(Baothanhhoa.vn) - Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tuy không phải là điểm nóng của hoạt động sản xuất hàng giả, tuy nhiên, do địa hình rộng và đa dạng các loại hình vận tải nên hoạt động thẩm lậu hàng giả qua địa bàn lại khá phức tạp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường đấu tranh chống hàng giả

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tuy không phải là điểm nóng của hoạt động sản xuất hàng giả, tuy nhiên, do địa hình rộng và đa dạng các loại hình vận tải nên hoạt động thẩm lậu hàng giả qua địa bàn lại khá phức tạp.

Tăng cường đấu tranh chống hàng giảĐại diện Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tập huấn phân biệt hàng thật, hàng giả cho cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh.

Hơn nữa, từ đầu năm tới nay, do tác động của dịch bệnh COVID-19, giao dịch hàng hóa qua hình thức thương mại điện tử gia tăng, khiến tình trạng buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ phức tạp. Các đối tượng thường chia nhỏ hàng hóa vận chuyển qua xe khách, xe bus hoặc sử dụng xe bưu chính nhằm qua mắt lực lượng chức năng một cách tinh vi.

Thời gian qua, tại Thanh Hóa, liên tục nhiều vụ vận chuyển, buôn bán hàng giả bị phát hiện và xử lý, trong đó có nhiều vụ việc lớn, điển hình như: Ngày 6-1-2020, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 33,75 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh của ông Lê Xuân Dương, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa với hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Ngày 11-2-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính hơn 63,7 triệu đồng đối với ông Nguyễn Đình Khánh tại phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa vì hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu nước ngoài không có nhãn phụ tiếng Việt, trưng bày hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Đồng chí Lữ Minh Thư, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định: Với xu hướng và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kinh doanh qua hình thức thương mại điện tử, nhất là thông qua mạng xã hội facebook, zalo tại Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng sẽ tiếp tục gia tăng, có thể phát triển lên tới 30 - 40% tổng giao dịch hàng hóa như mức trung bình của thế giới. Không chỉ gây thất thu thuế, đây cũng là lĩnh vực kinh doanh khó kiểm soát về chất lượng trên thị trường hiện nay.

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh, kinh doanh, buôn bán hàng giả sẽ tiếp tục sôi động, nhất là bước vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao. Hiện, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của đơn vị này, ngoài khó khăn về lực lượng, phương tiện, thiết bị và công tác đấu tranh chống hàng giả còn gặp khó do thiếu sự phối kết hợp của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp với cơ quan chức năng. Nhiều doanh nghiệp (DN) có hàng hóa bị làm giả chưa có ý thức trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, e ngại việc phối hợp cung cấp thông tin khi cơ quan chức năng yêu cầu vì sợ người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm và doanh thu bán hàng. Điều này đã làm phức tạp hơn và gia tăng một cách nghiêm trọng hơn các hành vi xâm phạm thương hiệu, dẫn đến làm xấu đi môi trường kinh doanh đối với các DN. Đặc biệt, đối với hàng hóa thương hiệu nước ngoài, khi phát hiện hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, việc liên hệ, phối hợp để nhận định hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn hơn do các nhãn hàng này chỉ có bộ phận đại diện ở Việt Nam. Do vậy, phần lớn các hành vi được nhận định là kinh doanh, buôn bán hàng giả nhưng các cơ quan chức năng chỉ đủ cơ sở xử phạt hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, dẫn đến mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Trước những tồn tại, khó khăn nói trên, để công tác chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thực sự mang lại hiệu quả, ngoài việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, rất cần sự nỗ lực của các nhãn hàng, các DN làm ăn chân chính. Các DN cần song hành hoạt động quảng bá sản phẩm với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất... Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]