(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, việc giải ngân cho các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sạch tại nhiều địa phương gặp khó khăn do vướng về thủ tục đất đai và nhiều quy định khác. Làm thế nào giúp nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế nông nghiệp đang là bài toán đặt ra với các tổ chức tín dụng và các cấp chính quyền.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó tiếp cận nguồn vốn nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, việc giải ngân cho các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sạch tại nhiều địa phương gặp khó khăn do vướng về thủ tục đất đai và nhiều quy định khác. Làm thế nào giúp nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế nông nghiệp đang là bài toán đặt ra với các tổ chức tín dụng và các cấp chính quyền.

Khó tiếp cận nguồn vốn nông nghiệp công nghệ cao

Mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao tại Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông.

Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ (NQ30) yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại Nhà nước, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực NNCNC với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường). Đây được xem như một luồng sinh khí mới, tạo cơ hội cho nền nông nghiệp bứt phá. Theo tính toán, mỗi ha trồng trọt ứng dụng công nghệ cao cần vốn đầu tư ban đầu khoảng từ 4 đến 10 tỷ đồng tùy theo mô hình. Do vậy, nhu cầu vốn tín dụng cho lĩnh vực này là rất lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) giải ngân được 2 hợp đồng cho vay theo chương trình tín dụng ưu đãi NNCNC dành cho khách hàng đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi với dư nợ hơn 10 tỷ đồng, còn lại nhiều doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao có nhu cầu vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này.

Có mặt tại trang trại chăn nuôi lợn sạch thảo dược của gia đình anh Nguyễn Văn Chiến, ở thôn 9, xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc), được biết: Gia đình anh đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn khép kín, có quy mô diện tích 1,5 ha với số lượng ổn định 180 con lợn thương phẩm (từ 70 - 100 kg), lợn con theo mẹ 60 con, lợn nái ngoại 50 con. Trung bình 1 tháng gia đình anh xuất chuồng khoảng 100 con với trọng lượng hơn 10 tấn. Trong năm 2017, mô hình nuôi lợn an toàn thực phẩm của gia đình anh Chiến đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP của Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa. Anh Chiến đang có ngôi nhà và khu trang trại trị giá hơn 3 tỷ đồng, nhưng muốn thế chấp để vay khoản tiền hai tỷ đồng đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi theo gói tín dụng 100.000 tỷ đồng mà không được, do khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục xác nhận quyền sở hữu tài sản trên đất.

Theo đại diện lãnh đạo Agribank Thanh Hóa, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã dành 50.000 tỷ đồng thực hiện chương trình khuyến khích phát triển NNCNC. Tuy nhiên, việc giải ngân cho vay gặp không ít vướng mắc về thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đất đai. Điều này đã dẫn đến tồn đọng một lượng vốn rất lớn trong toàn hệ thống, trong khi nông dân thì thiếu vốn đầu tư. Nguyên nhân khiến ngân hàng chưa thể giải ngân gói tín dụng NNCNC là khó khăn trong thực hiện Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều kiện, vị trí đầu tư dự án phải được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch. Việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn chậm; chưa có các bộ định mức kinh tế kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi, nhất là sản xuất NNCNC làm cơ sở để ngân hàng thẩm định cho vay. Bên cạnh đó, công tác bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được thực hiện để bảo đảm an toàn vốn cho khách hàng và ngân hàng. Vốn đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, trang thiết bị cho sản xuất NNCNC khá lớn nhưng hiện các tài sản này chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về tài sản nên không đủ điều kiện để thế chấp vay.

Cùng với đó, việc giải ngân vốn cho nông dân, các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi hiện nay bắt buộc khách hàng vay vốn khi mang tài sản thế chấp phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất. Đây là nguyên nhân chính khiến tín dụng “tắc” ở ngân hàng. Bởi, hầu hết nhà ở và các công trình xây dựng trên đất của hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất. Nếu ngân hàng chỉ nhận thế chấp quyền sử dụng đất thì nhu cầu vốn của khách hàng không được đáp ứng đủ. Mặt khác việc chỉ nhận thế chấp quyền sử dụng đất mà không nhận thế chấp tài sản gắn liền với đất đã hình thành, khiến cho ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi phải xử lý tài sản thế chấp để thu hồi công nợ. Vì thế, để người nông dân có điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh tiến độ, đơn giản hóa trình tự thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất, ghi nhận công trình nhà kính trên đất theo cấp hạng phù hợp trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (đối với công trình nhà kính trên đất nông nghiệp). Mặt khác, Nhà nước cần có cơ chế định giá đất nông nghiệp với một số địa phương để tạo điều kiện cho khách hàng có cơ sở thế chấp cho khoản vay, bảo đảm đầu tư đủ vốn cho doanh nghiệp sản xuất NNCNC; có chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ giúp doanh nghiệp đầu tư sản xuất NNCNC; hỗ trợ về lãi suất đối với các tổ chức tín dụng khi áp dụng lãi suất ưu đãi cho vay khách hàng ứng dụng công nghệ cao.

Năng lực xây dựng phương án vay vốn của khách hàng khu vực nông thôn còn yếu

Khó tiếp cận nguồn vốn nông nghiệp công nghệ cao

Thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo và đôn đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí quy định tại Quyết định 783/QĐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, đến nay việc giải ngân nguồn vốn này trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Nguyên nhân khó giải ngân nguồn vốn trên địa bàn tỉnh là do quy mô sản xuất nông nghiệp trong tỉnh phần lớn còn nhỏ lẻ, phân tán, khả năng cạnh tranh chưa cao; chưa xây dựng được quy trình, tiêu chuẩn sản xuất; chất lượng nông sản còn thấp, chưa ổn định. Nhiều sản phẩm chủ lực chưa có thương hiệu; thiếu mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, năng lực xây dựng phương án vay vốn của khách hàng khu vực nông thôn còn yếu khiến việc vay vốn bị ách tắc...

Trước những khó khăn trên, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đề nghị các địa phương cần khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nông nghiệp và các hộ gia đình tham gia tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển kinh tế. Rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm tiền vay tại các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cá nhân cần xây dựng chương trình, dự án chất lượng, mang tính khả thi cao, đầu vào, đầu ra hiệu quả để được vay vốn ưu đãi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Chính phủ.

Nguyễn Thanh An

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa

Hầu hết các HTX không có tài sản bảo đảm để thế chấp vay ngân hàng

Khó tiếp cận nguồn vốn nông nghiệp công nghệ cao

Với 576 HTX nông nghiệp trên toàn tỉnh, có không dưới 90% trong số đó chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Nguyên nhân dẫn đến các HTX khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi là do hoạt động của các HTX quy mô còn nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế... Mặc dù có vai trò lớn trong việc thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống nông dân, nhưng vấn đề tập trung ruộng đất, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, với những cây, con giá trị kinh tế cao, chưa đủ sức thuyết phục để các tổ chức tín dụng đầu tư vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các HTX không có tài sản bảo đảm để thế chấp vay ngân hàng; vốn điều lệ thấp; phương án sản xuất, kinh doanh không rõ ràng, không khả thi; việc hạch toán kế toán yếu kém hoặc không mở sổ và hạch toán kinh tế kế toán; trình độ ban quản trị HTX chưa đáp ứng được yêu cầu; khả năng minh bạch tài chính hạn chế nên khó có thể tạo được niềm tin để vay vốn ngân hàng.

Để thúc đẩy các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, các HTX nông nghiệp cần đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho xã viên; các địa phương cần tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, kiến nghị các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay ưu đãi cho các HTX theo Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ.

Nguyễn Văn Hưng

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa

Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mong muốn được tiếp cận vốn ưu đãi

Khó tiếp cận nguồn vốn nông nghiệp công nghệ cao

Vượt qua những khó khăn ban đầu, hiện nay Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới tại thôn Dục Tú, xã Quảng Tân (Quảng Xương) có 1,5 ha trồng dưa lưới Taki, các loại rau thủy canh và củ quả được canh tác theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP theo công nghệ Nhật Bản. Sản phẩm dưa Taki của công ty đã ổn định về đầu ra, doanh thu mỗi vụ sản xuất đạt gần 1 tỷ đồng và cung cấp ra thị trường 2 tạ rau thủy canh mỗi tuần. Để có sản phẩm rau, quả hữu cơ an toàn, doanh nghiệp đã xây dựng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tự động, đưa cơ giới hóa vào quá trình làm đất... Với tổng diện tích sản xuất như vậy, doanh nghiệp đã phải đầu tư vốn khá lớn.

Với mục tiêu liên kết, hợp tác và cung cấp các sản phẩm rau, củ, quả an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, doanh nghiệp mong muốn tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất; liên kết với các hộ dân sản xuất rau an toàn theo chuỗi khép kín. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là tiếp cận vốn vay ưu đãi tại các tổ chức tín dụng để đầu tư, mở rộng sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ cao. Do vậy, doanh nghiệp rất mong các cấp, các ngành, các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn ưu đãi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ chuyển đổi đất đai với thời hạn lâu dài.

Trần Văn Tân

Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng

và Thương mại Phong Cách Mới

Các điều kiện để được vay vốn ưu đãi khó khăn

Khó tiếp cận nguồn vốn nông nghiệp công nghệ cao

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp mà Nhà nước và doanh nghiệp đều tính đến. Song đây cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao nên ít doanh nghiệp đầu tư.

Việc các ngân hàng thương mại triển khai gói vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mong đợi. Tuy nhiên, để được hưởng lãi suất ưu đãi, các tiêu chí đặt ra đối với những người làm nông nghiệp như chúng tôi là rất khắt khe. Nhất là những tiêu chí của gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao thì chúng tôi gần như không thể đáp ứng được. Đơn cử như doanh nghiệp của tôi, hiện tại đầu tư trồng gần 7.000 m2 dưa lưới Nhật Bản bằng hệ thống nhà màng phủ nilong hiện đại, công nghệ tưới nhỏ giọt, hệ thống điều hòa không khí hiện đại với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng. Tổng doanh thu mỗi năm của doanh nghiệp đạt hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang phải vay vốn thương mại của ngân hàng, nhưng chưa được vay vốn ưu đãi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo quy định của Chính phủ.

Lê Ngọc Đạt (Xã Xuân Khánh, huyện Thọ Xuân)

Bài và ảnh: Minh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]