(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, hình thức cho vay tiền qua các App ngày càng nở rộ với những lời quảng cáo hấp dẫn. Cách thức, thủ tục cho vay nhanh gọn, chỉ thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, người vay cũng không cần có tài sản bảo đảm và cùng lúc vay ở nhiều App khác nhau.

Vay tiền qua App và những hệ lụy

Những năm gần đây, hình thức cho vay tiền qua các App ngày càng nở rộ với những lời quảng cáo hấp dẫn. Cách thức, thủ tục cho vay nhanh gọn, chỉ thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, người vay cũng không cần có tài sản bảo đảm và cùng lúc vay ở nhiều App khác nhau.

Vay tiền qua App và những hệ lụyNhiều hội “bùng” tiền vay App được thành lập công khai.

Tuy nhiên, bên cạnh việc “giải quyết” nhanh vấn đề tài chính cho người vay, với “giá cả phải chăng”, những App cho vay tiền cũng đi kèm nhiều hệ lụy khác, như việc không trả nợ đúng hạn, người vay sẽ bị đòi nợ theo kiểu “khủng bố” không chỉ bản thân mà chính người thân của người vay cũng phải chịu liên lụy. Đầu năm 2021, anh N.T.L., công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa, có vay số tiền 6 triệu đồng qua App KAMO- vay tiền mặt với thủ tục đơn giản, chỉ cần gửi ảnh, căn cước công dân và cho phép App truy cập vào danh bạ điện thoại. Chỉ sau một thời gian ngắn, tiền đã được chuyển vào tài khoản của anh L., nhưng anh chỉ nhận được 4,02 triệu đồng, do App thu lãi, gốc, phí dịch vụ. Bên cạnh đó, App cũng yêu cầu phải trả đủ số tiền vay đúng thời hạn, nếu chậm nộp sẽ phải chịu phí phạt. Với số tiền 6 triệu đồng vay ban đầu, đến kỳ trả nợ, anh L. chưa có tiền trả, ngay lập tức App đang được anh L. vay đã được giới thiệu địa chỉ rất nhiều trang App khác nhằm tạo điều kiện để... vay tiền trả nợ. Anh L. chia sẻ: Anh vay khoảng 20 App, nhưng thực chất là mình vay App này khi đến hẹn là được “giới thiệu” thêm một App khác, rồi vay App đó để trả ngược lại, nhưng số tiền vay sau sẽ không đủ để trả cho App trước nên anh phải vay 2 App mới đủ trả và đến nay, anh đã vay gần 20 App. Nếu tính tiền được nhận là khoảng 55 triệu đồng, còn tiền trả cho các App từ 110 - 120 triệu đồng.

Đến hạn, không có tiền trả nợ, không chịu vay App khác để quay vòng, mỗi ngày, số điện thoại của người vay nhận cả trăm cuộc gọi từ nhóm đòi nợ, với những lời lẽ thô tục, có những cuộc gọi vào 1 - 2 giờ sáng. Thậm chí, người thân, bạn bè có trong danh bạ điện thoại cũng bị “khủng bố” về khoản vay này. Rõ ràng việc vay và cho vay tiền qua app rất thuận lợi, người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản. Tuy nhiên, nhiều App cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

Bức xúc trước các chiêu trò siết nợ, tính lãi “trên trời” của những nhóm người cho vay qua App, thời gian gần đây, lợi dụng kẽ hở của App cho vay trả góp tín chấp, một số người vay đã tìm cách không trả nợ khi không còn khả năng hoặc để trục lợi. Thậm chí, trên mạng xã hội còn có các nhóm kín để một số cá nhân chỉ nhau cách “bùng” tiền vay, như: “Hội bùng App vay tiền online - hỗ trợ bùng App”, “Hội vay tiền App web bị khủng bố - giúp đỡ anh em đối phó”, “Hội bùng App vay tiền online và chia sẻ cách đối phó”... đối với những người đang gặp khó khăn khi vướng nợ từ các App vay tiền. Là một trong những người chuyên vay tiền qua App rồi... “bùng”, chị N.T.N. ở TP Thanh Hóa, cho biết: Các khoản vay của App có thể dao động từ 500 nghìn đồng cho đến vài chục triệu đồng, hoặc lớn hơn nữa tùy vào mức độ uy tín. Khoản vay lần đầu được trả nợ đầy đủ, đúng hạn, lập tức mức vay sẽ được nâng lên ở lần tiếp theo. Bởi vậy, dân “bùng” App chuyên nghiệp thường “nuôi” App để khoản vay lớn một chút rồi “bùng” mới “ra tấm, ra món”. Cũng theo chị N., chính từ việc thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp hay không cần trực tiếp xác minh thông tin người vay đã tạo điều kiện cho người vay có thể “bùng” tiền một cách dễ dàng thông qua việc sử dụng thông tin cá nhân giả mạo. “Điều quan trọng nhất là tất cả thông tin được sử dụng đều phải làm giả. Từ số điện thoại sử dụng sim rác đến các tài khoản mạng xã hội facebook, zalo cũng là ảo. Thậm chí, nhiều ứng dụng yêu cầu thông tin cá nhân, gia đình, người thân, địa chỉ mới giải ngân. Đối phó với trường hợp này, người vay cũng sẽ cung cấp địa chỉ giả làm tăng độ tin cậy. Người thân thì chỉ cần tìm vài người liên kết với nhau để đóng vai người thân khi nhân viên bên App cho vay gọi kiểm tra chéo thông tin được cung cấp. Với chiêu trò đó, không ít người sau 3 - 4 lần nuôi App (kéo dài khoảng 2 tháng), đã “bùng” được số tiền khá lớn. Ngoài ra, nắm được điểm yếu về sự không chính thống của những ứng dụng vay tiền online, người vay tin rằng, sự việc này không thể đưa ra pháp luật để giải quyết.

Việc vay tiền qua App có ưu điểm là thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản cảnh báo cả bên vay và bên cho vay về những rủi ro khi vay và cho vay qua App. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo người vay cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ... trước khi quyết định vay tiền qua App. Bên cạnh đó, người vay chỉ phải trả lại vào tài khoản cho vay với lãi suất không vượt quá 20% lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn xuất hiện nhiều App cho vay tiền với lãi suất cắt cổ và người vay thì chỉ cho nhau cách lừa đảo chiếm đoạt số tiền này. Cả 2 hiện tượng cho vay lãi nặng và “bùng” tiền vay đều đáng lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Minh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]