trình dịch vụ khác theo quy hoạch phục vụ nhu cầu thiết yếu của khu đô thị mới. Thời gian thực hiện dự án là 4 năm, kể từ khi nhận bàn giao mặt bằng; chậm nhất trong năm 2010 phải hoàn thành công tác giao đất, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Nhưng đến nay, sau gần 2 thập kỷ dự án vẫn chưa thực hiện xong việc GPMB, do vậy nhiều năm qua, hơn 220 hộ dân nơi đây rơi vào tình cảnh “mắc kẹt”, phải sống trong những ngôi nhà xuống cấp, mất an toàn, đi không được, ở cũng không xong. Sau nhiều kiến nghị của người dân, TP Thanh Hóa đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân, thực kiểm kê và lên phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án. Tuy nhiên, người dân không đồng tình với phương án GPMB này vì áp giá đền bù quá thấp theo đơn giá năm 2012.
Bồi thường GPMB liên quan đến quyền lợi, sinh kế của người dân. Theo nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi phải bảo đảm cho người bị thu hồi đất có chỗ ở và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của đông đảo Nhân dân, nhất là những hộ có đất bị thu hồi. Song, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của một số hộ có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng, dẫn đến tình trạng người dân chưa đồng thuận, phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
Cán bộ xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn) hỗ trợ người dân di dời tài sản, bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.
Thực tế, việc đối thoại để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề nổi cộm ở cơ sở, nhất là những vấn đề bức xúc trong Nhân dân đã được nhiều địa phương áp dụng thành công. Ở huyện Nông Cống, công tác dân vận được quán triệt thực hiện ở tất cả các cấp, ngành, gắn với nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, kịp thời giải quyết những băn khoăn, khó khăn, vướng mắc. Đồng chí Lê Xuân Hùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nông Cống, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phải biết dựa vào dân, gắn bó với dân; làm cho dân thấy rõ mình vừa là đối tượng của dân vận, vừa là chủ thể quyền lực. Lợi ích của Nhân dân là một yêu cầu quan trọng, cần thiết được quan tâm và bảo đảm một cách hài hòa. Từ đó mới khơi dậy được sức mạnh của toàn dân. Trong quá trình tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải “nói” cho người dân thấy được những lợi ích, phù hợp với sức dân và đúng chính sách, pháp luật để người dân đồng thuận, hưởng ứng cao. Nếu cấp ủy, chính quyền đặt mục tiêu cao quá sức dân, công tác dân vận sẽ khó thành công”.
Củng cố niềm tin của Nhân dân
Công tác vận động không chỉ tập trung vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mà cần nắm bắt nguyện vọng, tâm tư của người dân. Từ đó, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức kịp thời các diễn đàn đối thoại, trả lời, giải đáp thắc mắc nhằm giải tỏa tư tưởng bức xúc để người dân hiểu và tự giác thực hiện. Điều này được thể hiện qua kết quả của công tác vận động Nhân dân thực hiện một số nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, như công tác GPMB, di dời tái định cư để triển khai các công trình, dự án trọng điểm; XDNTM, đô thị văn minh; NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; trong triển khai các hoạt động an sinh xã hội... Công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị được triển khai linh hoạt, đồng bộ, góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc đặt ra đối với tỉnh; qua đó, tiếp tục củng cố lòng tin của Nhân dân và xây dựng được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.
Cụ thể, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong GPMB thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là GPMB thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm như tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, Khu Kinh tế Nghi Sơn, tuyến đường ven biển, các khu, cụm công nghiệp... Với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, các vấn đề khó khăn trong GPMB đều được giải quyết chủ yếu thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân đồng thuận với các chủ trương, chương trình, dự án của Nhà nước. Một số địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo trong công tác “Dân vận khéo” như các huyện Nông Cống, Đông Sơn, Nga Sơn, Quảng Xương, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Lang Chánh, thị xã Nghi Sơn... GPMB hơn 450 dự án có quy mô lớn, vừa và nhỏ. Hay các huyện Hà Trung, Như Xuân, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa... đã GPMB hàng trăm dự án phát triển kinh tế - xã hội được Nhân dân đồng thuận bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra.
Công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do đó các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai, tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” có vai trò quan trọng đến hiệu quả của phong trào thi đua yêu nước. Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, khẳng định: “Nơi nào cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thì nơi đó phong trào hoạt động hiệu quả, có tính đồng bộ, có nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Ngược lại, nơi nào thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, đôn đốc nơi đó phong trào đạt hiệu quả thấp, dễ dẫn đến tồn đọng những vấn đề bức xúc, kéo dài trong Nhân dân. Vì vậy, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải được triển khai trong cả hệ thống chính trị một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời tùy từng lĩnh vực, từng điều kiện của địa phương để lựa chọn các nội dung, việc làm, mô hình, điển hình cụ thể, phù hợp, thiết thực để thực hiện; gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Bên cạnh đó, cần lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân, tiếp thu ý kiến từ cơ sở, các cấp, ngành, đặc biệt là sáng kiến trong công tác “Dân vận khéo” để người dân thấy được quyền lợi gắn với trách nhiệm đoàn kết thực hiện các chính sách, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; tăng cường sự phối hợp, triển khai lồng ghép các mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ khác để tập trung giải quyết việc mới, việc khó đặt ra trong thực tiễn”.
Nhóm P.V
{name} - {time}
-
2025-01-15 10:07:00
Tăng cường công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo
-
2025-01-15 09:15:00
Nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy: Tỷ lệ hưởng lương hưu được tính thế nào?
-
2024-06-27 22:18:00
Muốn dân vận tốt phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” (Bài 2): Nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo
Nhịp cầu hữu nghị
Đảng bộ huyện Đông Sơn đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Thiệu Hóa nâng cao chất lượng bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới
Muốn dân vận tốt phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” (Bài 1): Việc gì khó - có dân vận
Xã Thọ Vực: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu từ “Ý Đảng, lòng dân”
Xử lý nghiêm các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm
Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ: Trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng
Giữ sạch "vùng xanh” nơi biên viễn (Kỳ 3): Số phận của những “đại ca”, “ông trùm”
Sức hút từ cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực