Ký ức của Mẹ (Bài 1): Mẹ mừng và yên tâm hơn khi biết được nơi các con nằm
Khi chúng tôi viết những dòng này, là khi chỉ còn 44 Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) còn sống trong tổng số hơn 4.500 Mẹ của xứ Thanh. Song, rất ít Mẹ còn minh mẫn - ký ức cuộc đời mảng còn, mảng mất. Nhưng thẳm sâu trong tâm trí các mẹ luôn là bóng dáng của những người chồng, người con đã hoá thân mình vào dáng hình non sông, đất nước. Chúng tôi ghi lại những câu chuyện, có khi chỉ còn là những ký ức lặng lẽ, chắp vá và chắt chiu từ lời kể, từ ánh mắt và từ cả sự im lặng, như một sự ngưỡng vọng các Mẹ và như một nén tâm hương dành cho những người đã mãi mãi tuổi xanh.
Người mẹ ấy “hai lần tiễn con đi, hai lần mẹ khóc thầm lặng lẽ....”. Vẫn biết chiến tranh là mất mát, là đau thương. Vậy nhưng, còn nỗi đau nào hơn khi đã hơn nửa thế kỷ qua đi, từ ngày nhận giấy báo tử đến nay, mẹ vẫn chưa đón được các con về để đoàn tụ trong hơi ấm của người thân và gia đình. Để rồi, nỗi đau ấy cứ khắc khoải từng ngày, từng giờ và len lỏi hằn sâu theo từng nếp nhăn trên gương mặt mẹ.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lự kể lại câu chuyện về hai con trai là liệt sỹ.
Đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lự. Chúng tôi đến thăm mẹ vào buổi trưa tháng 7 trong ngôi nhà cấp 4 đã cũ kỹ, hoen màu thời gian ở thôn Thuần Lương (xã Cẩm Tú). Khẽ cầm lấy tấm bằng Tổ quốc ghi công của 2 người con trai, nước mắt mẹ lăn dài.
Năm nay, mẹ Lự đã 102 tuổi, mắt đã mờ, tay chân cũng chậm đi, vậy nhưng hình ảnh về hai người con trai là liệt sỹ vẫn khắc sâu trong tâm khảm của mẹ. Mẹ bảo, con trai lớn tên là Nguyễn Đình Dền, hy sinh năm 20 tuổi và con trai nhỏ là Nguyễn Đình Hóa, hy sinh năm 18 tuổi. Với mẹ, ngày nào chưa đón được hài cốt của các con về là ngày đó nước mắt mẹ vẫn còn rơi, lòng mẹ vẫn còn khắc khoải, đau đáu khôn nguôi.
Mẹ Lự khẽ vuốt ve tấm bằng Tổ quốc ghi công của người con trai đã hy sinh.
Mắt nhìn xa xăm như cố gom nhặt lại những mảnh ký ức đang trôi xa, nhoè dần, mẹ bảo: "Khi xưa, cuộc sống khó khăn, đói khổ lắm. Mẹ sinh được 7 người con, có đủ cả trai lẫn gái. Trong số các con của mẹ, thì Dền là đứa bụ bẫm, ngoan lắm, lại thông minh, gan dạ và nhanh nhẹn. Hàng ngày, mẹ lên nương rẫy, anh đều đi theo để làm giúp mẹ. Về nhà, anh cũng làm hết mọi việc trong nhà vì thương mẹ, thương các chị, các em. Dền bảo, mẹ khổ nhiều rồi nên muốn mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Còn Hóa, thì lại là đứa rất siêng năng, hiếu học, và học cũng rất giỏi".
Năm ấy, mùa đông rét cắt da, cắt thịt, cũng là lúc các con đến tuổi trưởng thành, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thằng Dền xung phong ra chiến trường trước. Vài năm sau, thằng Hóa cũng xin đi theo...
Từ nhỏ, thấy cảnh đất nước chia cắt, có biết bao thanh niên trai tráng đã xung phong lên đường ra trận, trong sâu thẳm trái tim, các con của mẹ cũng đã mơ ước khi nào đến tuổi trưởng thành sẽ được khoác lên mình chiếc áo lính để ra chiến trường. “Năm ấy, mùa đông rét cắt da, cắt thịt, cũng là lúc các con đến tuổi trưởng thành, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thằng Dền xung phong ra chiến trường trước. Vài năm sau, thằng Hóa cũng xin đi theo” - Mẹ nói như sống lại khoảnh khắc của năm tháng xa xăm.
"Các con lên đường mang theo bao gửi gắm, bao sự kỳ vọng của người dân, đất nước. Gia đình tôi cũng tự hào lắm khi con mình sẵn sàng cống hiến vì độc lập, tự do của dân tộc. Thế nhưng, không lo sao được, khi giữa chiến trường xa xôi, cách trở, giữa muôn trùng hiểm nguy của khói lửa chiến tranh làm sao biết được con mình còn sống, hay đã hy sinh" - vừa kể, vai mẹ Lự vừa run lên, hai dòng nước mắt lăn dài sau bao năm tưởng đã cạn khô.
Nguôi xúc động, mẹ kể tiếp: "Thời chiến tranh cho nên thông tin liên lạc vô cùng khó. Thằng Dền, thằng Hóa đi biền biệt nhiều năm mà vẫn “bặt vô âm tín”, không một lá thư gửi về cho gia đình, cũng không một lần ghé về thăm quê. Còn mẹ ở nhà thì vẫn thao thức, trằn trọc ngóng trông con trở về. Có nhiều đêm, giật mình thức giấc nghe tiếng chó sủa, mẹ chạy ra mở cổng tưởng đâu hai con mình vác ba lô về thăm gia đình, thế nhưng lại hụt hẫng quay vào".
Phải đến nhiều năm sau, gia đình mới biết tin qua đồng đội là anh Dền đang chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh, còn anh Hóa thì chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Lúc ấy, mẹ Lự vui lắm, mừng lắm vì các con của mình vẫn còn sống và cống hiến cho Tổ quốc. Hàng ngày, mẹ vẫn đau đáu niềm hy vọng mong sao cho chiến tranh sớm kết thúc, hai con sẽ trở về đoàn tụ với gia đình, lấy vợ, sinh con cho mẹ bồng bế.
Thế nhưng, chẳng ai nói trước được điều gì, chiến tranh đã cướp đi hy vọng bình dị đó của mẹ, khi nhận được tờ giấy báo tử của Dền trên tay. "Đồng chí Nguyễn Đình Dền, hy sinh ngày 10/2/1977, tại mặt trận Tây Ninh...". Từng câu, từng chữ trong tờ giấy được mẹ đọc đi đọc lại mà vẫn không tin, phải nhờ người thân đọc hộ. Vậy là, con trai của mẹ đã hy sinh, nằm lại nơi chiến trường xa thẳm, cách biệt và vĩnh viễn mẹ sẽ chẳng bao giờ được ôm con vào lòng nữa.
Nỗi đau này chưa dứt, thì cú sốc khác lại ập tới, khi vài năm sau gia đình thêm một lần nữa nhận giấy báo tử rằng anh Hóa đã hy sinh. Dẫu vẫn hiểu mất mát hy sinh trong chiến trận là điều không tránh khỏi, nhưng nỗi đau của người mẹ cứ mãi quặn thắt trong tim.
“Dền ơi” - tiếng gọi hòa lẫn tiếng khóc nấc của mẹ khi ấy, thành tiếng khóc thầm trong mẹ đằng đẳng hàng thập kỷ chờ tin con, chờ hài cốt con được đưa về nơi chôn rau cắt rốn.
Nỗi đau này chưa dứt thì vài năm sau, cú sốc khác lại ập tới khi gia đình thêm một lần nữa nhận giấy báo tử, rằng anh Hóa đã hy sinh vào ngày 30/3/1982, tại chiến trường Campuchia. Dẫu vẫn hiểu mất mát hy sinh trong chiến trận là điều không tránh khỏi, nhưng nỗi đau của người mẹ cứ mãi quặn thắt trong tim.
Chiến tranh đã lùi xa, hòa bình lặp lại, đã mấy lần mẹ Lự cùng người thân khăn gói vào các chiến trường phía Nam để tìm lại hài cốt hai con mình. Giữa mênh mang đất trời, rừng núi và những thông tin ít ỏi nên việc tìm kiếm phần mộ của hai liệt sỹ cũng trở nên khó khăn.
Thế nhưng, cũng thật may mắn là thông qua bạn bè, người thân kết nối, rồi sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương, mẹ Lự đã tìm thấy phần mộ của hai con trai mình. Anh Dền thì được đồng đội chôn cất và hiện đang yên nghỉ tại một nghĩa trang ở tỉnh Tây Ninh, còn anh Hóa thì hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang ở tỉnh Đồng Nai.
Biết con mình đang được yên nghỉ, được che chở và chăm sóc chu đáo trong vòng tay Nhân dân, mẹ Lự yên tâm hơn, mừng mừng tủi tủi, bởi mẹ tin rằng “dù con mình có nằm ở nơi nào, thì cũng không bao giờ phải đơn độc, thiếu vắng đi bàn tay chăm chút, hương khói cho phần mộ của Nhân dân”.
Biết bao năm tháng đã đi qua, có những người mẹ “may mắn”, được đón những đứa con trở về trong hơi ấm của gia đình, dù chỉ là nắm tro cốt, chiếc ba lô, hay vài dòng nhật kí, còn với mẹ Lự thì hình hài các con của mẹ cũng chỉ còn đọng lại trong di ảnh đặt trên ban thờ. Các anh mãi mãi không về nhưng chiếc ghế ngồi ở trước cửa chưa bao giờ mẹ cất. Bởi, ngày nào còn ngồi được, ngày nào còn đi được thì mẹ vẫn chờ mong, vẫn đợi tro cốt các con về để dù chỉ một lần lại được chở che, ấp ôm con vào lòng.
Đây cũng chính là tâm nguyện cuối đời của mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lự trước khi đi xa!
Nguyễn Đạt
—
Bài 2: "Mẹ chẳng có bức ảnh nào, chúng nó hy sinh cũng chưa tìm được hài cốt"...
{name} - {time}
-
2025-07-13 17:05:00
Vẽ bức tranh đẹp về tuổi trẻ giàu khát vọng
-
2025-07-13 14:46:00
Thanh Hóa hiện thực hóa trở thành cực tăng trưởng mới
-
2025-07-13 14:44:00
Bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão
Hơn 100 cán bộ, hội viên, đoàn viên ra quân tổng vệ sinh môi trường
Nhịp cầu nối những bờ vui
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường
Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương
Về vùng lúa nếp Cay Nọi
Chủ động đối phó và khắc phục sạt lở đất khu vực miền núi