(Baothanhhoa.vn) - Được biết đến là trung tâm sản xuất, kinh doanh đồ đồng nổi tiếng, làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đang từng bước nâng cao chất lượng và đổi mới mẫu mã sản phẩm nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm truyền thống giàu tiềm năng này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng tầm chất lượng sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ Trà Đông

Nâng tầm chất lượng sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ Trà Đông

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu giới thiệu về bộ 5 trống đồng tham gia vào chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2021.

Được biết đến là trung tâm sản xuất, kinh doanh đồ đồng nổi tiếng, làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đang từng bước nâng cao chất lượng và đổi mới mẫu mã sản phẩm nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm truyền thống giàu tiềm năng này.

Làng nghề đúc đồng Trà Đông có lịch sử hình thành hàng trăm năm và được xem là một trong những nghề tinh hoa bậc nhất của xứ Thanh. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề đúc đồng có lúc suy, lúc thịnh, song các thế hệ người làng Trà Đông vẫn chuyên tâm gắn bó, đau đáu việc gìn giữ nghiệp tổ cha ông. Chính vì vậy, những lò nung truyền thống hay hiện đại vẫn ngày đêm đỏ lửa để cho ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm hồn cốt của văn hóa xứ Thanh.

Trao đổi với ông Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, được biết: Toàn xã có 130 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh đồ đồng, trong đó có 7 nghệ nhân và hàng chục thợ giỏi. Nghề đúc đồng đã tạo việc làm cho gần 400 lao động, với thu nhập bình quân đạt khoảng 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Theo thống kê của UBND xã Thiệu Trung, doanh thu từ sản phẩm đồng Trà Đông mỗi năm lên đến gần 500 tỷ đồng. Ở làng Trà Đông, bên cạnh phát triển sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi với bàn tay khéo léo cùng niềm đam mê mãnh liệt đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng khoa học, cải tiến kỹ thuật mà các sản phẩm đồng Trà Đông liên tục được cải tiến mẫu mã, chất lượng ngày càng nâng cao, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng và phục vụ tín ngưỡng của khách hàng trong nước và quốc tế. Vừa qua, sản phẩm bộ 5 trống đồng của Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Đông Sơn - Chè Đông của nghệ nhân Nguyễn Bá Châu đã phát triển sản phẩm theo chu trình OCOP và đang trình tham gia chấm điểm, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đợt 1 năm 2021. Đối với người dân Trà Đông, đây là vinh dự, cũng là động lực để nghề đúc đồng ngày càng phát triển hơn nữa. Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu, chia sẻ: Bản thân đã có ngót 50 năm làm nghề, với nhiều sản phẩm tinh xảo, được các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng trong, ngoài nước đánh giá cao. Trong đó, công ty đã sản xuất 1.000 pho tượng Mẹ Âu Cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách của 21 nền kinh tế đến dự Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng (tháng 11-2017); đúc nhiều sản phẩm tham gia trưng bày các sự kiện lớn trong, ngoài tỉnh... Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, công ty đã cho ra mắt hàng trăm sản phẩm độc đáo, tinh xảo.

Không thể phủ nhận, nghề đúc đồng và các sản phẩm đồng Trà Đông hiện đã nổi tiếng trên khắp đất nước; những sản phẩm như quà tặng, lưu niệm... đã “vươn” ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, theo đánh giá của địa phương, việc sản xuất, kinh doanh ở làng nghề đến nay vẫn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Do đó, việc tham gia chương trình OCOP với những bộ tiêu chí khắt khe sẽ giúp các hộ kinh doanh định hướng được những bước đi tiếp theo, từng bước hoàn thiện sản phẩm để nắm bắt thị trường tốt hơn, khẳng định thương hiệu đồng Trà Đông. Hơn nữa, OCOP còn góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề, khuyến khích thế hệ trẻ đam mê, kế tục, giữ gìn, phát triển nghề truyền thống.

Để nâng tầm chất lượng sản phẩm đồng Trà Đông, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu, cho rằng: Bên cạnh việc nghiên cứu nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu đồng, đổi mới mẫu mã sản phẩm, thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua truyền thông, các hội chợ triển lãm thì việc tham gia vào chương trình OCOP sẽ là nền tảng để công ty đầu tư sâu vào chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, vươn rộng đến thị trường quốc tế. Tương lai, đạt được danh hiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh chính là thước đo chất lượng sản phẩm, để từ đó người dân cũng như du khách trong và ngoài nước có nhìn nhận và đánh giá về sản phẩm của làng nghề Trà Đông cụ thể, thiết thực hơn, giá trị của sản phẩm sẽ được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, tạo cơ hội để làng nghề quảng bá hồn cốt, bản sắc văn hóa xứ Thanh qua ngành thủ công mỹ nghệ.

Được biết, hằng năm, UBND xã Thiệu Trung và huyện Thiệu Hóa đều lựa chọn, đưa những sản phẩm đồng của làng Trà Đông đi trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ, triển lãm trong, ngoài tỉnh. Đồng thời, vận dụng những cơ chế, chính sách để hỗ trợ các hộ sản xuất đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Ngày nay, hướng tới việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế từ nghề truyền thống, 24 lò đúc, 130 cơ sở sản xuất, kinh doanh của làng nghề đều nỗ lực đầu tư công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; từng bước vận dụng hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch tham quan. Đây là những tín hiệu đáng mừng, tạo nền tảng để sản phẩm đồng Trà Đông vươn tầm trong thời gian tới.

Thanh Hòa


Thanh Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]