(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được các doanh nghiệp, HTX và hộ dân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, có giá trị kinh tế cao và ít gây tác động xấu cho môi trường. Đây là hướng phát triển sản xuất ổn định, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước được nhân rộng trong Nhân dân.

Nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Những năm gần đây nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được các doanh nghiệp, HTX và hộ dân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, có giá trị kinh tế cao và ít gây tác động xấu cho môi trường. Đây là hướng phát triển sản xuất ổn định, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước được nhân rộng trong Nhân dân.

Nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơDiện tích cam đường canh được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của trang trại Hoàng Thanh, xã Xuân Hòa (Như Xuân).

Trang trại hữu cơ Hoàng Thanh là một trong những trang trại đầu tiên của xã Xuân Hòa (Như Xuân) áp dụng sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Với diện tích hơn 6 ha sản xuất cam V2, cam đường canh, ổi..., trang trại đã áp dụng tiêu chuẩn “5 không”, đó là: không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng hóa chất, không thuốc kích thích. Những sản phẩm của trang trại đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, xu hướng của thị trường và người tiêu dùng mong muốn sử dụng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ/organic nên từ năm 2020, trang trại đã chuyển dần sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, chủ trang trại cho biết: Sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ có cơ hội lớn để tiếp cận với những đối tượng người tiêu dùng ở phân khúc cao tại những thị trường khó tính và đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Do đó, trang trại mong muốn hướng đến những mục tiêu cao hơn nên đã dịch chuyển sang phương thức sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, để được cấp chứng nhận hữu cơ là một yêu cầu khó, ngoài “5 không” được áp dụng trong sản xuất VietGAP còn thêm 3 tiêu chí là không đánh bồn và xáo xới gốc cây, không tiện gốc và cành, không quét và bón vôi vào gốc cây. Ngoài ra, quá trình thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ cần được cơ quan chuyên môn theo dõi, đánh giá trong thời gian dài (3 - 4 năm). Do đó, các quy trình sản xuất đều được ghi chép, đánh giá thông qua đơn vị kiểm định. Tuy mới áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ được 2 năm, song sản phẩm cây ăn quả của trang trại được người tiêu dùng ưa chuộng, đón nhận và đánh giá cao về chất lượng.

Được biết, sản lượng cam, bưởi năm 2022 của trang trại Hoàng Thanh đạt khoảng 80 tấn, doanh thu gần 4 tỷ đồng. Điều đáng mừng là sản phẩm cam mang nhãn hiệu Hoàng Thanh đã được tiêu thụ rộng rãi tại một số cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn TP Thanh Hóa, thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trên cả nước với giá thành cao hơn từ 15 - 20% so với các sản phẩm sản xuất đại trà.

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp an toàn và hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, sản xuất hữu cơ là một trong những quy trình khó, đòi hỏi cơ sở sản xuất phải chuẩn hóa ở tất cả các khâu như nước, giống, vật tư nông nghiệp, quá trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất hữu cơ đã mang lại những ưu điểm vượt trội như: hạn chế tình trạng thoái hóa đất, tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, bảo đảm hệ sinh thái bền vững, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Từ những so sánh về ưu điểm và hạn chế, nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi quy trình và nhân rộng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn cho thấy, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 120 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là: mô hình lúa - cá Hà Trung 35 ha; mô hình lúa rươi tại các huyện Nông Cống, Quảng Xương 8 ha; mô hình lúa hữu cơ tại huyện Yên Định, Nông Cống 20 ha; mô hình bưởi hữu cơ Yên Định 12 ha; mô hình cam hữu cơ Thạch Thành 45 ha.

Để khuyến khích phát triển, nhân rộng diện tích sản xuất NNHC, ngày 27-9-2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 11921/UBND-NN về việc triển khai thực hiện các nghị định của Chính phủ, như: Nghị định số 109/2018/NĐ-CP, ngày 29-8-2018 về NNHC và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7-9-2018 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm tạo cơ hội cho các đơn vị sản xuất khi chuyển xu hướng sang sản xuất NNHC.

Thực hiện Đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030 theo Quyết định số 885/QĐ-TTg, ngày 23-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh ban hành để phát triển NNHC. Theo đó, các ngành có liên quan đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp thay đổi thói quen sản xuất, lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng cũng như xây dựng mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ... nhằm tăng thêm cơ hội cho NNHC phát triển.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]