(Baothanhhoa.vn) - Năm 2023 khép lại đánh dấu sự thành công của ngành giáo dục xứ Thanh trong thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đặc biệt, với nhiều kết quả đáng tự hào đạt được đã góp phần khẳng định truyền thống “đất Thanh đất học”.

Một năm nhiều “trái ngọt”

Năm 2023 khép lại đánh dấu sự thành công của ngành giáo dục xứ Thanh trong thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đặc biệt, với nhiều kết quả đáng tự hào đạt được đã góp phần khẳng định truyền thống “đất Thanh đất học”.

Một năm nhiều “trái ngọt”Lãnh đạo tỉnh trao thưởng cho học sinh đạt thành tích trong Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2023.

Xây dựng tiền đề để nâng cao chất lượng

Nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân cùng sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, trong năm các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục được cụ thể hóa; những bất cập, hạn chế từng bước được khắc phục; mạng lưới trường, lớp được rà soát, quy hoạch khang trang. Đến nay, toàn tỉnh có 25.737/28.567 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ 90,09%. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có nhiều chuyển biến, toàn tỉnh đã có 1.686/2.006 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 85,11%). Kết quả này là tiền đề, cơ sở quan trọng góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Song song với xây dựng cơ sở vật chất, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo tiếp tục được ngành quan tâm, chăm lo. Trong năm, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các phòng GD&ĐT chủ động tham mưu UBND cấp huyện, rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ nhằm từng bước khắc phục thừa thiếu cục bộ. Chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng kế hoạch của Bộ GD&ĐT và được Bộ GD&ĐT đánh giá là tỉnh đi đầu cả nước trong công tác bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý.

Cùng với kết quả trên, công tác phổ cập giáo dục (PCGD) ở các cấp học, bậc học tiếp tục được giữ vững, trong đó 100% các xã, phường, thị trấn của 27 huyện, thị xã, thành phố đạt PCGD mầm non trẻ em 5 tuổi; PCGD tiểu học đạt mức độ 3 (là tỉnh thứ 15 của cả nước đạt mức độ 3, mức độ cao nhất hiện nay); PCGD THCS đạt mức độ 2 (là tỉnh thứ 12 đạt chuẩn mức độ 2).

Giáo dục mũi nhọn trong tốp dẫn đầu cả nước

Với nỗ lực vượt bậc, cùng tinh thần sáng tạo của cả thầy và trò, chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa năm 2023 tiếp tục được giữ vững trong tốp 6 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Trong năm, đoàn học sinh tỉnh Thanh Hóa tham dự Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa đạt 61 giải (3 giải nhất, 15 giải nhì, 22 giải ba và 21 giải khuyến khích), đạt tỷ lệ giải 78,2%. Tại Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế học sinh Thanh Hóa đoạt 1 HCB. Đặc biệt, có 1 học sinh đạt giải nhất cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 23. Đây là năm đầu tiên Thanh Hóa có học sinh giành ngôi vị quán quân tại “đấu trường tri thức” Đường lên đỉnh Olympia.

Chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục có chuyển biến tích cực. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, điểm trung bình đạt 6,47, xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 23 bậc so với năm 2020 và tăng 6 bậc so với năm 2022. Cũng trong kỳ thi này, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,4%; có hơn 930 lượt học sinh đạt điểm 10 ở các môn thi và có 1 học sinh thi khối B cao điểm nhất toàn quốc (29,8 điểm).

Đặt mục tiêu chất lượng giáo dục lên hàng đầu

Theo đánh giá của ngành giáo dục, có được kết quả trên, ngành luôn đặt mục tiêu chất lượng giáo dục lên hàng đầu, từ đó triển khai đồng bộ các giải pháp như: Đổi mới công tác quản lý giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất... Trong đó, xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết, sáng tạo trong giảng dạy được xác định là khâu quan trọng. Đổi mới công tác quản lý giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp để tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Ngoài ra, ngành tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua “Hai tốt”, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Cùng với đó, công tác chỉ đạo thi, kiểm tra, đánh giá được đẩy mạnh, ngành đã kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm trong ngành; đồng thời tổ chức tốt các kỳ thi và được dư luận xã hội đánh giá cao.

Một năm nhiều “trái ngọt”Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho học sinh đạt thành tích cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Chúng ta có thể tự hào về những thành tựu mà ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã “gặt hái” được trong năm qua. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, ngành GD&ĐT Thanh Hóa vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: chất lượng giáo dục còn chênh lệch giữa các vùng, miền; tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông chưa được giải quyết dứt điểm; cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số đơn vị trường học còn khó khăn, thiếu thốn; tình trạng dạy thêm, học thêm, thu chi ngoài ngân sách, liên kết đào tạo sai quy định vẫn còn diễn ra... Điều này đòi hỏi ngành giáo dục cần nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý, trong đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như tiếp tục siết chặt kỷ cương, nền nếp học đường, không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]