Mở hướng làm giàu từ đồng hoang ven đô
Là địa phương vùng ven của TP Thanh Hóa, khoảng chục năm qua nhiều khu đất nông nghiệp sâu trũng tại phường Đông Cương bị bỏ hoang. Quá trình đô thị hóa khiến nhiều người dân không còn mặn mà với ruộng đồng, nhưng một số nông dân năng động lại chủ động tích tụ, hình thành các mô hình nuôi ốc nhồi hiệu quả.
Trên địa bàn phường Đông Cương có nhiều mô hình tích tụ ruộng kém hiệu quả để nuôi ốc nhồi kết hợp gia trại tổng hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ nổi tiếng là vùng chuyên canh hoa, vài năm gần đây, phường Đông Cương còn trở thành “vựa ốc nhồi” lớn của tỉnh. Nơi đây đã hình thành nhiều mô hình nuôi ốc kết hợp gia trại tổng hợp, hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Điển hình trong số đó phải kể đến mô hình của ông Lê Thanh Bình ở khu phố 7, cho doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm.
Qua cây cầu bê tông bắc qua dòng kênh nhỏ do chủ mô hình tự đầu tư, là mô hình tích tụ đất sản xuất 6.900m2. Dẫn những vị khách tham quan, người nông dân năng động giới thiệu 6 ao nuôi dọc ngang khắp khu đất. Theo ông, có 5 ao chuyên thả ốc và 1 ao nuôi bèo tấm làm thức ăn cho ốc kết hợp nuôi cá. Bằng trực quan, dễ dàng nhận ra các cá thể ốc nhồi lớn nhỏ bám đen đặc vào rong rêu và rau củ quả thả dưới ao làm thức ăn. Chỉ cần dùng vợt xúc 3 - 4 lượt, ông Bình đã có thể vớt lên cả kg ốc nhồi. Giữa các ao nuôi là các khu đất sản xuất được bố trí trồng các loại rau, bầu và các luống thanh long. Trên các ao nuôi là hệ thống giàn, mùa nào giống ấy, các cây dây leo như su su, mướp, bầu, bí... phủ màu xanh quanh năm. Dọc các lối đi là hàng trăm cây ổi găng tứ quý cho quả suốt bốn mùa. Những đàn gà thả vườn dưới gốc cây ăn quả, rồi các lứa lợn được nuôi để tăng thêm nguồn thu. Với đôi bàn tay cần mẫn của vợ chồng ông Bình, dường như mọi diện tích trong khu đất đều được tận dụng hết, khả năng xoay vòng canh tác tối ưu.
Theo ông, các loại rau, củ, quả của mô hình cho thu hoạch quanh năm. Những phần không bán hết, rồi ổi chín đều được gom lại làm thức ăn cho ốc. Chất thải trong chăn nuôi được ủ bón cho cây trồng, không phải mua phân hóa học. Dường như mọi thứ đều được tận dụng nên mô hình kinh tế có tính tuần hoàn, hầu như không có rác thải ra ngoài. Trên thực tế, có thể cảm nhận không khí môi trường nơi đây rất trong lành và sạch sẽ. Dưới các ao, nước trong vắt thấy đáy, bởi ốc nhồi sẽ ăn hết các loại rau quả thả xuống, mà không thải ra những chất gây ô nhiễm môi trường như nhiều con nuôi khác.
Về quá trình hình thành và phát triển mô hình V-A-C điển hình này, ông Lê Thanh Bình cho biết: “Khu đất sản xuất hiện tại vốn là đất lúa sâu trũng ven kênh, thường xuyên ngập úng. Do chỉ canh tác được một vụ bấp bênh, năng suất lại thấp nên nhiều người dân địa phương bỏ hoang. Thực hiện nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả của Đảng ủy xã Đông Cương khi ấy, năm 1999, gia đình tôi tự chuyển đổi, tích tụ rồi đấu thầu thêm để hình thành khu sản xuất 3.500m2. Dồn vốn liếng để đào ao lấy đất tôn nền, những năm đầu gia đình trồng ổi và nuôi cá nhưng lợi nhuận không cao. Dần nhận thấy ốc nhồi có đầu ra ổn định nên tôi tự tìm hiểu kỹ thuật, chuyển sang nuôi con nuôi mới và trồng thêm thanh long”.
Lấy ngắn nuôi dài, gia đình ông dần tích tụ thêm đất, mở rộng khu sản xuất lên gần 7.000m2 như ngày nay. Đến nay, tổng mức cải tạo và đầu tư hạ tầng sản xuất của gia đình vào khoảng 800 triệu đồng. Mỗi năm, mô hình thu hoạch gần 5 tấn ốc nhồi thương phẩm, xuất bán 800.000 con ốc giống. Theo hạch toán của gia chủ, năm 2022, gia trại mang về nguồn lợi nhuận khoảng 925 triệu đồng. Năm 2023, tổng doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận tăng lên gần 1 tỷ đồng.
Là điển hình tích tụ đất ruộng sâu trũng đầu tiên để nuôi ốc nhồi thành công, mô hình của ông Lê Thanh Bình đã tạo hiệu ứng cho địa phương có hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp. Thống kê từ Hội Làm vườn và Trang trại phường Đông Cương, hiện trên địa bàn có gần 10 mô hình nuôi ốc nhồi kết hợp phát triển vườn trại tổng hợp. Điển hình như hộ các ông Lê Văn Quang, Lê Hồng Hường ở khu phố 2; Nguyễn Huy Lợi ở khu phố 3; Lê Đình Thuận và Lê Đình Thanh ở khu phố 5... Từ sự phát triển này mà trên địa bàn phường Đông Cương hiện nay có nhiều nhà hàng lấy ốc nhồi làm món đặc trưng. Các mô hình ốc nhồi và các nhà hàng ăn uống đang phát triển tương hỗ, đưa hoạt động nuôi ốc nhồi ngày càng triển vọng.
Bài và ảnh: Lê Đồng
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2024-03-03 11:37:00
Siết chặt quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế quốc gia cung ứng cà phê hàng đầu thế giới
Nỗ lực thu ngân sách ngay từ đầu năm
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững
Bản tin tài chính 2/3/2024: Giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước ở mức cao
2 tháng năm 2024: Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt gần 10 tỷ USD
Quản lý, vận hành hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt sau đầu tư
Ổn định thị trường sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội
Thọ Xuân nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản
Bản tin tài chính 1/3/2024: Vàng tiếp đà tăng mạnh