(Baothanhhoa.vn) - Để có được những hiệu quả trong sử dụng, quản lý và phát huy quỹ đất như ngày hôm nay, từ năm 2011, TP Thanh Hóa đã tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý, phát huy quỹ đất đô thị - nhìn từ TP Thanh Hóa

Để có được những hiệu quả trong sử dụng, quản lý và phát huy quỹ đất như ngày hôm nay, từ năm 2011, TP Thanh Hóa đã tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020.

Quản lý, phát huy quỹ đất đô thị - nhìn từ TP Thanh Hóa

Một góc TP Thanh Hóa. Ảnh: Linh Trường

Tại các đô thị, quỹ đất thường không nhiều nên việc quản lý, sử dụng, phát huy giá trị đất đai có vai trò quan trọng cho sự phát triển. Để đưa từng khu đất vào sử dụng vì những mục đích cụ thể cũng cần tuân thủ đúng Luật Đất đai cũng như các quy định pháp luật về đất đai liên quan. Tại tỉnh Thanh Hóa, hàng chục năm qua, nhiều đô thị đã thực hiện tốt các quy hoạch phát triển, phát huy được tiềm năng quỹ đất, bảo đảm cho sự phát triển bền vững cho thế hệ sau. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, không ít sai phạm trong quản lý và sử dụng, phát huy quỹ đất vì các mục đích phát triển chung.

Với quy mô lớn nhất trong các đô thị của tỉnh hiện nay, TP Thanh Hóa đang phát triển, thay đổi diện mạo từng ngày. TP Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là đô thị tỉnh lỵ có vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh nên việc quy hoạch, quản lý và phát huy giá trị quỹ đất có ý nghĩa rất quan trọng. Cần có cái nhìn tổng quan để thấy được hiệu quả cũng như những tồn tại trong việc quản lý, sử dụng và phát huy quỹ đất ở đây. Những kinh nghiệm từ thành phố đang có sự phát triển năng động này cũng chính là bài học, là những gợi ý tham khảo để sử dụng, phát huy hiệu quả quỹ đất cho các đô thị khác trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Hiện, tổng diện tích tự nhiên của TP Thanh Hóa lên tới 14.541,8 ha; trong đó, đất nông nghiệp gần 7.200 ha, đất phi nông nghiệp hơn 7.100 ha, còn lại là đất núi đá, bãi bồi mới hình thành và đất chưa sử dụng. Với 37 đơn vị hành chính cấp xã, phường, tốc độ xây dựng cũng như diện mạo của TP Thanh Hóa đang có sự thay đổi từng ngày. Tại khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố, nhất là phường Đông Hải, những khu đồng bị bỏ hoang hóa, những bãi đất cỏ và cây bụi mọc um tùm đã và đang dần nhường chỗ cho những dự án dân cư lớn. Trụ sở UBND TP Thanh Hóa mới cũng đi vào giai đoạn hoàn thành, tạo diện mạo khang trang hơn cho tuyến Đại lộ Nguyễn Hoàng – tuyến giao thông quan trọng. Bao quanh 3 bên trụ sở hiện đại này là khu dân cư Vinhomes Star City Thanh Hóa với những biệt thự mang kiến trúc hiện đại do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, được đánh giá như một khu phố châu Âu giữa lòng TP Thanh Hóa. Với những thành công tương tự trong thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư, 3 tòa nhà của Tập đoàn Xuân Mai (Hà Nội) và nhiều khu dân cư cao tầng khác đang tạo diện mạo mới cho khu vực phía Đông thành phố. Dọc Đại lộ Lê Lợi, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng, phát huy được giá trị quỹ đất, tạo thành khu mua sắm sầm uất...

Tại khu vực nội thành, khoảng 5 năm qua, hàng chục công trình lớn cũng được đầu tư xây dựng, phù hợp với cảnh quan, kiến trúc. Hồ Đồng Chiệc, hệ thống hồ Thành cũng được cải tạo sạch đẹp nhờ tranh thủ các nguồn vốn, tạo thành không gian sinh hoạt công cộng cho các tầng lớp nhân dân. Quảng trường Lam Sơn, một số khu dân cư mới như: Đông Bắc ga, Quảng Thắng, An Hoạch... cũng được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ. Lộ trình phát triển đô thị 2 bên bờ sông Mã, rồi đề án phát triển thành phố thông minh của TP Thanh Hóa cũng đang có nhiều dấu hiệu tích cực, mang lại kỳ vọng về một đô thị hiện đại bậc nhất khu vực Bắc miền Trung.

Để có được những hiệu quả trong sử dụng, quản lý và phát huy quỹ đất như ngày hôm nay, từ năm 2011, TP Thanh Hóa đã tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020. Vào tháng 6 – 2012, do việc mở rộng địa giới hành chính, TP Thanh Hóa có thêm 19 phường, xã, diện tích tự nhiên tăng từ 5.789,81 ha lên 14.541,56 ha, do vậy thành phố đã phải kịp thời điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1168/QĐ-UBND, ngày 21-4-2014. Căn cứ việc định hướng về không gian kiến trúc, khung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của Đồ án Quy hoạch chung TP Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Thanh Hóa đã triển khai lập 24 đồ án quy hoạch phân khu trình UBND tỉnh phê duyệt, phủ kín toàn bộ đất tự nhiên của địa phương. Đó chính là căn cứ để thành phố mời gọi, thu hút các dự án đầu tư trong những năm gần đây.

Cùng với thu hút đầu tư và phát huy giá trị quỹ đất, TP Thanh Hóa cũng chú trọng công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất. Tính từ tháng 7–2014 đến nay, TP Thanh Hóa đã và đang tiến hành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho hơn 200 dự án với tổng diện tích 582,74 ha đất bị ảnh hưởng. Trong số đó có nhiều dự án có nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, tỉnh, thành phố, các công trình đường giao thông, hạ tầng phục vụ nhân dân và phát triển chung của tỉnh. Riêng trong năm 2018, TP Thanh Hóa đã thực hiện thu hồi đất của 98 dự án với diện tích GPMB hơn 200 ha. Kế hoạch năm 2019, thành phố tiếp tục GPMB cho hơn 100 dự án mới để phục vụ cho phát triển bền vững cũng như phát huy giá trị quỹ đất. Với gần 14.000 tổ chức, cơ quan, hộ gia đình, cá nhân có đất liên quan đến thu hồi (trong đó đa phần là đất nông nghiệp và hoang hóa) trong gần 6 năm qua, thành phố đã có các phương án bồi thường, di dời. Nhiều hộ gia đình sinh sống ở những nơi khá nhếch nhác, nhà cửa lụp sụp, đã được tái định cư đến các mặt bằng quy hoạch có điều kiện sống tốt hơn, nhà cửa khang trang hơn. Điển hình là dân cư ở những khu nhà lụp sụp ven sông Hạc thuộc các phường Trường Thi, Đông Thọ và Nam Ngạn được tái định cư về Khu đô thị ven sông Hạc.

Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng và phát huy quỹ đất của TP Thanh Hóa cũng có nhiều vi phạm và tồn tại cần được khắc phục. Tính riêng trong 3 năm: 2016, 2017 và 2018, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu của 12 đơn vị phường, xã trên địa bàn. Việc quản lý đất đai chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều trường hợp lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng đất không đúng mục đích, chưa hiệu quả. Tại nhiều dự án, việc bồi thường GPMB bị chậm, công tác tái định cư chưa được như kỳ vọng của người dân. Những năm qua, nhiều người dân còn thấy luyến tiếc những hồ nước với vai trò điều hòa trong lòng thành phố biến mất để trở thành đất ở dân cư; nhiều diện tích đất công cộng bị thu hẹp bởi những dự án của cá nhân, doanh nghiệp...

Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]