Mục tiêu chiến lược của NATO ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
NATO nỗ lực mở rộng sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua mạng lưới quan hệ đồng minh, đối tác ở khu vực. Tại hội nghị thượng đỉnh mới đây tại Washington (9-11/7), NATO đặc biệt chú ý đến nhóm IP4, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Vậy mục tiêu chiến lược của NATO là gì?
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (bên trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trao đổi văn kiện ký kết ngày 11/7/2024 bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington (Mỹ). Ảnh cắt từ clip của Reuters
Thỏa thuận hợp tác giữa NATO và các nước IP4
Ngày 11/7, hãng tin Kyodo đưa tin, NATO và 4 nước nhóm IP4 (các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) đã đồng ý khởi động “các dự án hàng đầu”, trong nỗ lực mở rộng thực tiễn hợp tác trước các thách thức an ninh liên quan đến nhau.
Các sáng kiến gồm an ninh mạng và chống thông tin sai lệch, cung cấp hỗ trợ y tế cho Ukraine và hợp tác về công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI). Nhà Trắng cho biết, lãnh đạo các nước thành viên NATO và những người đồng cấp từ 4 nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã thảo luận về “sự kết nối ngày càng tăng giữa an ninh giữa châu Âu-Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đồng thời bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về sự hợp tác kinh tế và quân sự ngày càng sâu rộng của Triều Tiên với Nga. Các bên cũng thảo luận về những quan ngại chung về sự hỗ trợ của Trung Quốc cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.
Trong khi đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc và NATO cũng đã ký một thoả thuận về quy trình công nhận lẫn nhau đối với chứng nhận đủ điều kiện bay quân sự. Đây là thoả thuận chính thức đầu tiên của NATO với một quốc gia châu Á. Theo thoả thuận, NATO sẽ công nhận chứng nhận đủ điều kiện bay của Chính phủ Hàn Quốc đối với các máy bay do nước này sản xuất.
Trong khi Hàn Quốc đã ký các thỏa thuận tương tự một cách riêng lẻ với Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp và Ba Lan, thì thỏa thuận mới với NATO dự kiến sẽ rút ngắn thời gian cần thiết để công nhận lẫn nhau với các thành viên khác của liên minh quân sự này. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bày tỏ hy vọng rằng quá trình công nhận lẫn nhau này sẽ giúp tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa Hàn Quốc và các thành viên NATO. Năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc đã ký thỏa thuận xuất khẩu 48 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 sang Ba Lan và đã hoàn tất chuyển giao 12 máy bay.
Mục tiêu chiến lược của NATO
Tờ Izvestia của Nga dẫn nhận định của Ken Jimbo, cựu cố vấn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản và là Chủ tịch Sáng kiến châu Á-Thái Bình Dương cho biết, “NATO thực sự cam kết tham gia nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sự tương tác này không nhằm mục đích mở rộng hoạt động quân sự của NATO trong khu vực. Bản chất của quan hệ đối tác NATO-IP4 là lợi ích an ninh chung của các nước tham gia, đặc biệt là các nước phương Tây có rất nhiều lợi ích chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Trước hết, không thể phủ nhận khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thế kỷ XXI. Khu vực này nằm ven bờ Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương cùng các vùng biển nối liền hai đại dương này, bao gồm các quốc gia ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á cùng nhiều quốc gia thuộc Trung Đông và châu Phi. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với dân số chiếm gần một nửa dân số thế giới, có nhiều nguồn tài nguyên phong phú và nhiều tuyến đường biển yết hầu quan trọng của kinh tế, thương mại toàn cầu.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, kiểm soát Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về cơ bản sẽ kiểm soát được thế giới bởi phần lớn các giao dịch thương mại thế giới đều tập trung tại khu vực này. Ba trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản hiện diện ở khu vực, chiếm 60% GDP toàn cầu. Có tới 60% thương mại hàng hải toàn cầu diễn ra qua các vùng biển trong khu vực này. Hơn nữa, các nền kinh tế mới nổi phát triển nhanh nhất, như Ấn Độ, các quốc gia khu vực Đông Nam Á, cũng đến từ khu vực này.
Phó Giáo sư Vladimir Nelidov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng, được xem là “trung tâm đưa ra các quyết định” của NATO, Mỹ muốn liên kết hơn nữa an ninh của châu Âu với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, xây dựng một mạng lưới quan hệ đồng minh, đối tác rộng lớn. Mục tiêu chiến lược là nhằm duy trì vai trò dẫn dắt, “đầu tàu” của Mỹ và liên kết thành một tập thể có sức mạnh vượt trội, ngăn chặn hiệu quả các lực lượng, quốc gia thách thức đến lợi ích của phương Tây.
Thực tế, thời gian qua, Mỹ chủ trương xây dựng và mở rộng các liên kết nhóm nhỏ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hợp tác trong khuôn khổ Nhóm Bộ Tứ kim cương (QUAD) ngày càng chặt chẽ thông qua các hoạt động, như tập trận chung, hợp tác an ninh giữa các thành viên, bảo đảm tự do hàng hải hay bàn thảo về cơ chế hợp tác ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, hợp tác sản xuất, phân phối vắc xin, cứu trợ thảm hoạ, chống khủng bố,...
Tiếp đó, cơ chế hợp tác AUKUS là một cơ chế hợp tác nhóm bao gồm ba quốc gia thành viên Australia, Mỹ và Anh, liên quan đến các vấn đề an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cơ chế hợp tác này được thúc đẩy bởi chính quyền Mỹ với hai đồng minh lâu năm của mình là Australia và Anh, đây được coi là một liên minh phòng thủ chiến lược được thỏa thuận giữa các thành viên trong nhóm với mục đích tăng cường hợp tác về an ninh quốc phòng tại khu vực này. Ngày 9/4/2024, đại diện của Bộ Quốc phòng 3 nước Mỹ, Australia và Anh đã đưa ra tuyên bố về khả năng New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản trở thành thành viên mới của AUKUS.
Cũng theo Phó Giáo sư Vladimir Nelidov, một trong những động lực quan trọng thúc đẩy chiến lược của Mỹ và NATO ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là Trung Quốc, quốc gia mà Mỹ-NATO xác định là đối thủ cạnh tranh hàng đầu tại khu vực. Thông qua hợp tác với các đồng minh, đối tác trong khu vực, Mỹ-NATO muốn xây dựng một liên kết chặt chẽ, có đủ sức mạnh, tiềm lực nhằm “kiềm chế ảnh hưởng” của Trung Quốc.
Thực tế, một phần quan trọng của tuyên bố chung được thông qua sau hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington được dành cho Trung Quốc, quốc gia mà như đã nêu, “tiếp tục thách thức lợi ích, an ninh và các giá trị” của NATO. Đặc biệt, các nước NATO đã lên tiếng về mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc trên không gian mạng và vũ trụ, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh xây dựng kho vũ khí hạt nhân. Tuyên bố lưu ý rằng NATO vẫn sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng nhưng đang tăng cường “khả năng phục hồi và sẵn sàng” trước các mối đe dọa do Trung Quốc đặt ra.
Theo tờ Izvestia, thời gian gần đây, Mỹ và các nước phương Tây đã thực hiện các biện pháp kiềm chế Trung Quốc toàn diện, bao trùm lên nhiều lĩnh vực. Không chỉ trên mặt trận quân sự, chiến lược, các nước phương Tây không ngừng cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Từ ngày 4/7, quyết định của Liên minh châu Âu (EU) về việc tăng thuế lên tới 38% đối với các hãng xe điện của Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Châu Âu lập luận rằng, hàng tỷ USD đã được Trung Quốc chi ra để thúc đẩy sản xuất công nghiệp đã gây ra tình trạng dư thừa công suất, dẫn đến làn sóng hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường toàn cầu. Trước EU, Washington đã “mạnh tay” hơn khi Tổng thống Joe Biden tăng gấp 4 lần thuế nhập khẩu đối với xe điện của Trung Quốc, lên mức 100%.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:07:00
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
-
2024-11-21 09:14:00
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
-
2024-07-12 21:21:00
NATO ra bản tuyên bố chung 38 điểm - Giới hạn của tham vọng
Nga-Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược bền chặt và mở rộng
Bầu cử sớm không chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị tại Pháp
Tổng thống Macron phải làm gì để “chung sống” với cánh tả?
Mục đích chuyến thăm Đức của Ngoại trưởng Anh chỉ một ngày sau khi nhậm chức
Iran hướng tới quá trình chuyển đổi chính trị dưới thời tân Tổng thống Pezeshkian
Các nước châu Âu chỉ trích gay gắt chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hungary
Định hướng chính sách đối nội, đối ngoại của Nội các mới ở Anh
Israel bên bờ vực chiến tranh toàn diện với Hezbollah
Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024: Cơ hội để Nga thúc đẩy không gian Đại Á - Âu