(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Như Thanh đã tận dụng quỹ đất để xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn xanh, phục vụ chăn nuôi đại gia súc và cung cấp cho các trang trại bò sữa trên địa bàn.

Trồng cây thức ăn chăn nuôi ở huyện Như Thanh

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Như Thanh đã tận dụng quỹ đất để xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn xanh, phục vụ chăn nuôi đại gia súc và cung cấp cho các trang trại bò sữa trên địa bàn.

Trồng cây thức ăn chăn nuôi ở huyện Như ThanhDiện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi giúp người dân trên địa bàn huyện Như Thanh chủ động được nguồn thức ăn cho gia súc.

Để giải quyết vấn đề về nguồn thức ăn xanh, phục vụ cho mục đích nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn gia súc trên địa bàn; đồng thời, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các trang trại bò sữa, xã Phú Nhuận đã vận động người dân chuyển đổi đất trồng các loại cây kém hiệu quả kinh tế, đất vườn tạp sang trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi là ngô dày và cỏ voi. Bên cạnh đó, xã còn hướng dẫn cho người dân cách chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, nhằm giảm thiểu tình trạng thoái hóa nguồn đất, nguồn nước, bảo đảm hiệu quả lâu dài. Anh Lê Đắc Duẩn, thôn Phú Phượng 1, cho biết: Để chủ động nguồn thức ăn xanh cho đàn bò, gia đình tôi đã cải tạo hơn 2 ha đất bỏ hoang để trồng cỏ voi. Việc trồng cây thức ăn chăn nuôi không những giúp gia đình tôi chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, tiết kiệm chi phí trong quá trình nuôi mà còn giúp nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. Được biết, hiện nay, xã Phú Nhuận có 45 ha cây thức ăn chăn nuôi như cỏ voi, cỏ VA06, Mulato, ngô dày,... với 70 hộ sản xuất cây thức ăn chăn nuôi. Ngoài việc chủ động được nguồn thức ăn xanh cho trâu, bò trong mùa đông, các hộ còn liên kết trồng cây thức ăn cung cấp cho các trang trại bò sữa; mỗi năm trồng 3 vụ, trừ chi phí, người dân thu lãi khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Như Thanh đã quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn xanh tại một số xã, như: Phú Nhuận, Hải Long, Mậu Lâm, Yên Thọ, thị trấn Bên Sung, với tổng diện tích hơn 1.061 ha. Trong đó, diện tích trồng cỏ voi 633 ha, ngô dày 428 ha; năng suất bình quân gần 300 tấn/ha/năm, doanh thu đạt 180 - 200 triệu đồng/ha/năm. Tổng số hộ dự trữ thức ăn hơn 6.260 hộ, đạt trên 95% tổng số hộ chăn nuôi. Hiệu quả từ thực tế cho thấy, việc mở rộng diện tích trồng cây làm thức ăn chăn nuôi là một chủ trương đúng của huyện, bởi không chỉ đơn thuần là chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà còn là lời giải cho bài toán nâng cao hiệu quả kinh tế cho chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc. Đây là những loại cây không chỉ có giá trị dinh dưỡng đối với gia súc mà còn đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác đang được canh tác trên một đơn vị diện tích; nhất là đối với diện tích cây thức ăn chăn nuôi đang được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với một số trang trại bò sữa.

Thời gian tới, để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi và cung cấp cho các trang trại bò sữa, huyện Như Thanh sẽ khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp, hình thành vùng sản xuất cây thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư thâm canh, tiếp tục tập trung nghiên cứu, phát triển các giống cây thức ăn chăn nuôi mới theo hướng năng suất, chất lượng, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của địa phương; nhất là các giống cỏ có khả năng chịu hạn, chịu rét, chịu sương muối tốt. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các hợp đồng liên kết cung cấp cây trồng thức ăn chăn nuôi cho các trang trại bò sữa tại địa phương và một số huyện lân cận để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]