(Baothanhhoa.vn) - Dù là lần thứ 3 đến với Công ty CP Môi trường Nghi Sơn, đóng tại vùng núi xã Trường Lâm (thị xã Nghi Sơn), tôi vẫn có cảm giác “là lạ”. “Lạ” là bởi nó rất khác biệt với nhiều bãi rác, khu xử lý rác thải khác, thường có ruồi nhặng bay rào rào, mùi hôi nồng nặc lan rộng hàng cây số. Cũng như các lần trước đi cùng đoàn công tác của tỉnh hoặc các ngành chức năng đến kiểm tra, nhiều người đều băn khoăn, sao khu xử lý rác thải lại gần như không có mùi sú uế, không khí vẫn khá trong lành.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì môi trường Khu Kinh tế Nghi Sơn sạch đẹp

Vì môi trường Khu Kinh tế Nghi Sơn sạch đẹp

Công ty CP Môi trường Nghi Sơn sản xuất thành công gạch xây dựng từ nguyên liệu là rác thải rắn.

Dù là lần thứ 3 đến với Công ty CP Môi trường Nghi Sơn, đóng tại vùng núi xã Trường Lâm (thị xã Nghi Sơn), tôi vẫn có cảm giác “là lạ”. “Lạ” là bởi nó rất khác biệt với nhiều bãi rác, khu xử lý rác thải khác, thường có ruồi nhặng bay rào rào, mùi hôi nồng nặc lan rộng hàng cây số. Cũng như các lần trước đi cùng đoàn công tác của tỉnh hoặc các ngành chức năng đến kiểm tra, nhiều người đều băn khoăn, sao khu xử lý rác thải lại gần như không có mùi sú uế, không khí vẫn khá trong lành.

Xung quanh khu xử lý rác được cho là hiện đại bậc nhất tại miền Bắc này là 4 bề núi dựng với rừng cây bạch đàn bao phủ. Khu nhà máy nằm trọn trong một thung lũng rộng tới hơn 80 ha. Tòa nhà trụ sở điều hành nằm trên một khu đất cao, ngay trong lòng khu xử lý rác nhưng sạch sẽ, hằng ngày các chuyên gia nước ngoài cùng ban lãnh đạo ở và làm việc. Phóng tầm mắt ra phía xa, hệ thống cây xanh trong khuôn viên nhà máy được quy hoạch gọn gàng, phủ màu xanh rộng khắp. Không hề ngoa ngôn khi nói rằng, nhìn từ xa, khu xử lý rác của Khu Kinh tế Nghi Sơn và các xã trong vùng không khác một khu... sinh thái là mấy.

Dẫn chúng tôi tham quan nhà máy, ông Nguyễn Văn Long, Tổng Giám đốc điều hành công ty, chia sẻ: Từ năm 2009, doanh nhân Phí Văn Dũng từ TP Hồ Chí Minh đã đầu tư về Thanh Hóa theo lời kêu gọi của tỉnh. Đến những năm 2014, 2015, các dây chuyền xử lý rác thải lần lượt bắt đầu hoạt động. Nhà máy được đầu tư bằng 2 giai đoạn, hiện tại giai đoạn 1 được quy hoạch xử lý 500 tấn rác thải/ngày đêm. Các dây chuyền xử lý rác thải được du nhập công nghệ từ những nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức... Riêng các dây chuyền của giai đoạn 1, công ty đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng.

Do đặc thù xử lý rác thải cho một khu kinh tế lớn nên nhà máy đã đầu tư nhiều dây chuyền khác nhau để có thể xử lý được các loại rác thải theo yêu cầu thực tế. Công ty có hệ thống tái chế dầu nhớt thải, hệ thống tái chế dung môi, hệ thống xử lý bóng đèn chứa thủy ngân độc hại, hệ thống sơ chế ắc quy chì thải, hệ thống xử lý kim loại chứa các thành phần nguy hại... Đặc biệt, Công ty CP Môi trường Nghi Sơn là một trong số ít doanh nghiệp tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại với công suất 1 tấn/giờ. Với hàng chục dây chuyền, khu xử lý chất thải hiện đại khác nhau, công ty đang xử lý toàn bộ rác thải công nghiệp, rác thải độc hại và rác thải sinh hoạt trên địa bàn Khu Kinh tế Nghi Sơn, kể cả xử lý chất thải cho các nhà máy lớn, như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Luyện cán thép Nghi Sơn... Tất cả các đầu ống khói trong khu nhà máy đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn thiết bị quan trắc online, được theo dõi kiểm soát trên hệ thống máy tính đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cũng như Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt với quy mô nhà xưởng lớn nhất, sau khi các xe chuyên dụng đưa rác về nhà chứa lớn có mái che, rác được tự động đưa vào các băng chuyền để đưa lên đốt trong những cỗ máy khổng lồ nhưng khép kín. Hệ thống này được vận hành tự động, được điều khiển ở một phòng điều hành từ xa bằng hệ thống máy móc hiện đại. Không những đốt triệt để rác, toàn bộ nước rỉ rác cũng được thu gom, chảy vào hệ thống xử lý để tái sử dụng, không để ngấm vào lòng đất như nhiều khu xử lý rác hiện nay. Hiện công ty đang tiến hành thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho 19 xã, phường của thị xã Nghi Sơn. Trung bình mỗi ngày, công ty xử lý 80 tấn rác thải sinh hoạt và hơn 200 tấn chất thải công nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Long, do công ty đi trước một bước trong đầu tư quy mô nhà máy và toàn bộ rác thu gom xử lý mới đạt 1/2 tổng công suất.

Sự khác biệt cần được nhắc đến là, Công ty CP Môi trường Nghi Sơn đang rất thành công trong tận dụng các phế phẩm rác thải để tái chế, sản xuất ra những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế. Đây chính là giải pháp xử lý triệt để rác thải nhằm giảm áp lực lên môi trường. Khoảng 2 năm qua, công ty đã đầu tư xây dựng, đưa vào sản xuất gạch Bloc với nguyên liệu đầu vào là những chất thải rắn không độc hại nhưng không thể đốt cháy. Những hồ vữa, sành gạch, thủy tinh lẫn trong rác thải được máy móc phân loại tự động, tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện, các chất xúc tác thải công nghiệp được khử độc hại để nghiền, trộn phụ gia và xi măng, sản xuất gạch. Hiện mỗi năm, có khoảng 2 triệu viên gạch được sản xuất và đã được Cục Kiểm định Chất lượng của Bộ Xây dựng cấp phép bảo đảm chất lượng xây dựng. Khâu sản xuất gạch này chính là quy trình xử lý tận cùng của rác thải, biến chất thải thành thứ có lợi.

Tính đến những ngày đầu của năm 2021, một số dây chuyền hiện đại của giai đoạn 2 nhà máy đang được triển khai đầu tư xây dựng. Dự kiến tổng vốn đầu tư của giai đoạn này là hơn 1.000 tỷ đồng, nâng công suất xử lý chất thải của nhà máy lên 1.000 tấn/ngày đêm. Trong đó, nhà máy tái chế nhựa đang mang theo nhiều kỳ vọng bởi rác thải nhựa đã trở thành vấn đề nhức nhối toàn cầu. Nếu thành công và đi vào hoạt động, công ty còn phải nhập thêm nhựa phế liệu ở những nơi khác về để làm nguyên liệu đầu vào. Ở giai đoạn này, công ty đã có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy xử lý rác thải theo hình thức hóa hơi du nhập công nghệ mới nhất từ Hoa Kỳ. Theo đó, tất cả rác thải sinh hoạt cho vào lò hóa hơi chứ không đốt, sản phẩm thu được là nhiên liệu khí ga và chất thải rắn còn lại dùng cho sản xuất vật liệu xây dựng. Dây chuyền xử lý rác thải hiện đại này dự kiến vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD và được coi là công nghệ xử lý rác mới nhất, hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Công ty cũng đang triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón từ tận dụng bã rác thải sau sản xuất khí ga. Cùng với đó, dây chuyền xử lý pin mặt trời thải loại – vấn đề bức xúc trong khoảng 5 năm tới tại Việt Nam cũng đã được công ty lên kế hoạch đầu tư xây dựng.

Hiện Công ty CP Môi trường Nghi Sơn đang giải quyết việc làm cho 250 lao động, với thu nhập bình quân hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Đa phần lao động là người địa phương được ưu tiên tạo việc làm, ngoài ra luôn có từ 30 đến 40 kỹ sư và chuyên gia đến từ Ấn Độ, Hoa Kỳ và một số nước để hỗ trợ điều hành các dây chuyền nhà máy xử lý chất thải hiện đại.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]