Liên kết vùng để phát triển du lịch
Đã qua rồi thời kỳ du lịch phát triển một mình, mạnh ai nấy làm và có gì làm nấy. Càng không thể phát triển du lịch theo kiểu ngồi đợi khách đến để “bán tài nguyên thô”. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề liên kết để phát triển du lịch đã trở thành yêu cầu có tính sống còn. Du lịch ở mỗi địa phương muốn phát triển phải tiếp thu, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng mở rộng ký kết hợp tác phát triển du lịch (tháng 4/2024). Ảnh: Hoài Anh
Bởi vậy, nhiều chuyến khảo sát, kết nối, hội nghị thúc đẩy hợp tác du lịch đã được tổ chức. Qua đó, nhiều văn bản hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, liên vùng và cả nước đã được triển khai.
Với lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch, cùng vị trí địa lý và hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực du lịch..., Thanh Hóa đã làm rất tốt điều đó, chủ động liên kết và mở cửa để đón nhận sự liên kết.
Ngay khi các hoạt động du lịch trở lại giai đoạn “bình thường mới” sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch Thanh Hóa đã chủ động mở cửa, bắt tay cho một chiến lược phát triển du lịch bài bản và dài hơi. Tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đón nhiều đoàn famtrip của các doanh nghiệp, cơ quan báo chí trong cả nước đến khảo sát, kết nối phát triển du lịch để không ngừng quảng bá sâu rộng hình ảnh “Hương sắc bốn mùa” của du lịch xứ Thanh đến gần hơn với du khách. Đánh dấu cho tầm nhìn và khát vọng này là Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố năm 2023, do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức vào trung tuần tháng 6/2023.
Tại diễn đàn này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã nhấn mạnh: Để triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết trong phát triển du lịch đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với nhau, giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp. Với tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc, hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt có nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã và đang đầu tư, du lịch Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến xa hơn nữa, hướng đến trở thành trọng điểm du lịch của cả nước. Để đạt được điều đó, tỉnh Thanh Hóa mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch trong cả nước.
Tiếp đó, tháng 8/2023, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công Hội nghị liên kết du lịch tỉnh Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ, để đi đến ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ. Ngay sau hội nghị, một số doanh nghiệp du lịch lữ hành tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ đã xây dựng và đưa vào khai thác nhiều tour, tuyến du lịch hấp dẫn, trao đổi khách hai chiều. Nhờ vậy, trong những tháng cuối năm, thị trường khách từ các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam bộ đến Thanh Hóa trở nên sôi động, chiếm tới 15% tổng lượng khách.
Quan điểm về phát triển du lịch của tỉnh rất rõ ràng, đó là tài nguyên du lịch đóng vai trò căn cốt, những cách làm du lịch mới đóng vai trò quyết định. Du lịch Thanh Hóa giàu hương sắc, nhưng phải đem thứ hương sắc ấy quảng bá rộng rãi ra xứ người, kết nối với xứ người để đưa khách đến “xứ ta” và ngược lại. Du lịch phải đổi mới không ngừng thay cho tư duy ỉ lại vào tài nguyên và chỉ ngồi chờ đợi theo kiểu “chờ sung rụng”.
Cụ thể hóa quan điểm phát triển đó, trong nửa cuối năm 2023 và quý I/2024, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức rất nhiều đoàn khảo sát, phối hợp tổ chức nhiều hội nghị kết nối du lịch tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Cùng với đó, đã phối hợp tổ chức các chuyến khảo sát một số địa điểm du lịch đang hút khách tại Thanh Hóa trong thời gian gần đây. Qua khảo sát, các doanh nghiệp du lịch ở địa phương khác có dịp tìm hiểu và biết thêm về sự đa dạng trong các loại hình du lịch ở Thanh Hóa, từ đó có cái nhìn tổng thể và cùng nhau liên kết phát triển du lịch.
Có thể nói, trong nửa cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm phát triển du lịch Thanh Hóa đã có rất nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến. Du lịch Thanh Hóa đã thực sự đặt mình vào vòng quay của nhịp sống du lịch thế giới và đất nước, không chỉ tăng cường huy động nguồn lực phát triển các sản phẩm du lịch nội tại, mà còn đẩy mạnh kết nối, quảng bá, để tài nguyên du lịch của Thanh Hóa, hương sắc xứ Thanh đến muôn phương.
Để có cơ sở cho việc đẩy mạng quảng bá, xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị công bố chương trình kích cầu du lịch và tham vấn hoàn thiện sản phẩm “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” năm 2024. Rất nhiều sự kiện văn hóa, du lịch đã được công bố làm cơ sở để các doanh nghiệp du lịch chủ động kế hoạch tổ chức khách đoàn phù hợp.
Và không chỉ dừng lại ở việc làm mới các sản phẩm du lịch, tăng cường các sự kiện văn hóa, thể thao, hoạt động du lịch để tăng sức hấp dẫn cho các khu, điểm và sản phẩm du lịch của tỉnh, Thanh Hóa cũng rất chủ động trong việc xúc tiến, quảng bá từ rất sớm. Nhiều đoàn doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa đã tổ chức khảo sát, kết nối tại các địa phương. Các hội nghị về du lịch quy mô cũng được tỉnh phối hợp tổ chức trong những tháng đầu năm 2024. Trong số đó, tại TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị xúc tiến- kết nối du lịch Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng mở rộng. Đây là một hội nghị có quy mô rộng, hướng vào một thị trường du lịch tiềm năng. Hội nghị được tổ chức chỉ ít ngày sau thành công của Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch với chủ đề “Một hành trình - Nhiều trải nghiệm” giữa các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Tại hội nghị này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, đối tác, doanh nghiệp du lịch của tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng gặp gỡ, liên kết, hợp tác, nhằm phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch hoàn chỉnh với chất lượng cao, giá thành phù hợp, xây dựng gói kích cầu du lịch nhằm phục hồi và phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững.
Mục tiêu của du lịch Thanh Hóa trong năm 2024 là đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32.387 tỷ đồng. Cùng với việc không ngừng thu hút đầu tư, tạo môi trường phát triển du lịch có chiều sâu, thì các hình thức đẩy mạnh liên kết, kết nối của chính quyền, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch của tỉnh đang cho thấy quyết tâm rất cao, không chỉ để sớm hiện thực mục tiêu, mà còn phải vượt, cao hơn là sớm đưa Thanh Hóa trở thành trọng điểm du lịch. Và “quả ngọt” trong thu hút khách du lịch đã đến khi trong kỳ nghỉ dịp 30/4, 1/5 vừa qua, du lịch Thanh Hóa đã đón số khách dẫn đầu cả nước với hơn 1,5 triệu lượt, tăng 27,3% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2023.
Lam Vũ
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-05-20 09:26:00
Huy động nguồn lực, linh hoạt, sáng tạo thu hút khách du lịch
Khám phá những hang cá “thần” trên quê hương xứ Thanh
Non nước Cửa Bạng
Bác Hồ sống mãi
“Tình Bác như ngàn hoa tỏa ngát”
Sầm Sơn “...sẽ thu được nhiều của cải từ đây”
Làm theo lời Bác, Thanh Hóa phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu
Về những nơi in dấu chân Người
Tháng 5 về thăm quê Bác
Nhớ Bác, nguyện cùng Người vươn tới mãi