(Baothanhhoa.vn) - Trên cơ sở quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22-9-2021, định hướng quy hoạch cỡ tàu ra, vào các khu bến thuộc cảng biển Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển cảng biển Thanh Hóa bền vững (Bài 2): Quy hoạch phát triển cảng biển Thanh Hóa

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22-9-2021, định hướng quy hoạch cỡ tàu ra, vào các khu bến thuộc cảng biển Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển cảng biển Thanh Hóa bền vững (Bài 2): Quy hoạch phát triển cảng biển Thanh Hóa

Hàng hóa thông qua cảng Nghi Sơn. Ảnh: Xuân Hùng

Tin liên quan:

Quy hoạch xác định, giai đoạn đến năm 2025, Khu bến Nam Nghi Sơn tiếp nhận tàu tổng hợp/rời, container, hàng lỏng/khí trọng tải đến 100.000 DWT hoặc lớn hơn phù hợp điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng và đáp ứng yêu cầu về an toàn hàng hải, kết hợp tiếp nhận tàu du lịch để đón khách du lịch đường biển khi có nhu cầu. Khu bến Bắc Nghi Sơn tiếp nhận tàu tổng hợp/rời, container, hàng lỏng/khí trọng tải đến 100.000 DWT hoặc lớn hơn phù hợp điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng và đáp ứng yêu cầu về an toàn hàng hải. Khu bến đảo Hòn Mê tiếp nhận tàu lỏng/khí trọng tải đến 400.000 DWT; tàu hàng rời trọng tải đến 200.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Các bến cảng Lệ Môn, Quảng Châu tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng lỏng trọng tải đến 2.000 DWT hoặc lớn hơn phù hợp với tĩnh không công trình vượt sông. Bến cảng Lạch Sung tiếp nhận tàu trọng tải đến 3.000 DWT hoặc lớn hơn (đến 7.000 DWT) khi có nhu cầu tùy thuộc vào khả năng nạo vét chỉnh trị luồng. Bến cảng Quảng Nham - Hải Châu tiếp nhận tàu trọng tải đến 1.000 DWT hoặc lớn hơn đến 2.000 DWT khi có nhu cầu tùy thuộc vào khả năng nạo vét luồng. Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ vùng đất, vùng nước của các khu vực cảng biển hiện tại và có khả năng phát triển trong tương lai; các công trình phục vụ quản lý Nhà nước; vùng nước cho các công trình hạ tầng hàng hải công cộng (gồm luồng tàu, vùng đón trả hoa tiêu, khu neo đậu tránh trú bão, đê chắn sóng), bến phao, khu neo đậu chuyển tải... Đối với khu bến cảng Nam Nghi Sơn, vùng đất và vùng nước từ cầu đường bộ nối đảo Biện Sơn đến giáp tỉnh Nghệ An. Vùng đất bao gồm các khu tổng hợp, rời số 1 phạm vi từ mép cầu cảng đến đường bộ nối đảo Biện Sơn; khu tổng hợp, rời số 2 phạm vi từ mép cầu cảng đến đường phía sau bến cảng quốc tế Nghi Sơn; khu tổng hợp, container số 1, số 2 phạm vi từ mép cầu cảng đến đường 513 nối sang tỉnh Nghệ An. Vùng nước từ khu nước đậu tàu, khu quay trở, luồng tàu, khu nước kết nối luồng... ra đến phạm vi đê chắn sóng quy hoạch. Khu bến cảng Bắc Nghi Sơn, vùng đất và vùng nước từ khu vực phía Nam cửa Lạch Bạng đến cầu đường bộ nối đảo Biện Sơn. Vùng đất bao gồm các khu bến phía Bắc mở rộng phạm vi từ mép cầu cảng đến đường Bắc Nam 4, khu đất bến cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, khu bến chuyên dụng phạm vi từ mép đường bờ đến đường tỉnh 513. Vùng nước từ khu nước đậu tàu, khu quay trở, luồng tàu, khu nước kết nối luồng... ra đến phạm vi đê chắn sóng quy hoạch, Khu bến đảo Hòn Mê, vùng nước khu vực đảo Hòn Mê (bao gồm cả đảo Mê). Các bến cảng Lệ Môn, Quảng Châu, vùng đất bao gồm khu vực bến cảng Lệ Môn, mép cầu cảng Quảng Châu đến phạm vi hành lang bảo vệ đê sông Mã. Vùng nước từ hạ lưu cầu Hoàng Long trên sông Mã ra đến phạm vi vùng đón trả hoa tiêu, kiểm dịch Lệ Môn. Bến cảng Lạch Sung (gồm khu vực đảo Nẹ), vùng đất từ mép cầu cảng đến hành lang bảo vệ đê sông Lèn và vùng nước từ hạ lưu cách cầu đường bộ ven biển (quy hoạch) khoảng 1 km trên sông Lèn ra đến phạm vi vùng đón trả hoa tiêu, kiểm dịch Lạch Sung. Bến cảng Quảng Nham - Hải Châu, vùng đất từ mép cầu cảng đến hành lang bảo vệ đê sông Yên thuộc địa phận xã Hải Châu, vùng nước từ hạ lưu cầu đường bộ ven biển Thạch Châu (quy hoạch) trên sông Yên ra đến phạm vi vùng đón trả hoa tiêu, kiểm dịch Quảng Nham - Hải Châu.

Mục tiêu của việc quy hoạch đáp ứng hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và liên vùng, đầu mối nhu cầu vận tải biển khu vực, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp. Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, kế thừa quy hoạch hiện hữu để phát triển phù hợp, ổn định các bến cảng, bến phao, điểm chuyển tải hàng hóa trên quan điểm không làm ảnh hưởng đến các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác; thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, nhằm giảm chi phí đầu tư, chi phí vận tải đường biển, góp phần giảm áp lực vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cầu bến phải gắn liền với đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ (kho hàng, bãi...) và đầu tư trang thiết bị bốc dỡ đồng bộ, hiện đại, phù hợp với cỡ tàu tiếp nhận, bảo đảm công suất thiết kế của cảng hướng tới cảng biển xanh và bền vững.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tập trung phát triển đồng bộ, hài hòa giữa các bến cảng tổng hợp, container và các bến cảng chuyên dùng tại các khu bến Nam và Bắc Nghi Sơn, đáp ứng kịp thời cho phát triển của Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp tập trung, ngành năng lượng, khai khoáng, lọc hóa dầu, kinh tế - xã hội liên vùng. Phấn đấu đến năm 2030 cảng biển Thanh Hóa trở thành cảng biển đặc biệt, là cảng cửa ngõ khu vực Bắc Trung bộ. Bảo đảm thông qua lượng hàng khoảng từ 57 đến 62,5 triệu tấn/năm vào năm 2025, trong đó riêng container dự kiến từ 0,5 đến 1 triệu tấn/năm (42.000 đến 85.000 TEU/năm); khoảng từ 71,5 đến 86 triệu tấn/năm vào năm 2030, trong đó riêng container dự kiến từ 1,5 đến 4 triệu tấn/năm (125.000 đến 333.000 TEU/năm).

Tầm nhìn đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng biển Thanh Hóa đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh; đồng thời, đáp ứng đầy đủ, hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, liên vùng và là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa phát huy vai trò là một cực tăng trưởng mới theo Nghị quyết số 58/NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Năng lực hệ thống cảng biển Thanh Hóa đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,6% đến 4,5%/năm (tổng lượng hàng hóa khoảng từ 140 triệu tấn đến 200 triệu tấn/năm).

Đối với khu bến Nam Nghi Sơn, chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiềm năng trở thành cảng cửa ngõ khu vực Bắc Trung bộ; có bến cảng tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng công vụ; phát triển có điều kiện, phù hợp với nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư, bảo đảm tính khả thi. Cỡ tàu tiếp nhận trọng tải đến 100.000 DWT hoặc lớn hơn phù hợp điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng và đáp ứng yêu cầu về an toàn hàng hải, kết hợp tiếp nhận tàu du lịch để đón khách du lịch đường biển khi có nhu cầu. Đáp ứng lượng hàng thông qua từ 32,75 triệu tấn đến 36,75 triệu tấn/năm vào năm 2025, khoảng từ 42,75 triệu tấn đến 53,75 triệu tấn/năm vào năm 2030. Quy hoạch chi tiết các bến cảng trong khu bến Nam Nghi Sơn, bao gồm bến cảng tổng hợp, rời; bến cảng tổng hợp, container; bến cảng chuyên dùng. Khu bến Bắc Nghi Sơn, phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp (lọc dầu, xi măng, điện, khu công nghiệp liền kề) và vùng phụ cận; có bến hàng lỏng/khí, hàng rời, tổng hợp, container, bến dịch vụ hậu cần - du lịch, bến cảng công vụ. Cỡ tàu tiếp nhận trọng tải đến 100.000 DWT hoặc lớn hơn phù hợp điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng và đáp ứng yêu cầu về an toàn hàng hải. Đáp ứng lượng hàng thông qua từ 12,45 triệu tấn đến 13,45 triệu tấn/năm vào năm 2025, khoảng từ 15,45 triệu tấn đến 17,95 triệu tấn/năm vào năm 2030. Quy hoạch chi tiết các bến cảng chuyên dùng Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, bến cảng chuyên dùng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bến cảng chuyên dùng Gas&LNG và các loại hình phụ trợ lọc hóa dầu Nghi Sơn, các bến cảng chuyên dùng khác; bến cảng hàng rời, tổng hợp, container, lỏng/khí (tại khu phía Bắc mở rộng). Khu bến đảo Hòn Mê, chức năng nhập dầu thô (SPM), khu neo chuyển tải hàng rời, hàng lỏng phục vụ trực tiếp cho liên hợp lọc hóa dầu và các khu neo chuyển tải hàng hóa xuất nhập khẩu cho tàu trọng tải lớn hỗ trợ khu bến Nam và khu bến Bắc Nghi Sơn. Cỡ tàu tiếp nhận tàu lỏng/khí trọng tải đến 400.000 DWT, tàu hàng rời trọng tải đến 200.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Đáp ứng lượng hàng thông qua khoảng 10 triệu tấn/năm. Quy hoạch bến nhập dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (SPM), khu neo chuyển tải hàng rời dịch vụ kỹ thuật Nghi Sơn, khu neo chuyển tải than Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, khu chuyển tải khác... Các bến cảng Lệ Môn, Quảng Châu, chức năng là bến vệ tinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, có bến tổng hợp, hàng lỏng. Tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng lỏng trọng tải đến 2.000 DWT hoặc lớn hơn phù hợp với tĩnh không công trình vượt sông. Năng lực thông qua dự kiến đạt khoảng 0,6 triệu tấn/năm vào năm 2025 và khoảng 1,5 triệu tấn vào năm 2030. Bến cảng Lạch Sung, phục vụ nhu cầu phát triển khu công nghiệp phía sau cảng; phát triển có điều kiện, có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu. Tiếp nhận tàu trọng tải đến 3.000 DWT hoặc lớn hơn đến 7.000 DWT khi có nhu cầu tùy thuộc vào khả năng nạo vét chỉnh trị luồng. Năng lực thông qua dự kiến đạt khoảng 4 triệu tấn/năm vào năm 2025 và khoảng 6 triệu tấn/năm vào năm 2030. Bến cảng Quảng Nham - Hải Châu phục vụ nhu cầu phát triển khu công nghiệp phía sau cảng; phát triển có điều kiện, có bến tổng hợp, hàng rời. Tiếp nhận tàu trọng tải đến 1.000 DWT hoặc lớn hơn đến 2.000 DWT khi có nhu cầu tùy thuộc vào khả năng nạo vét luồng. Năng lực thông qua dự kiến đạt khoảng 0,5 triệu tấn/năm vào năm 2030. Đối với khu neo đậu chuyển tải ngoài Hòn Mê cho tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 60.000 DWT, tàu hàng rời trọng tải đến 200.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; ngoài khơi tại cửa Hới (chuyển tải cho bến cảng Lệ Môn, Quảng Châu), cửa Lạch Sung (chuyển tải cho bến cảng Lạch Sung).

Luồng tàu và khu quay trở khu bến Nam Nghi Sơn, giai đoạn đến năm 2025, quy hoạch tuyến luồng tàu hàng hải công cộng, luồng tàu hàng hải chuyên dùng vào khu bến Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, khu quay trở dùng chung. Giai đoạn đến năm 2030, quy hoạch luồng tàu hàng hải công cộng, luồng tàu hàng hải chuyên dùng; khu quay trở trước bến số 1 khu bến cảng tổng hợp, container số 2, khu quay trở cho bến cảng khí LNG. Khu bến Bắc Nghi Sơn, quy hoạch luồng tàu hàng hải công cộng Bắc Nghi Sơn, luồng chuyên dùng Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, tuyến luồng chuyên dùng khu vực Bắc Nghi Sơn mở rộng. Tuyến luồng tàu hàng hải công cộng Lệ Môn, tuyến luồng Lạch Sung, tuyến luồng Quảng Nham - Hải Châu cũng đã được đưa vào thực hiện quy hoạch chi tiết.

Quy hoạch các khu chức năng khác gồm vùng đón trả hoa tiêu và kiểm dịch, các khu neo đậu tránh trú bão tại khu vực Lệ Môn trên sông Mã và khu vực phía Tây đảo Hòn Mê, bến cập tàu công vụ phục vụ hoạt động quản lý cảng, khu logistics và bãi hàng sau cảng, khu tập kết vật chất nạo vét. Quy hoạch cũng đã đưa ra định hướng hạ tầng giao thông bên ngoài cảng theo quy hoạch chung của Khu Kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 7-12-2018 và Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nguồn vốn đầu tư hệ thống cảng biển Thanh Hóa được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.

Xuân Hùng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]