(Baothanhhoa.vn) - Với sứ mệnh của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đội ngũ văn nghệ sĩ qua các thời kỳ luôn không ngừng nỗ lực, phấn đấu, bằng tài năng, nhân cách của mình sáng tác nên những tác phẩm chất lượng, ghi đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc, đồng hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước.

Mỗi văn nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng

Với sứ mệnh của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đội ngũ văn nghệ sĩ qua các thời kỳ luôn không ngừng nỗ lực, phấn đấu, bằng tài năng, nhân cách của mình sáng tác nên những tác phẩm chất lượng, ghi đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc, đồng hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước.

Mỗi văn nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởngHội VHNT Thanh Hóa bồi dưỡng sáng tác văn học miền núi. Ảnh: H.T

Ở lĩnh vực nào, ngành nghề nào cũng có những con người yêu nước. Cá nhân họ tựa như những bông hoa để góp mình cùng vườn hoa đua sắc thắm. Năm 1943 “Đề cương văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được ban bố rộng rãi trong quốc dân đồng bào. Khi này trách nhiệm của văn nghệ sĩ sẽ phải làm gì, phải làm sao cho thật xứng đáng để đạt mục tiêu và làm tròn sứ mệnh của mình là “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Mỗi tác phẩm văn học - nghệ thuật (VHNT) không phải như là một mũi tên, một thanh gươm, cây giáo... hay như là súng ống, đại bác, lựu đạn, xe tăng, bom tấn..., nhưng đôi khi lại có sức mạnh công phá không thể đo đếm. Lòng yêu nước, tinh thần, ý chí cách mạng được “trưng bày” trong các tác phẩm VHNT theo những cách khác nhau.

Từ năm 1942, nhà thơ Sóng Hồng (bút danh của Tổng Bí thư Trường Chinh) đã sáng tác bài thơ dài “Là thi sĩ”. Trong đó tác giả khẳng định vai trò, sứ mệnh của văn nghệ sĩ trong thời đại mới là phải hướng tới nhiệm vụ cao cả: “Là thi sĩ nghĩa là theo gió mới/ Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch Đằng/ Ðể tâm hồn dào dạt với Chi Lăng/ Làm bất tử trận Ðống Đa oanh liệt/ Dốc cho hết cả một bầu nhiệt huyết/ Tưới tâm can đồng loại lúc tàn đông"...

Khi đất nước giành được độc lập (1945), thời đại Hồ Chí Minh mở ra, văn nghệ sĩ càng nêu cao hơn nữa tinh thần, ý chí quyết tâm sống và viết như một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Với bài “Nhận đường” được nhà văn Nguyễn Đình Thi viết năm 1948, Nguyễn Đình Thi đã nêu rõ quan điểm về vai trò của VHNT trong thời đại mới: “Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta"...

Từ thực tiễn hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc cùng với thái độ nhập cuộc tích cực của văn nghệ sĩ đã làm nên những tên tuổi lớn lừng lững trên văn đàn, hàng loạt các tác phẩm ra đời tạo nên vóc dáng thời đại. Và các tác phẩm có sức sống lâu bền trong nhà trường đã từ bấy đến nay chưa thể có tác phẩm nào thay thế được, đó là truyện ngắn: “Làng” của Kim Lân, “Đôi mắt” của Nam Cao; các bài thơ: “Đồng chí” của Chính Hữu, “Tây tiến” của Quang Dũng; “Phá đường”, “Bầm ơi”, “Lượm” của Tố Hữu...

Với công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong 9 năm cũng đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng. Những tên tuổi tầm cỡ như Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Ngô Tất Tố, Nguyễn Văn Bổng, Nông Quốc Chấn, Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Hoàng Cầm... Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, một đội ngũ sáng tác hùng hậu, xứng đáng bổ sung, kế tục cho một nền văn học nước nhà thật tầm cỡ hơn bao giờ hết. Về văn xuôi có những tên tuổi lớn như Nguyễn Minh Châu, Anh Đức, Bùi Hiển, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Hồ Phương, Đỗ Chu, Lê Lựu, Lê Văn Thảo, Xuân Thiều, Hữu Mai, Nguyễn Thi, Võ Huy Tâm, Đào Vũ, Sơn Nam, Phan Tứ, Trần Đình Vân... Về thơ, có các tác giả: Hoàng Trung Thông, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Thu Bồn, Thanh Thảo, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Hữu Thỉnh, Y Phương, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa... Những tác giả liệt kê trên có thể sẽ còn thiếu sót nhiều, song chỉ với bấy nhiêu tên tuổi tiêu biểu cùng những kho tàng tác phẩm đồ sộ mà họ đã đem lại đủ cho thấy một tầm vóc văn học đã mang giá trị của thời đại. Và nếu thời bây giờ không có sự dấn thân quyết liệt, sự cống hiến, đổi mới và sáng tạo để tìm ra được một hướng đi mới thì khó có thể vượt qua được cái bóng bao trùm sum suê, xanh mát đó.

Ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Nghị quyết đã xác định những thành tựu mà nền văn học Việt Nam từ sau năm 1975 đã đạt được, như lực lượng sáng tác ngày một đông đảo; các tác phẩm phản ánh đời sống xã hội ngày một sinh động, phong phú; việc truyền bá tác phẩm được mở rộng biên độ, không chỉ trong nước mà còn được chuyển ngữ và xuất bản tại nhiều nước trên thế giới. Nghị quyết khẳng định: VHNT là một bộ phận quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Văn chương ở mọi thời đại đều phải thấm đẫm linh hồn dân tộc, bởi dân tộc là cội nguồn, là nơi khơi dòng cảm hứng cho VHNT. Tác phẩm của anh dù đồ sộ như tiểu thuyết nghìn trang hay mỏng tang như vài câu vè, câu đối, thì cũng phải chứa đựng sắc màu của xứ sở anh sinh sống và tự hào về mạch nguồn đang nuôi dưỡng mình. Tổ quốc là nơi cho chúng ta hít thở bầu không khí thanh khiết, trắng trong; tưới mát tâm hồn ta bằng những câu ca dao mềm mại; khơi dậy trong ta khí phách, niềm tự hào của ngàn năm cha ông ta dựng nước và giữ nước. Hẳn hồn vía ta từ núm nhau cọng rốn, đến tiếng nói, hành động, nghĩ suy đều mang phong thái, cốt cách của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm văn học phải phản ánh sâu bền chắc rễ về vấn đề này thì mới mong có được những tác phẩm xứng tầm...

Xứ sở ta có những thời khắc khác nhau, có những mảng màu đậm nhạt. Nhưng dân tộc quyết chỉ là một thực thể và vận hành theo xu thế tiến bộ của loài người. Dân tộc Việt Nam là dân tộc của ngàn năm thi ca. Đó chính là mạch nguồn tinh thần chảy trong lòng Nhân dân từ vạn thuở. Vậy, sứ mệnh của văn nghệ sĩ là từ ngọn cỏ, lá cây cũng phải thấm đẫm chất diệp lục của quê hương. Những côn trùng, những sinh linh bé nhỏ cũng được uống dòng sữa ngọt ngào trên đất mẹ thân thương. Mỗi văn nghệ sĩ hãy sống hết mình và cống hiến hết tâm sức để “khơi những nguồn chưa ai khơi” và “sáng tạo những gì chưa có”, biết dấn thân để làm nên tầm vóc của một nền văn học nước nhà, đồng hành cùng sự phát triển quê hương, đất nước.

Phạm Văn Dũng (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]