(Baothanhhoa.vn) - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề. Chạy đua với thời gian, nông dân ở các vùng trồng cây ăn quả lớn của tỉnh đang hối hả thu hoạch bưởi, cam, quýt, thanh long... phục vụ thị trường tết. Mặc dù chịu tác động lớn của dịch COVID-19, nhưng giá bán các sản phẩm cây ăn quả vẫn ổn định, bảo đảm nguồn thu nhập của bà con.

Vùng cây ăn quả vào vụ tết

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề. Chạy đua với thời gian, nông dân ở các vùng trồng cây ăn quả lớn của tỉnh đang hối hả thu hoạch bưởi, cam, quýt, thanh long... phục vụ thị trường tết. Mặc dù chịu tác động lớn của dịch COVID-19, nhưng giá bán các sản phẩm cây ăn quả vẫn ổn định, bảo đảm nguồn thu nhập của bà con.

Vùng cây ăn quả vào vụ tếtChị Trịnh Thị Tuyết, ở thôn 6, xã Xuân Trường (Thọ Xuân) thu hoạch bưởi xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Theo tuyến đường Hồ Chí Minh, chúng tôi về các xã phía Nam của huyện Như Xuân, đi đến đâu cũng bắt gặp màu vàng ươm của cam trải dài tít tắp. Tính ra, cây cam, cây bưởi bén rễ ở vùng đất đồi Như Xuân được gần 10 năm nay. Đúng là “tấc đất tấc vàng”, nhiều vùng đất đồi hoang hóa trước đây ở các xã Bãi Trành, Xuân Hòa, Xuân Bình..., nay đã được người dân địa phương “đánh thức” với việc trồng các loại cây ăn quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Xã Xuân Hòa có tổng diện tích tự nhiên 11.676 ha; trong đó xã quản lý hơn 5.000 ha, chủ yếu là đất đồi. Thực hiện chủ trương của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2015, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã đã vận động người dân chuyển diện tích mía, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hiện toàn xã Xuân Hòa có 177 ha cây ăn quả, với các loại cây như cam, bưởi, ổi.

Vườn cây ăn quả của HTX nông nghiệp Thành Công ở thôn 8, có diện tích hơn 27 ha. Đây là mô hình trồng cam V2, cam Xã Đoài đầu tiên trên đất đồi Xuân Hòa. Với diện tích lớn, sản lượng cam của HTX đạt khoảng 200 tấn/năm. Vượt qua “cơn bão” dịch COVID-19, sản lượng cam tiêu thụ của HTX vẫn giữ mức ổn định. Phấn khởi, lạc quan, anh Nguyễn Văn Trương, phó giám đốc HTX nông nghiệp Thành Công, chia sẻ: “Với việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cam Xã Đoài Như Xuân và công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa chất lượng 3 sao, nên các loại cam của HTX nông nghiệp Thành Công đã được thị trường các tỉnh, thành phía Nam đón nhận. Trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chất lượng sản phẩm đã được các cơ quan chuyên môn chứng nhận, nên việc lưu thông, tiêu thụ trên thị trường khá ổn định. Tính đến hết tháng 12-2021, khi còn gần 2 tháng mới hết mùa thu hoạch cam, song HTX nông nghiệp Thành Công đã tiêu thụ được khoảng 60% sản lượng, tương đương với 120 tấn. Còn lại khoảng 40% diện tích, tương đương khoảng 80 tấn cam sẽ đưa ra thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng giá thành cam năm 2021 vẫn cao hơn từ 15 - 20% so với năm 2020, nên tổng doanh thu của HTX nông nghiệp Thành Công ước đạt khoảng 12 - 14 tỷ đồng. Ngoài việc tiêu thụ sản phẩm tự sản xuất, HTX nông nghiệp Thành Công còn phát huy vai trò “bà đỡ” cho người dân trồng cây ăn quả trong vùng. Năm 2021, HTX nông nghiệp Thành Công đã kết nối và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam, bưởi và một số loại cây ăn quả khác cho người dân trong vùng, với diện tích khoảng 20 ha.

Để khai thác hết tiềm năng các vùng đồi và phát triển bền vững cả về diện tích và chất lượng cây ăn quả trên địa bàn, giai đoạn 2016-2020, huyện Như Xuân thực hiện quy hoạch diện tích trồng mới, gắn với kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư để xây dựng mô hình liên kết với người nông dân địa phương sản xuất cây ăn quả. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích người nông dân đầu tư phát triển cây ăn quả theo hướng thâm canh, đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế. Hiện nay, huyện Như Xuân có hàng trăm hộ dân trồng cây ăn quả, với diện tích hơn 1.196 ha. Trong đó, có 211,9 ha cam và 92,85 ha bưởi được trồng tập trung trên địa bàn các xã dọc tuyến đường Hồ Chí Minh.

Giống với Như Xuân, cây ăn quả phát triển trên các vùng đất của huyện Thọ Xuân cũng gắn với câu chuyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả, chị Trịnh Thị Tuyết - một nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm ở thôn 6, xã Xuân Trường, cho biết: “10 năm trước, toàn bộ 6 ha vườn cây ăn quả của gia đình tôi là một vùng trũng thấp. Sau khi bỏ vốn đầu tư cải tạo đất, gia đình tôi đưa cây cam Đường Canh vào trồng. Do đặc điểm đồng đất trũng khiến tuổi thọ cây cam ngắn, năng suất thấp nên gia đình tôi quyết định bỏ cam chuyển sang trồng bưởi. Bắt đầu từ tháng 10 hàng năm, gia đình tôi vào vụ thu hoạch bưởi và kéo dài cho đến tết. Với 5 ha bưởi, mỗi năm gia đình thu hoạch khoảng 60 tấn, sau khi trừ chi phí cho thu nhập gần 800 triệu đồng”. Ngoài ra, vào dịp tết, gia đình chị Tuyết còn cung cấp cho thị trường khoảng 1.000 quả bưởi Luận Văn, với giá thành gần 100.000 đồng/quả.

Cùng với xã Xuân Trường, những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, không khí thu hoạch và mua bán các sản phẩm cây ăn quả tại các xã Bắc Lương, Thọ Xương, Xuân Thành, Quảng Phú diễn ra nhộn nhịp. Qua đó, giúp cho người nông dân có thu nhập để vui xuân, đón tết sau một năm lao động vất vả.

Với định hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, huyện Thọ Xuân đã đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và theo chuỗi giá trị. Trong đó, nổi bật là việc chuyển đổi diện tích đất đồi, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả. Hiện nay, toàn huyện có hơn 1.433 ha trồng cây ăn quả, tập trung tại các xã: Xuân Thành, Xuân Trường, Bắc Lương, Thọ Xương, Thọ Nguyên, Xuân Khánh và Quảng Phú; với các loại cây chủ yếu, như: cam V2, cam Xã Đoài, bưởi Diễn...; thu nhập bình quân từ 500 - 600 triệu đồng/ha.

Năm 2021, “cơn bão” dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và những người nông dân tỉnh Thanh cũng nằm trong vòng xoáy đó. Dẫu vậy, bằng hướng đi phù hợp, bám đồng đất, ruộng vườn nên dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, những “lão nông” trồng cây ăn quả trong tỉnh, nhất là các huyện có diện tích lớn như: Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung... vẫn thu được “quả ngọt”.

Bài và ảnh: Trần Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]