(Baothanhhoa.vn) - Với tổng diện tích gieo cấy lúa hàng năm của 11 huyện miền núi chỉ khoảng 54.400 ha, do vậy, mục tiêu mà tỉnh ta đặt ra cho khu vực là tập trung nâng cao năng suất trên từng đơn vị diện tích; đầu tư xây dựng để dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng hướng đến sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn. Xác định rõ mục tiêu của tỉnh, các địa phương khu vực miền núi đã xây dựng kế hoạch vùng thâm canh lúa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao ở khu vực miền núi

Với tổng diện tích gieo cấy lúa hàng năm của 11 huyện miền núi chỉ khoảng 54.400 ha, do vậy, mục tiêu mà tỉnh ta đặt ra cho khu vực là tập trung nâng cao năng suất trên từng đơn vị diện tích; đầu tư xây dựng để dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng hướng đến sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn. Xác định rõ mục tiêu của tỉnh, các địa phương khu vực miền núi đã xây dựng kế hoạch vùng thâm canh lúa.

Thu hoạch lúa thâm canh xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy).

Theo đó, các xã đã tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất, như: Đưa các giống lúa mới vào gieo cấy, cày sâu, bón vôi; trong quá trình chăm sóc sử dụng các loại phân viên nén, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho diện tích sản xuất lúa. Đáng chú ý, để xây dựng được vùng thâm canh lúa ở khu vực miền núi có quy mô lớn, tập trung; tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Cụ thể, như: Hỗ trợ 200 triệu đồng/km kiên cố hóa kênh mương nội đồng có năng lực tưới từ 20 ha trở lên, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật; hỗ trợ kiên cố hóa giao thông nội đồng 0,02 km/1 ha, mức hỗ trợ 200 triệu đồng/1 km; hỗ trợ 30% giá trị mua máy cấy được ghi trên hóa đơn theo quy định, có công suất 0,2 ha/giờ trở lên, nhưng không vượt quá 120 triệu đồng/máy đối với diện tích vùng thâm canh lúa có quy mô sản xuất từ 25 ha trở lên; hỗ trợ 20% giá trị mua máy thu hoạch lúa được ghi trên hóa đơn theo quy định, có công suất 0,3 ha/giờ trở lên, nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/máy đối với vùng thâm canh lúa có quy mô sản xuất từ 40 ha trở lên. Kết quả, hơn 2 năm (từ 2016 đến hết vụ xuân 2018), khu vực miền núi đã phát triển được 4.084 ha vùng thâm canh lúa. Trong đó, các địa phương miền núi đã kiên cố hóa được 65,93 km kênh mương nội đồng, 63,81 km đường giao thông nội đồng; mua 18 máy cấy, máy thu hoạch lúa. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do được đầu tư xây dựng, cộng thêm việc được áp dụng các biện pháp thâm canh, nên năng suất tại các vùng thâm canh lúa trung bình cao hơn khoảng 20% so với những diện tích lúa được sản xuất theo phương thức truyền thống.

Việc xây dựng vùng thâm canh lúa ở các xã miền núi không những nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho các hộ dân, mà còn góp phần thay đổi được bộ giống sản xuất theo hướng tích cực, cơ sở hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp được đầu tư xây dựng... đồng thời, góp phần nâng cao trình độ thâm canh lúa cho các hộ dân tại các xã miền núi. Tuy nhiên, việc xây dựng vùng thâm canh lúa khu vực miền núi vẫn còn nhiều hạn chế. Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Hiệu quả từ việc xây dựng vùng thâm canh lúa ở khu vực miền núi là không thể phủ nhận, tuy nhiên, hầu hết vùng thâm canh lúa vẫn có quy mô nhỏ, manh mún, số xã có vùng thâm canh lúa đạt quy mô từ 50 ha trở lên vẫn còn khá khiêm tốn. Hơn nữa, trình độ canh tác, nhất là trong thực hiện các biện pháp thâm canh của đồng bào dân tộc còn hạn chế, nên hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, do nguồn vốn của các địa phương hạn hẹp, nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng thâm canh lúa còn hạn chế, chưa được đồng bộ.

Để tiếp tục phát triển vùng thâm canh lúa, các địa phương miền núi đang tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, vận động đồng bào các dân tộc đóng góp nhân lực, vật lực trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Hướng dẫn, đôn đốc các hộ dân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thâm canh, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Cùng với đó, chính quyền các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để phát triển vùng thâm canh lúa có quy mô lớn.

Thay đổi tập quán canh tác từ xây dựng vùng thâm canh lúa

Xây dựng vùng thâm canh lúa được các địa phương miền núi thực hiện từ năm 2012. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cuối năm 2015, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi. Bên cạnh đó, nhiều huyện cũng đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích riêng và đề ra mục tiêu, định hướng phát triển cho vùng lúa thâm canh. Điều này đã tạo nên động lực lớn cho các xã khu vực miền núi xây dựng vùng thâm canh lúa theo hướng tập trung, quy mô lớn. Có thể nói, nhờ có các chính sách khuyến khích, định hướng cụ thể và thực hiện đồng bộ các giải pháp, nên nhiều xã miền núi đã xây dựng thành công vùng thâm canh lúa tập trung, quy mô lớn, điển hình như: Các xã Đồng Lương, Giao An (Lang Chánh), xây dựng được vùng thâm canh lúa có quy mô 50 ha, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha; xã Lũng Niêm (Bá Thước), Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc), Xuân Quỳ (Như Xuân)...

Việc xây dựng, phát triển vùng thâm canh lúa không những góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cho diện tích sản xuất lúa, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mà quan trọng hơn là đã và đang góp phần thay đổi tập quán canh tác, dần nâng cao trình độ canh tác cho người dân các dân tộc, thông qua việc đưa các loại giống mới vào gieo cấy, sử dụng các loại phân hữu cơ, vi sinh, phân viên nén và áp dụng cơ giới hóa vào quá trình sản xuất.

Lương Văn Tưởng

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Nâng cao hiệu quả sản xuất cho vùng thâm canh lúa

Từ năm 2012, với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nền tảng cho sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn, huyện Như Xuân đã định hướng xây dựng các vùng sản xuất lúa tập trung có diện tích từ 5 đến 10 ha, từ đó làm cơ sở để xây dựng vùng thâm canh lúa có quy mô lớn. Tại các vùng thâm canh lúa, do được gieo cấy bằng các giống lúa lai năng suất cao, sử dụng phân viên nén dúi sâu và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên hiệu quả trong quá trình sản xuất đã và đang được khẳng định, như: Giảm chi phí trong quá trình chăm sóc, diện tích trồng lúa được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, cân đối trong suốt quá trình sinh trưởng, giảm tình trạng sâu bệnh. Từ đó, năng suất lúa cao hơn khoảng 25 đến 30% so với diện tích sản xuất theo phương thức truyền thống.

Việc phát triển vùng thâm canh lúa đã và đang khẳng định được hiệu quả kinh tế, cũng như nâng cao trình độ canh tác cho nhân dân khu vực miền núi. Vì vậy, huyện Như Xuân đang tiếp tục tập trung mở rộng quy mô các vùng thâm canh lúa tập trung quy mô lớn.

Phạm Văn Tuấn

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân

Nỗ lực mở rộng vùng thâm canh lúa

Xác định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cho diện tích sản xuất lúa là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển nông nghiệp, vì vậy, những năm qua huyện Như Thanh đã đặt ra mục tiêu xây dựng, mở rộng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng. Theo đó, huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện các mô hình trình diễn, khảo nghiệm các giống lúa mới, trên cơ sở đó lựa chọn những giống lúa phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác của người dân địa phương để đưa vào gieo cấy. Đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào quá trình sản xuất lúa. Ngoài ra, huyện còn lồng ghép các chương trình hỗ trợ để bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng thâm canh lúa. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng thâm canh lúa, huyện đang tích cực chủ động kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa cho bà con nông dân.

Hiện tại, vùng thâm canh lúa của toàn huyện đã được mở rộng lên 4.616 ha, chiếm hơn 70% diện tích lúa gieo trồng cả năm, năng suất bình quân đạt 56,47 tạ/ha.

Vũ Hữu Tuấn

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Như Thanh

Hướng dẫn, hỗ trợ người dân các biện pháp thâm canh lúa

Để xây dựng vùng thâm canh lúa, xã Giao Thiện (Lang Chánh) đã vận động bà con nông dân dồn điền, đổi thửa để hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn của xã, huyện, phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ bà con nông dân thực hiện các biện pháp thâm canh và đưa các giống lúa mới vào sản xuất. Qua đó, nhiều hộ dân có điều kiện tiếp cận với các biện pháp thâm canh mới trong quá trình sản xuất lúa. Qua nhiều vụ sản xuất cho thấy, vùng thâm canh lúa có năng suất, chất lượng cao hơn hẳn so với diện tích được trồng theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng của vùng thâm canh lúa chưa đạt được như kỳ vọng. Vì vậy, xã đề nghị huyện Lang Chánh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp thâm canh trong sản xuất lúa, thông qua việc xây dựng các mô hình sản xuất, hội thảo đầu bờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Vi Thanh Hùng

Bí thư Chi bộ bản Húng, xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh


Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]