(Baothanhhoa.vn) - Theo xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, HTX và nông dân đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới để phát triển các mô hình trồng trọt. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thanh Hóa, nhiều huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã và đang phát triển hệ thống nhà lưới trong sản xuất nông nghiệp. Hàng trăm nhà lưới đã được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả, số lượng nhà lưới liên tục phát triển và đang tăng nhanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới

Theo xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, HTX và nông dân đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới để phát triển các mô hình trồng trọt. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thanh Hóa, nhiều huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã và đang phát triển hệ thống nhà lưới trong sản xuất nông nghiệp. Hàng trăm nhà lưới đã được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả, số lượng nhà lưới liên tục phát triển và đang tăng nhanh.

Phát triển sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới tại xã Quảng Tân (Quảng Xương).

Ngoài sự năng động và tư duy dám đầu tư của chính người sản xuất, các mô hình nhà lưới được xây dựng ngày càng nhiều còn do được kích cầu từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh và cơ chế riêng của các địa phương cấp huyện. Đáng nói nhất là Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND, ngày 31–12–2015 của UBND tỉnh về ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016–2020, trong đó có việc hỗ trợ phát triển nhà lưới cho sản xuất nông nghiệp. Theo đó, căn cứ kết quả phát triển nhà lưới trên thực tế, năm 2016, tỉnh đã hỗ trợ các đối tượng xây dựng nhà lưới 5,5 tỷ đồng. Bước sang năm 2017, tỉnh tiếp tục hỗ trợ 2,9 tỷ đồng đối với chủ những khu nhà lưới đủ tiêu chí hỗ trợ. Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, số lượng nhà lưới tiếp tục tăng nhanh, hiện các sở, ngành có liên quan của tỉnh đang phối hợp với các địa phương hoàn thiện thống kê để hỗ trợ.

Tại Nga Sơn, từ năm 2016 đến đầu năm 2019, toàn huyện đã phát triển được 15.000m2 nhà lưới, nhà màng gắn với mô hình sản xuất rau an toàn và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, những nhà lưới xây dựng mới nếu có diện tích từ 1.000m2 trở lên sẽ được huyện hỗ trợ thêm 70.000 đồng cho mỗi m2. Hiện, toàn huyện có 22 gia đình phát triển nhà lưới sản xuất nông nghiệp, trong đó xã Nga Yên 11 hộ, xã Nga Thành 4 hộ, các xã Nga Trung và Nga Trường đều có 2 hộ... Tại các nhà lưới này, nông dân đã và đang tiến hành canh tác dưa Kim Hoàng hậu, dưa leo ba bi, hoa, rau an toàn, cho thu nhập cao hơn nhiều so với canh tác truyền thống. Một tín hiệu vui khác là vào đầu năm 2019 này, HĐND huyện Nga Sơn đã ban hành một số cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó có khuyến khích phát triển nhà lưới. Anh Mai Hồng Tuyến, chuyên viên phụ trách mảng trồng trọt của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, cho biết: Huyện mới ban hành chính sách hỗ trợ, các tổ chức, cá nhân trong huyện đã đăng ký xây dựng thêm 32.500m2 nhà lưới trong năm 2019 này. Nếu không có gì thay đổi, đến cuối năm nay, tổng diện tích nhà lưới của huyện sẽ tăng lên gần 60.000m2.

Tại các địa phương điển hình khác, như: Yên Định, Thọ Xuân, Đông Sơn, phong trào xây dựng nhà lưới trong sản xuất đang phát triển mạnh mẽ. Tại xã Xuân Khánh, huyện Thọ Xuân, từ năm 2016, Công ty CP Great Farm đã đầu tư 7.000m2 nhà lưới với vốn đầu tư ban đầu gần 2 tỷ đồng. Tại đây, công ty chuyên canh dưa vàng, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc theo hướng công nghệ cao, gắn với hệ thống tưới nhỏ giọt. Theo hạch toán, cứ 1.000m2 nhà lưới đã cho thu hoạch trung bình 3 tấn dưa/vụ, mỗi năm canh tác 2 đến 3 vụ, tương đương doanh thu khoảng 250 triệu đồng, lợi nhuận 1/2 doanh thu. Mỗi năm, toàn mô hình cho thu nhập hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 5, 6 lao động thời vụ. Nhiều mô hình nhà lưới khác trên địa bàn huyện cũng đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cũng như xu thế phát triển trong trồng trọt.

Để đầu tư xây dựng 1.000m2 nhà lưới, số vốn khoảng 350 triệu đồng, song mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài. Nhiều mô hình sản xuất dưa hoặc hoa trong nhà lưới có thể mang lại doanh thu hàng tỷ đồng cho mỗi héc – ta trong năm. Ngoài các HTX và doanh nghiệp, nhiều nông dân thức thời đã đi tiên phong trong việc đầu tư xây dựng nhà lưới cho sản xuất. Việc canh tác trong nhà lưới đã khẳng định được nhiều ưu điểm so với canh tác truyền thống, trong đó giảm chi phí lao động, dễ dàng trong cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Việc được che phủ và điều chỉnh được cường độ ánh nắng cũng giúp cho cây trồng hạn chế tối đa sâu bệnh, người canh tác còn giảm được chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]