Một mũi tên trúng nhiều đích
Từ ngày 17-18/9, máy nhắn tin, bộ đàm và nhiều thiết bị điện tử đồng thời phát nổ ở Thủ đô Beirut và nhiều khu vực lân cận của Lebanon. Giới phân tích cho rằng đây là một vụ tấn công của Israel nhằm vào phong trào Hezbollah ở Lebanon. Vậy mục đích của Israel là gì và điều này có tác động như thế nào đến cục diện Trung Đông?
Giới chuyên gia hiện vẫn đang tranh cãi về phương thức trong vụ tấn công vào máy nhắn tin, bộ đàm và nhiều thiết bị điện tử. Có nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng có vẻ lời giải thích hợp lý nhất cho vụ tấn công là các thiết bị nổ được ngụy trang dưới dạng pin và được kích hoạt từ xa. Thực tế, các cơ quan tình báo Israel, vốn bị cáo buộc là thủ phạm chính cho các vụ tấn công vừa rồi, đã hơn một lần thực hiện các hoạt động tương tự nhằm vào đối thủ của mình. Tuy nhiên, bỏ qua cách thức tiến hành cuộc tấn công, xét về quy mô, đây là hành động chưa từng có, chỉ có thể so sánh với việc đưa virus Stuxnet vào hệ thống quản lý ngành công nghiệp hạt nhân của Iran trước đây. Kết quả là, hoạt động của gần 1.000 máy ly tâm làm giàu nhiên liệu uranium của Iran bị gián đoạn.
Chắc hẳn vụ tấn công có sự chuẩn bị, sắp đặt từ trước, chứ không phải hành động bột phát. Mặc dù chính phủ Israel chưa lên tiếng xác nhận, xong cơ quan tình báo Mossad của Israel hay Đơn vị 8200, đã bị truyền thông “réo tên”, đứng đằng sau hoạt động tinh vi nhằm cài lượng nhỏ thuốc nổ bên trong 5.000 máy nhắn tin mà Hezbollah đặt mua và tham gia vào giai đoạn xây dựng kế hoạch cho chiến dịch tấn công nhằm vào Hezbollah, kéo dài hơn một năm.
Trong khi đó, tờ New York Times dẫn nhận định của các quan chức quốc phòng và tình báo Mỹ cho rằng, kế hoạch của Israel dường như đã được chuẩn bị rất kỹ càng, với một mạng lưới tương đối phức tạp. Kế hoạch được đưa ra từ trước khi thủ lĩnh của Hezbollah, Hassan Nasrallah, ra quyết định rằng các thành viên chuyển từ điện thoại sang dùng máy nhắn tin và bộ đàm để tránh bị tình báo Israel theo dõi vị trí chính xác. Israel dường như chính là bên sản xuất trực tiếp ra những chiếc thiết bị phát nổ này bằng một loạt các công ty vỏ bọc, khiến lực lượng Hezbollah không nghi ngờ.
Rõ ràng, vụ tấn công là “một mũi tên trúng nhiều đích”. Trước hết, hậu quả của vụ nổ máy nhắn tin dẫn đến tình trạng mất an ninh liên lạc của lực lượng Hezbollah. Điều này có thể tiết lộ thông tin về vị trí của lực lượng Hezbollah ở Lebanon và kế hoạch của ban lãnh đạo tổ chức này. Cuộc tấn công mạng có thể làm suy yếu niềm tin vào hệ thống thông tin liên lạc và làm dấy lên nghi ngờ về khả năng bảo vệ tài nguyên của Hezbollah. Hơn nữa, việc kích nổ máy nhắn tin gây khó khăn cho việc truyền lệnh và thông tin nhanh chóng, điều này đặc biệt quan trọng trong điều kiện chiến đấu. Rõ ràng trong giai đoạn đầu sau vụ nổ, Hezbollah trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công của Israel. Điều này đặt ra nghi ngờ về mục đích đằng sau vụ kích nổ máy nhắn tin, bộ đàm, thiết bị điện tử của Israel là nhằm làm suy yếu Hezbollah trước khi tung ra đòn đánh quyết định.
Mặt khác, người Israel dường như đã thành công trong việc khiến những người ủng hộ Iran ở xa Beirut khiếp sợ. Thật vậy, ngoài lực lượng Hezbollah của Lebanon, các thành viên khác trong “Trục kháng chiến” do Iran dẫn đầu, đang hoạt động ở Syria, Iraq và Yemen và sử dụng thông tin liên lạc bằng máy nhắn tin cũng có thể sẽ nằm trong mục tiêu tương tự.
Vụ phát nổ máy nhắn tin, bộ đàm cho thấy những dấu hiệu leo thang mới, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trên diện rộng giữa Hezbollah và Israel. Trong vài tháng qua, căng thẳng chính tập trung ở biên giới Lebanon - Israel. Phản ứng của Hezbollah bao gồm các cuộc tấn công bằng tên lửa, đấu súng xuyên biên giới và nỗ lực tấn công các mục tiêu quân sự trên đất Israel. Với việc giảm cường độ giao tranh ở Dải Gaza, giới lãnh đạo Israel cần kéo dài tình trạng xung đột để duy trì quyền lực trong bối cảnh các vấn đề nội bộ và các cuộc biểu tình rầm rộ. Vì mục đích này, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ chuyển trọng tâm sang khu vực biên giới phía Bắc và tiến hành chiến dịch quân sự trên bộ quy mô lớn vào miền Nam Lebanon.
Hành động leo thang này rất có thể sẽ có tác động lâu dài không chỉ cuộc xung đột Israel - Hezbollah, mà còn đối với cuộc đối đầu Israel - Iran và tình hình Trung Đông nói chung. Israel đã lặng lẽ vượt qua một ranh giới đỏ khác của Iran bằng cách tấn công lực lượng trong “Trục kháng chiến” do Iran dẫn đầu ở Lebanon khiến Tehran không thể đứng ngoài cuộc. Từ những gì xảy ra ở Beirut, các thành viên của “Trục kháng chiến” có thể sẽ bắt đầu thúc giục Tehran thực hiện hành động trả đũa, đề xuất “đổ thêm” trách nhiệm về cái chết của người đứng đầu Bộ Chính trị Hamas, thủ lĩnh Ismail Haniyeh. Việc chuyển sang công thức “ăn miếng trả miếng” trong trường hợp này dường như là câu trả lời duy nhất dành cho phần lớn các nhóm thân Iran.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính quyền Tổng thống theo đường lối cải cách Masoud Pezeshkian có vẻ như đang đánh giá tình hình một cách cẩn trọng. Tehran nhận thức rõ rằng, cuộc tấn công bằng máy nhắn tin có thể là một phần trong hoạt động phức tạp hơn của Israel. Và mục đích của hành động khiêu khích này là nhằm dụ Hezbollah tấn công lãnh thổ Israel. Thực tế, cuộc tấn công không ảnh hưởng đến các chỉ huy cấp cao của Hezbollah chịu trách nhiệm điều phối các cuộc tấn công. Một hành động trả đũa nhanh chóng của Hezbollah sẽ “giải phóng đôi tay” của Nội các chiến tranh Israel và cho phép Thủ tướng Benjamin Netanyahu hợp pháp hóa việc “đẩy nóng khu vực biên giới”, điều mà dưới áp lực của một bộ phận chính giới và người dân nước này đã bị hoãn lại nhiều lần.
Ngoài ra, việc mở một mặt trận mới theo hướng Lebanon sẽ cho phép Israel đóng băng các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza, cũng như xóa bỏ “các hạn chế về mặt đạo đức” trong việc tiến hành các hoạt động xuyên biên giới mới nhằm loại bỏ các nhân vật chủ chốt của “Trục kháng chiến”. Cho đến nay, lợi thế đang nghiêng về phía Israel. Với mỗi cú châm kim mới, áp lực lên chính quyền Tehran ngày càng tăng và ngày càng có ít cơ hội để hành động. Tuy nhiên, Tehran vẫn đang cố gắng giữ “một cái đầu lạnh”: việc tham gia quá sâu vào cuộc xung đột sẽ dẫn đến sự mất kiểm soát - các thỏa thuận hòa bình với các nước láng giềng Ả Rập mà Iran đã dày công xây dựng trong vài năm qua có thể sẽ sụp đổ.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-21 17:19:00
Cuộc xung đột Nga - Ukraine 2024: Còn dai dẳng, quyết liệt và khó lường
-
2024-12-20 10:35:00
Công bố nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới năm 2024
-
2024-09-17 19:32:00
Động lực thúc đẩy chuyến thăm Trung Á của Thủ tướng Đức Olaf Scholz
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa Donald Trump và Kamala Harris: Kịch bản hay còn ở phía trước
Bầu cử Mỹ 2024: Ứng cử viên Kamala Harris công bố chính sách tranh cử
Nga và các nước vùng Vịnh nỗ lực thúc đẩy một trật tự thế giới mới
EU cần 800 tỷ euro một năm để vực dậy nền kinh tế trì trệ
Những lợi thế của Trung Quốc ở châu Phi
Chuyến thăm lịch sử tới Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Ai Cập
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định sức mạnh của nền kinh tế Nga
“Yếu tố Trump” và quan hệ Mỹ - Nga
Lực lượng nào bắn hạ máy bay chiến đấu F-16?