(Baothanhhoa.vn) - Mỗi dịp tết đến xuân về, đối diện với không khí tết, mỗi người có những hoài niệm, suy tư về quá khứ. Với các văn nghệ sĩ, tết là không gian tâm tưởng của biết bao chuyện vui buồn, là dòng thời gian của ân tình và yêu thương. Đó là lý do mà họ đã dành hàng trăm trang sách để viết về tết, viết về những điều nhớ mãi không thể quên...

Ký ức tết - những chuyện chưa bao giờ ngủ quên

Mỗi dịp tết đến xuân về, đối diện với không khí tết, mỗi người có những hoài niệm, suy tư về quá khứ. Với các văn nghệ sĩ, tết là không gian tâm tưởng của biết bao chuyện vui buồn, là dòng thời gian của ân tình và yêu thương. Đó là lý do mà họ đã dành hàng trăm trang sách để viết về tết, viết về những điều nhớ mãi không thể quên...

Ký ức tết - những chuyện chưa bao giờ ngủ quên“Có một mùa xuân như thế” của Lê Kiên Thành khiến người đọc rưng rưng nghĩ về Tết năm 1975.

Trong giai phẩm Viết và đọc: Mùa mới 2025, những trang ký ức “Có một mùa xuân như thế” của tác giả Lê Kiên Thành thật xúc động kể về chuyện của 50 năm trước. Đó là thời điểm cuối năm 1974, ông đón mẹ từ miền Nam sang Mátxcơva chữa bệnh cùng với các cô chú được trao trả từ nhà tù Côn Đảo theo Hiệp định Paris về Việt Nam. 10 năm ông mới gặp lại mẹ, trong 10 năm ấy, ông tự sống, tự lớn lên bên cạnh “người cha ngập đầu trong công việc”. “Đôi khi ba hỏi: “Thành năm nay bao nhiêu tuổi rồi con” hay “Con học lớp mấy rồi” mà thấy buồn cười, chua xót và xen lẫn tự hào”.

Hình ảnh mẹ cùng các cô chú, “ai cũng gầy gò xanh xao hằn in những tháng ngày gian khó hay những trận đòn thù vô cùng khốc liệt. Duy chỉ có một điều ánh mắt của tất cả đều ngời sáng”. Những trang văn phi hư cấu ấy khiến người đọc ứa nước mắt. Câu nói “Mẹ đây con, mẹ đây” đã kéo gần nỗi nhớ từ 10 năm như chỉ xa nhau mấy tháng trời. “Từ một cậu học sinh 9 tuổi nhỏ bé, bây giờ đã là anh bộ đội Lê Kiên Thành cao lớn ở tuổi 19 trong trang phục nhà binh”.

Những trang văn của Lê Kiên Thành ánh lên niềm tự hào được làm con, làm cháu của những người chiến sĩ cách mạng. Nghe chuyện “Có hôm chú giật mình không phải vì không còn thấy đau mỗi khi bị tra tấn mà là khi chú không còn cảm giác thấy thối khi nằm cạnh chỗ các tù nhân đại tiện”; nhìn thấy mẹ giặt và dán đầy tường túi ni lông vì thói quen “trong chiến trường mấy bao này để gói tài liệu, giấy tờ, quý lắm con”; xót xa vì mẹ “không hề thấy may khi còn sống sau những trận bom thù mà chỉ tiếc khi không giữ lại được các bức thư đầy nhung nhớ của đứa con xa”... đến chúng ta hôm nay cũng có thể rơi nước mắt.

Tết Ất Mão (1975) là cái tết đầu tiên những người can trường ấy xa đất nước và là cái tết cuối cùng của một đất nước Việt Nam bị chia cắt, cuộc chiến tranh đẫm máu trong lịch sử của dân tộc sẽ chấm dứt.

Không riêng gì tác giả Lê Kiên Thành, với những nhà văn lớn lên và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tết đến, xuân về là da diết nỗi nhớ.

Nhớ mãi cái tết đầu tiên sau hòa bình, đối với nhà văn Nguyễn Một “chẳng thấy không khí hồ hởi như cảnh trong các phim tài liệu sau này”. Mười hai tuổi từ Phú Quốc được đưa về Rạch Giá đón cái tết đầu tiên sau ngày hòa bình. Hết chiến tranh, kẻ còn người mất, phe còn phe mất, nhưng tình người tình đời thì mãi còn trong văn Nguyễn Một.

Rừng lá, còn gọi là căn cứ 4, là 1 trong 10 căn cứ do Chính phủ Việt Nam cộng hòa thành lập từ năm 1972 để các cư dân từ Quảng Trị đến Quảng Nam tỵ nạn vùng chiến sự ác liệt của miền Trung vào sinh sống. Nhưng trong ký ức của nhà văn Nguyễn Một, Rừng lá luôn mượt mà xanh thẳm, “những đọt lá xanh mơn mởn, đều tăm tắp to bằng bắp chân người lớn, như những thanh gươm dài chỉa lên bầu trời vàng phớt nắng chiều. Những ngày nghỉ học chúng tôi trèo lên nách lá bắt tắc kè”.

Cũng ở đây, bài học đầu tiên ông được biết đó là bài học về ăn trông nồi, ngồi trông hướng, hay phải học ăn học nói... “Qua miếng ăn người ta đánh giá con người mình. Sau này các con lớn lên đi ăn tiệc, có đĩa thịt gà mà thò đũa hất qua hất lại lựa miếng ngon nhất mình ăn, còn người khác thì sao. Khi ăn nhớ đừng quá hồ hộc hay chỉ ăn hết món mình thích. Ăn phải ngó trước ngó sau, phải đợi người lớn gắp trước, nhắm miếng nào gắp miếng đó, biết nhường nhịn khi ăn, khi ở mới thành người được”. Bài học ấy được dạy bởi một người có trình độ mới biết đọc biết viết để rồi sau này Nguyễn Một thường kể cho các con nghe và nói: Lẽ nào bây giờ chúng ta học cao hơn, học nhiều hơn mà quên mất chuyện đơn giản nhất là “học ăn, học nói”.

Ngoài ra, chuyện đôi dép cao su, cũng khá ấn tượng với người đọc. “Tết năm 1976 tôi được bà mua cho đôi dép cao su; đây là đôi dép đàng hoàng và mới nhất từ nhỏ đến giờ”. Có đôi dép mới “tôi vênh mặt lên đầy hãnh diện” với bạn bè. Và đến khi vì mải đá banh mà mất đôi dép, “tôi” khóc rống đã đành, còn bầy ra trò “giả vờ bị con ma nữ bắt mất hồn” phải mời thầy cúng để tránh đòn roi của bà... “Mất tiền của cậu không sao, tiếc nhứt là mất mớ tiền của bà với cái thằng thầy cúng, lại mất thêm con gà trống và hai lon nếp cho nó, còn nhà mình thì ăn rau tàu bay xanh ruột. Ngu chi mà ngu rứa con”, câu chuyện ấy khiến nhà văn day dứt mãi còn độc giả thì được thưởng thức những trang văn vui vẻ và thú vị.

Đối với nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông chọn một cổng chợ để mua một “Mùi của Tết”. Chợ tết vốn ồn ào và mang mùi chợ. Từ hàng chục năm trước ông đã cảm nhận được “Mùi chợ, ngày thường thiếu cái mùi rơm khô, rơm ẩm lót đồng dưa hấu, mùi chợ ngày thường không có cái màu xanh của lá dong, lá chuối gói bánh chưng, bánh tét...”.

Đặc biệt, trong không gian chiều 30 tết, với nhà thơ Đỗ Trung Quân đó chính là buổi chiều lạ lùng nhất, một buổi chiều duy nhất. “Một buổi chiều mà tất cả đều dường như ngưng nghỉ. Bàn thờ tết đã xong, nhà cửa đã sạch sẽ tinh tươm, bữa cơm cúng ông bà cũng đã hoàn tất. Chỉ còn chờ... Thời khắc giao thừa. Đấy là một buổi chiều thất nghiệp. Kẻ bận rộn suốt một năm bỗng thấy mình ngồi im lặng với màu nắng tết trước sân nhà”.

Có thể thấy trong thời khắc năm cũ đang dần qua, năm mới mấp mé ló rạng kề bên, con người ta dễ “tức cảnh sinh tình”, ẩn chứa nhiều suy tư. Đọc những câu chuyện về tết của 50 năm trước, như một sự vô tình kết nối chúng ta với số phận những con người, nhìn lại những trang lịch sử văn hóa của dân tộc và hơn hết là gieo vào lòng chúng ta những hạt giống của tình yêu thương.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]