(Baothanhhoa.vn) - Chỉ còn 44 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống giữa hơn 4.500 mẹ của xứ Thanh. Nhiều mẹ đã không còn nhớ đủ câu chuyện đời mình, về những người con, người chồng đã gửi trọn tuổi xuân cho đất nước. Chúng tôi lắng nghe và ghi lại những câu chuyện, có khi chỉ còn là những mảnh ký ức lặng lẽ, chắp vá từ lời kể, từ ánh mắt và từ cả sự im lặng để viết nên loạt bài này. Như một nén tâm hương, mong giữ lại phần nào hình bóng các Mẹ giữa dòng trôi của thời gian.

Ký ức của Mẹ (Bài 4): Mẹ là cô giáo làng, người làng gọi “mẹ Thanh”

Chỉ còn 44 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống giữa hơn 4.500 mẹ của xứ Thanh. Nhiều mẹ đã không còn nhớ đủ câu chuyện đời mình, về những người con, người chồng đã gửi trọn tuổi xuân cho đất nước. Chúng tôi lắng nghe và ghi lại những câu chuyện, có khi chỉ còn là những mảnh ký ức lặng lẽ, chắp vá từ lời kể, từ ánh mắt và từ cả sự im lặng để viết nên loạt bài này. Như một nén tâm hương, mong giữ lại phần nào hình bóng các Mẹ giữa dòng trôi của thời gian.

Ở làng Quảng Thịnh xưa, giờ đã mang tên mới là phường Quảng Phú, người ta sống với nhau nặng nghĩa, trọng tình. Cổng ngõ hai bên đường bao giờ cũng hé mở, như lòng người chẳng khi nào khép lại. Con đường làng nhỏ, trải nhựa đã lâu nhưng mỗi sớm mai lại lao xao tiếng chổi quét sân, tiếng trẻ gọi nhau í ới, và dáng ai đó lững thững đi qua như một phần quen thuộc trong cảm thức của người dân nơi đây.

Ký ức của Mẹ (Bài 4): Mẹ là cô giáo làng, người làng gọi “mẹ Thanh”

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thanh lặng lẽ đọc lại giấy báo tử cũ - nơi gói ghém cả một đời chờ đợi.

Mẹ - người làng gọi thân thương là “mẹ Thanh” đã đi mòn gót chân đời mình trên con đường làng - nay đã thành đường phố. Từ ngày còn là cô giáo làng tóc đen, mắt sáng, dáng đi thanh thoát trên con đường lấm lem bụi đất, đến nay tóc mẹ đã trắng như mây, lưng đã hơi còng, con đường đã có tên, phố phường đổi dạng - mà dáng mẹ, dẫu lặng lẽ vẫn như một điểm neo, một mảnh hồn làng hồn hậu.

Đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thanh (SN1936). Mẹ có bốn người con, trong số đó, người con trai cả đã mãi nằm lại nơi chiến trường biên giới xa, đến nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Hiện tại, mẹ sống cùng người con trai thứ ba, người luôn bên mẹ những năm tháng về già, lặng lẽ chăm sóc, lắng nghe mẹ nhắc lại những câu chuyện của một thời không ngủ yên.

Ký ức của Mẹ (Bài 4): Mẹ là cô giáo làng, người làng gọi “mẹ Thanh”

Con dâu chăm sóc mẹ như một cách gìn giữ ký ức.

Người con dâu của mẹ, một người phụ nữ hiền lành và nhẫn nại, sáng nào cũng chải tóc cho mẹ bằng chiếc lược nhựa hồng. Khoảnh khắc ấy, bàn tay dịu dàng chăm chút cho mái tóc bạc, trong khi mẹ ngồi im, mắt nhìn xa xăm đã trở thành một hình ảnh khiến người chứng kiến không thể cầm lòng. Ấy là tình thân, là đạo hiếu, nhưng cũng là lời cảm tạ âm thầm dành cho một người mẹ đã hy sinh gần như tất cả để gìn giữ gia đình.

Ngày xưa, mẹ là cô giáo làng, dạy tại Trường THCS Quảng Thịnh. Trường nhỏ, lớp học đơn sơ, bảng đen phấn trắng, mái ngói nâu giữa bạt ngàn đồng ruộng. Dẫu đồng lương ít ỏi, mẹ vẫn kiên trì mỗi ngày đến lớp, dạy từng con chữ rồi lại tất tả về lo bữa cơm chiều cho đàn con thơ dại. Khi ấy, con lớn mới tám tuổi, con út chỉ vừa lên hai. Căn nhà nhỏ, thiếu thốn đủ bề, nhưng tiếng cười của trẻ thơ và ánh mắt đầy nghị lực của người mẹ dường như đã bù đắp mọi gian khó.

Ký ức của Mẹ (Bài 4): Mẹ là cô giáo làng, người làng gọi “mẹ Thanh”

Liệt sĩ Nguyễn Tam Anh - chồng mẹ Thanh, hy sinh tại mặt trận phía Nam năm 1972.

Năm 1972, tin chồng hy sinh nơi chiến trường Trường Sơn như một nhát dao xoáy vào lòng người phụ nữ trẻ. Mẹ không gục ngã. Gạt nước mắt, mẹ siết chặt đàn con trong vòng tay gầy guộc rồi bước tiếp. Vừa đứng lớp, vừa cuốc đất, cấy lúa; vừa làm mẹ, vừa làm cha. Mỗi đêm, căn bếp nhỏ chỉ le lói ánh lửa, mẹ ru con bằng những câu hát gióng lên từ nỗi niềm người quả phụ. Tháng năm trôi qua, vóc dáng mẹ nhỏ lại, đôi tay sạm đen, ánh mắt vẫn lấp lánh thứ ánh sáng kiên cường của người đàn bà đã đi qua mất mát lớn lao nhất đời người.

Mỗi đêm, căn bếp nhỏ chỉ le lói ánh lửa, mẹ ru con bằng những câu hát gióng lên từ nỗi niềm người quả phụ

Ký ức của Mẹ (Bài 4): Mẹ là cô giáo làng, người làng gọi “mẹ Thanh”

Liệt sĩ Nguyễn Tam Hùng - người con cả đã ngã xuống khi mới 27 tuổi.

Chưa kịp nguôi ngoai nỗi đau mất chồng, thì con trai cả Nguyễn Tam Hùng đến tuổi trưởng thành, viết đơn tình nguyện ra biên giới Tây Nam, rồi sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Mẹ không ngăn - cũng như bao người mẹ Việt Nam khác đã dứt ruột tiễn con lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhìn dáng con trong quân phục hôm lên đường, mẹ mừng mừng tủi tủi, tự hào xen lẫn lo âu.

Năm 1986, anh hy sinh khi mới 27 tuổi. Mẹ chỉ nhận được một tờ giấy báo tử. Không có ảnh, không có địa chỉ an táng. Gần bốn mươi năm trôi qua, mẹ vẫn không biết con nằm đâu chỉ nghe người ta nói, đâu đó giữa vùng biên giới Tây Ninh - Campuchia. Nhiều đêm, mẹ ngồi một mình, lần giở từng trang danh sách liệt sĩ bằng đôi tay run run. Như thể chỉ cần thấy tên con hiện lên, mẹ sẽ được an ủi phần nào, dù chỉ là trong khoảnh khắc ngắn ngủi.

Mỗi khi nhắc đến anh, mẹ nghẹn giọng: “Mẹ chỉ mong tìm được nơi nó trước khi nhắm mắt...”.

Mẹ không mong ông về. Mẹ muốn ông ở lại đó, cạnh đồng đội, nơi ông đã nằm xuống vì đất nước

Ký ức của Mẹ (Bài 4): Mẹ là cô giáo làng, người làng gọi “mẹ Thanh”

Nén nhang thắp lên nơi bàn thờ - lời thì thầm của mẹ gọi người thân về trong tưởng nhớ.

Không gian sống của mẹ thanh đạm. Bàn thờ luôn thơm mùi trầm ấm. Trên đó là hai bức ảnh đen trắng đã ngả màu của chồng và con được mẹ lau chùi cẩn thận mỗi ngày. Một người nằm lại Trường Sơn, một người chưa có mộ. Có thời gian, năm nào mẹ cũng bắt xe vào Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn thăm chồng. Nhưng vài năm gần đây, sức khỏe yếu dần, mẹ chỉ còn biết đứng trước bàn thờ, thầm gọi ông mỗi chiều. “Mẹ không mong ông về. Mẹ muốn ông ở lại đó, cạnh đồng đội, nơi ông đã nằm xuống vì đất nước”, mẹ nói, ánh mắt đượm buồn nhưng ngời lên một niềm kiêu hãnh.

Bữa cơm của mẹ đạm bạc, chỉ bát canh rau, đĩa cá kho. Nhưng trên mâm cơm ấy, ký ức vẫn hiện diện như một người bạn đồng hành. Mẹ kể chuyện ngày xưa, giọng khi mạch lạc, khi đứt quãng. Con cháu đã quen với việc nghe mẹ kể đi kể lại một kỷ niệm, hay quên mất hôm nay là thứ mấy. Nhưng kỳ lạ thay, mỗi khi có ai đó nói đến hai chữ “hy sinh”, mẹ lại lặng người thật lâu, rồi gật đầu, thật chậm, thật sâu.

Còn trong ngăn kéo nhỏ bên giường, mẹ giữ lại vài kỷ vật của con trai cả: Chiếc áo len đã sờn vai, chiếc khăn đã ngả màu. Không nhiều, nhưng đó là tất cả để mẹ níu giữ hình bóng của một người đã mãi mãi không về.

Khi chúng tôi rời nhà mẹ, nắng trưa đã bắt đầu hắt xuống nền gạch men trong căn phòng nhỏ, nơi mẹ ngồi trên chiếc ghế gỗ, cầm tờ giấy báo tử cũ đã úa màu không chớp mắt, môi mím lại, ngón tay gầy run run lần từng dòng chữ đã mờ.

Khu phố nơi mẹ sống chan hoà tình thân, như cảm nhận của chúng tôi ban đầu - mà ở đó có tấm lòng của một người Mẹ Việt Nam Anh hùng. Người dân quen gọi mẹ là “cụ Thanh”, hay “mẹ Thanh liệt sĩ”. Ai cũng biết mẹ không chỉ là người mẹ thời chiến, mà còn là người luôn nghĩ đến đồng đội của chồng, của con. Mỗi dịp tết, mẹ lại lặng lẽ dành phần quà của mình gửi đến những gia đình thương binh, liệt sĩ khác trong khu phố. Cứ như thể, mẹ không bao giờ cho phép mình quên và nhắc mọi người đừng lãng quên vun đắp cho hoà bình, hạnh phúc.

Trần Hằng

Bài 5: "Khi mọi người hỏi bà miền xuôi hay miền ngược. Tôi đáp, tôi ngược nhé!"

Tin liên quan:
  • Ký ức của Mẹ (Bài 4): Mẹ là cô giáo làng, người làng gọi “mẹ Thanh”
    Ký ức của Mẹ (Bài 1): Mẹ mừng và yên tâm hơn khi biết được nơi các con nằm

    Khi chúng tôi viết những dòng này, là khi chỉ còn 44 Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) còn sống trong tổng số hơn 4.500 Mẹ của xứ Thanh. Song, rất ít Mẹ còn minh mẫn - ký ức cuộc đời mảng còn, mảng mất. Nhưng thẳm sâu trong tâm trí các mẹ luôn là bóng dáng của những người chồng, người con đã hoá thân mình vào dáng hình non sông, đất nước. Chúng tôi ghi lại những câu chuyện, có khi chỉ còn là những ký ức lặng lẽ, chắp vá và chắt chiu từ lời kể, từ ánh mắt và từ cả sự im lặng, như một sự ngưỡng vọng các Mẹ và như một nén tâm hương dành cho những người đã mãi mãi tuổi xanh.

  • Ký ức của Mẹ (Bài 4): Mẹ là cô giáo làng, người làng gọi “mẹ Thanh”
    Ký ức của Mẹ (Bài 2): "Mẹ chẳng có bức ảnh nào, chúng nó hy sinh cũng chưa tìm ...

    Khi chúng tôi viết những dòng này, là khi chỉ còn 44 Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) còn sống trong tổng số hơn 4.500 Mẹ của xứ Thanh. Song, rất ít Mẹ còn minh mẫn - ký ức cuộc đời mảng còn, mảng mất. Nhưng thẳm sâu trong tâm trí các mẹ luôn là bóng dáng của những người chồng, người con đã hoá thân mình vào dáng hình non sông, đất nước. Chúng tôi ghi lại những câu chuyện, có khi chỉ còn là những ký ức lặng lẽ, chắp vá và chắt chiu từ lời kể, từ ánh mắt và từ cả sự im lặng, như một sự ngưỡng vọng các Mẹ và như một nén tâm hương dành cho những người đã mãi mãi tuổi xanh.

  • Ký ức của Mẹ (Bài 4): Mẹ là cô giáo làng, người làng gọi “mẹ Thanh”
    Ký ức của mẹ (Bài 3): "17 tuổi, Hội giấu tôi viết đơn tình nguyện lên đường ...

    Khi chúng tôi viết những dòng này, là khi chỉ còn 44 Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) còn sống trong tổng số hơn 4.500 Mẹ của xứ Thanh. Song, rất ít Mẹ còn minh mẫn - ký ức cuộc đời mảng còn, mảng mất. Nhưng thẳm sâu trong tâm trí các mẹ luôn là bóng dáng của những người chồng, người con đã hoá thân mình vào dáng hình non sông, đất nước. Chúng tôi ghi lại những câu chuyện, có khi chỉ còn là những ký ức lặng lẽ, chắp vá và chắt chiu từ lời kể, từ ánh mắt và từ cả sự im lặng, như một sự ngưỡng vọng các Mẹ và như một nén tâm hương dành cho những người đã mãi mãi tuổi xanh.


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]