(Baothanhhoa.vn) - Nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả canh tác lúa theo hướng bền vững, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bá Thước đã có Kết luận số 190-KL/HU về việc ứng dụng, nhân rộng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) kết hợp với bón phân viên nén dúi sâu trên diện tích trồng lúa nước của huyện. Đến nay, mô hình đã được bà con thực hiện trên gần 90% diện tích canh tác lúa của toàn huyện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tín hiệu vui từ mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI tại huyện Bá Thước

Tín hiệu vui từ mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI tại huyện Bá Thước

Gần 90% diện tích lúa của huyện Bá Thước áp dụng thâm canh lúa cải tiến (SRI) kết hợp với bón phân viên nén dúi sâu.

Nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả canh tác lúa theo hướng bền vững, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bá Thước đã có Kết luận số 190-KL/HU về việc ứng dụng, nhân rộng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) kết hợp với bón phân viên nén dúi sâu trên diện tích trồng lúa nước của huyện. Đến nay, mô hình đã được bà con thực hiện trên gần 90% diện tích canh tác lúa của toàn huyện.

Là một trong những thôn đầu tiên của huyện Bá Thước được lựa chọn thực hiện điểm mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI) kết hợp với bón phân viên nén dúi sâu, 30 hộ dân của thôn Tôm, xã Ban Công đã được Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa cung ứng giống lúa siêu cao sản ZZD001, phân bón, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cấy mạ non, cấy thưa, cấy 1-2 dảnh, điều tiết nước hợp lý, làm cỏ sục bùn và tăng cường sử dụng phân hữu cơ trên diện tích 4 ha. Sau hơn 3 tháng canh tác theo quy trình mới, chất lượng lúa và hiệu quả kinh tế mô hình mang lại vượt trội so với các giống lúa truyền thống tại địa phương. Theo bà con nông dân ở thôn Tôm, thâm canh lúa cải tiến (SRI) kết hợp với bón phân viên nén dúi sâu có nhiều ưu điểm: Lượng giống giảm, chỉ còn 0,6 kg/sào, trong khi canh tác truyền thống “tốn” đến 2 kg giống/sào; lượng phân bón, thời gian canh tác đều giảm; năng suất lúa bình quân đạt 5,7 tạ/sào, tăng khoảng 1,2 tạ/sào so với canh tác lúa truyền thống.

Từ thành công của các mô hình điểm, huyện Bá Thước đã xây dựng Đề án số 1773/ĐA-UBND và Chương trình hành động số 173/CTr-UBND về việc ứng dụng nhân rộng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) kết hợp bón phân viên nén dúi sâu cho lúa, triển khai nhân rộng trên toàn huyện. Năm 2014, huyện thực hiện mô hình trên diện tích 3.890,9 ha, chiếm 72% so với diện tích gieo cấy toàn huyện, năng suất bình quân đạt 52,7 tạ/ha/năm. Năm 2015, diện tích gieo trồng theo mô hình là 4.775,3 ha, chiếm 87,5% diện tích gieo cấy toàn huyện, năng suất bình quân đạt 51,8 tạ/ha/năm.

Có mặt tại thôn Kho Mường, xã Thành Sơn vào đúng thời điểm bà con chuẩn bị thu hoạch vụ lúa mùa 2019, trên cánh đồng lúa chín vàng, trĩu hạt trải rộng hết thung lũng của thôn, anh Hà Văn Thào, Trưởng thôn Kho Mường, cho biết: Kho Mường là thôn có diện tích đất nông nghiệp bằng phẳng nhất của xã Thành Sơn. Cách đây 5 năm, bà con trong thôn chưa biết đến việc áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa thấp. Có những năm do thiên tai, dịch bệnh gần như lúa mất trắng, từ đó bà con tỏ ra không tha thiết với việc trồng lúa nước. Nhưng từ năm 2014, thực hiện mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI) kết hợp bón phân viên nén dúi sâu, bà con được hướng dẫn cách gieo cấy, chăm sóc nên diện tích trồng lúa nước được tăng nhanh trên địa bàn.

“Toàn xã Thành Sơn có 50 ha sản xuất lúa nước thì có tới 80% diện tích thâm canh lúa cải tiến (SRI) kết hợp bón phân viên nén dúi sâu, năng suất bình quân đạt xấp xỉ 50 tạ/ha. Riêng thôn Kho Mường do đồng đất bằng phẳng, điều tiết nước dễ dàng nên năng suất đạt hơn 50 tạ/ha. Canh tác lúa theo mô hình cải tiến được bà con nông dân trên địa bàn xã đón nhận và áp dụng bởi đơn giản, dễ thực hiện, năng suất tăng so với phương pháp cấy lúa truyền thống, trong khi đó lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới” - anh Hà Văn Tuyết, cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Thành Sơn chia sẻ thêm với chúng tôi.

Theo anh Trương Văn Hoan, Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước: Sau hơn 5 năm thực hiện Kết luận 190-KL/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (2014, 2015) về việc ứng dụng, nhân rộng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) kết hợp với bón phân viên nén dúi sâu, hầu hết các hộ nông dân áp dụng SRI đều ghi nhận cây lúa phát triển khỏe, ruộng lúa thông thoáng hơn, cứng cây hơn, hạn chế sâu bệnh gây hại, do đó chi phí cho việc sử dụng hóa chất trừ sâu bệnh giảm 1-2 lần/vụ, giảm trung bình 30-50% so với làm theo tập quán cũ.

Kết quả áp dụng SRI thực tế tại các ruộng chủ động nước tưới đều cho thấy có thể giảm tới 30% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống do định kỳ rút nước 2-3 lần/vụ, điều này rất hữu ích trong điều kiện khan hiếm nguồn nước tưới như hiện nay. Mặt khác, việc rút cạn nước theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa (giảm giữ nước trên đồng ruộng) sẽ làm giảm độ chua, hạn chế đáng kể lượng khí mê-tan thải vào không khí, kích thích bộ rễ phát triển, tăng khả năng đẻ nhánh, tăng khả năng chịu hạn, tăng khả năng chống đổ và tăng sức chống chịu sâu bệnh hại. Ngoài ra, do bón tăng lượng phân hữu cơ, cân đối NPK nên đã làm giảm lượng đạm tự do trong đất, cùng với việc giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đã giảm phát thải khí CH4, N2O - là những loại khí gây phát thải khí nhà kính, gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Áp dụng mô hình thâm canh SRI rất phù hợp với canh tác nhỏ lẻ ở các huyện miền núi. Quan trọng hơn là dần dần từng bước nâng cao kiến thức cho bà con nông dân trong việc thâm canh lúa, tạo được chuyển biến trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng chuyên canh tập trung, giảm giá thành, tăng năng suất, tăng chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững, góp phần tăng năng suất lúa bình quân hàng năm của huyện là 4,9% (tăng 2,4 tạ/ha), sản lượng thóc bình quân hàng năm tăng 7,9% (tăng bình quân hàng năm 2.088 tấn). Từ năm 2016 đến nay, diện tích gieo trồng lúa nước hằng năm của huyện đạt 5.200 ha, trong đó có gần 90% diện tích ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), năng suất lúa đạt 55-60 tạ/ha.

Để mô hình tiếp tục được áp dụng và nhân rộng, những năm tới, huyện Bá Thước tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi người dân về mô hình, đồng thời xây dựng phương án, giao chỉ tiêu cụ thể cho UBND các xã về diện tích thâm canh lúa cải tiến (SRI) kết hợp bón phân viên nén dúi sâu trong sản xuất năm tiếp theo; tiếp tục tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật cấy lúa tiến bộ, kỹ thuật cấy hàng rộng, hàng hẹp, mục tiêu, ý nghĩa, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ để nông dân hiểu tự giác tham gia và hạn chế tối đa các tồn tại về kỹ thuật trong sản xuất như cấy sai hướng, cấy thẳng hàng nhưng không dúi phân viên. Ngoài ra, chỉ đạo các cấp uỷ đảng từ huyện đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận 190-KL/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và là công tác quan trọng trong chỉ đạo thay đổi nhận thức về canh tác truyền thống, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp tăng năng suất, sản lượng lương thực góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững. Chính quyền từ huyện đến cơ sở tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức vận động nông dân thay đổi nhận thức trong canh tác truyền thống, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật thực hiện đạt chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng đề ra.

Tô Dung


Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]