Mở hướng phát triển con nuôi siêu lợi nhuận
Mới đi vào hoạt động hơn 2 năm nhưng trang trại nuôi chồn hương của gia đình bà Lê Thị Đông ở xã Thọ Tân (Triệu Sơn) đã khẳng định sự thành công về nhiều mặt. Chưa nuôi hết công suất theo dự kiến, nhưng năm 2023 gia chủ đã có doanh thu hơn 5 tỷ đồng.
Một trong các khu nuôi chồn hương tại thôn 2 xã Thọ Tân (Triệu Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao.
Nằm ven một hồ cá rộng lớn, các khu chuồng nuôi lợp tôn xốp được bố trí trên một không gian thoáng đãng. Trong từng chuồng, tuy được xây dựng đơn sơ nhưng áp dụng kỹ thuật hiện đại như quạt gió điều hòa nhiệt độ, đèn sưởi ấm và hệ thống rãnh thoát nước. Mỗi ô lồng bằng khung sắt rộng chưa đầy m2 được bao bằng lưới thép thông thoáng để nuôi từ 1 đến 2 con chồn. Từng ô nuôi được đánh số để ghi chép nhật ký chăm sóc, thời điểm cho chồn giao phối để tách ra khu sinh sản riêng theo thời điểm phù hợp.
Theo chủ trang trại Lê Thị Đông, sau khi kinh doanh, đi nhiều nơi, vợ chồng bà thấy các mô hình nuôi con nuôi đặc sản có thể làm giàu ngay tại địa phương. Đi tìm hiểu rồi suy xét, vợ chồng bà quyết định nuôi chồn hương.
“Từ Hà Giang đến các tỉnh phía Nam, rồi xuống tận Cà Mau đi học tập. Mỗi nơi nói một phách nên chúng tôi phải sàng lọc, mua tài liệu và tự đúc kết các kiến thức trên mạng internet. Từ tháng 1/2021, chúng tôi bắt đầu nuôi nhưng ban đầu chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn. Mùa đông đầu tiên chưa biết sưởi ấm và che chắn nên một số chồn bị chết, thiệt hại tới vài trăm triệu đồng. Rồi cả cách lựa chọn thức ăn, khẩu phần ăn cho con nuôi khỏe mạnh nữa...”, bà Đông chia sẻ.
Chính những lần thất bại ấy đã cho bà kinh nghiệm, để đến nay đã chiếm lĩnh được kỹ thuật nuôi. Thức ăn của loài vật nuôi mới này cũng đơn giản, với chuối chín, đu đủ, các loại hoa quả, các hạt ngũ cốc, cơm. Do đặc tính sinh học thường ngủ ngày thức đêm nên lượng thức ăn tiêu thụ của chồn cũng khá ít. Thỉnh thoảng, gia đình bà đánh cá từ hồ cho chồn ăn để bổ sung protein theo khẩu phần. Một điều đáng ghi nhận về mặt môi trường là nơi đây khá sạch sẽ, đi ngay trong chuồng nuôi nhưng chỉ cảm nhận được mùi “thơm” đặc trưng mà dân gian gọi là “chồn hương”.
“Nuôi hàng trăm con chồn và sinh sống ngay bên cạnh nhưng không gây hôi như nuôi một con lợn. Phân chồn không hôi nên có thể nuôi trong khu dân cư đông người mà không sợ bị ô nhiễm”, bà Đông nói vui.
Chồn hương, hay còn gọi cầy hương, cầy vòi hương, là động vật hoang dã nhóm IIB nên việc nuôi theo hướng thương mại phải đủ các điều kiện. Để phát triển đại trà loài vật nuôi mới này, ngay từ đầu gia đình bà Đông đã đăng ký các thủ tục và được Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cấp phép nuôi, nhân giống thương mại theo mã số IIB-THA-1115. Những tháng gần đây, trang trại luôn có khoảng 250 chồn bố mẹ. Với chu kỳ sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 3 - 7 chồn con nên mỗi năm có thêm hàng trăm cá thể chồn con được sinh ra tại đây. Một nửa trong số đó được gia đình bán giống, còn lại để nuôi thành chồn thương phẩm, duy trì tổng đàn 500 - 600 cá thể.
Cũng theo chia sẻ của chủ trang trại, giá chồn hơi bán ra dao động từ 3 - 4 triệu đồng mỗi kg. Trung bình mỗi con xuất chuồng đạt 3 - 4kg nên cho thu nhập hơn chục triệu đồng. Tuy với giá khá đắt đỏ, nhưng thịt chồn có hàm lượng dinh dưỡng cao, lại quý hiếm nên chưa đủ cung ứng cho thị trường. Hiện các thương lái luôn đặt trước để cung ứng cho các hệ thống nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Nhiều đơn vị đặt vấn đề để được cung ứng thường xuyên nhưng gia đình không dám ký vì chưa thể có hàng liên tục.
2 năm đầu gây giống để tăng đàn, từ đầu năm 2023 trang trại mới bán con giống và thương phẩm. Theo hạch toán của gia chủ, doanh thu năm qua từ trại chồn hương đã đạt hơn 5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 30%. Tổng đầu tư xây dựng hạ tầng, chuồng trại và con giống đến nay đã hơn 7 tỷ đồng, nhưng theo dự kiến chỉ 2 năm nữa cơ sở thu hồi được vốn, chuyển sang giai đoạn thu lợi nhuận.
Tất nhiên, không phải ai cũng có thể đầu tư nuôi chồn hương vì vốn đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao. Nhưng với sự tích lũy có sẵn và năng động, gia đình bà Đông đã mở hướng mới cho nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh học tập làm theo. Theo bà, để phát triển bền vững hoạt động chăn nuôi con đặc sản này, cần nhiều người nuôi để tạo thành hiệp hội tương trợ lẫn nhau về vốn, kỹ thuật, có đầu ra bền vững. Những tháng gần đây, không những chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người, vợ chồng bà Đông còn ký hợp đồng cung ứng 100 cầy bố mẹ và chuyển giao kỹ thuật nuôi cho một doanh nghiệp ở huyện Đông Sơn.
Bí thư Đảng ủy xã Thọ Tân Hoàng Mỹ Phước cho biết: Trang trại nuôi chồn hương của gia đình bà Lê Thị Đông là mô hình kinh tế kiểu mẫu ở địa phương. Đi vào hoạt động chưa lâu nhưng mô hình cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội, không gây ô nhiễm môi trường như trang trại vật nuôi khác, nhiều tiềm năng phát triển và có tính lan tỏa. Gần đây đã có nhiều đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Bài và ảnh: Linh Trường
- 2024-11-04 22:11:00
VinFast và Công đoàn Tài xế Durango ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi xanh giao thông công cộng tại Mexico
- 2024-11-04 22:02:00
Nhà đầu tư háo hức tìm cơ hội sở hữu nhà phố đẳng cấp của Sun Group tại Hà Nam
- 2024-02-04 12:59:00
Hạt Kiểm lâm Nghi Sơn tăng cường bảo vệ rừng
Nuôi lợn rừng dưới tán cây cho thu nhập cao
Bản tin tài chính sáng 4/2: Giá vàng chốt tuần giảm, cơ hội mua vào
Công ty TNHH MTV Sông Chu chủ động phục vụ nước cho sản xuất vụ chiêm - xuân 2024
Thỏa sức sắm tết tại không gian quảng bá, trưng bày sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP
Thạch Thành: Chủ động bảo đảm nước tưới cho cây trồng vụ chiêm xuân
Cách làm hay trong công tác GPMB ở thị trấn Thiệu Hóa
Hiệu quả từ sản xuất khoai tây vụ đông
Bản tin tài chính sáng 3/2: Giá vàng neo ở mức cao, USD tăng
Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động khuyến nông cơ sở