(Baothanhhoa.vn) - Bằng nhiều biện pháp, cách làm, triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo, đời sống của người dân trên địa bàn huyện Quảng Xương đã từng bước được cải thiện, số hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm, góp phần tích cực trong việc hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả công tác giảm nghèo ở huyện Quảng Xương

Bằng nhiều biện pháp, cách làm, triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo, đời sống của người dân trên địa bàn huyện Quảng Xương đã từng bước được cải thiện, số hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm, góp phần tích cực trong việc hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hiệu quả công tác giảm nghèo ở huyện Quảng Xương

Từ nguồn vốn vay, gia đình bà Ngô Thị Thuấn ở thôn Xuân Mọc, xã Quảng Ngọc đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, vươn lên thoát nghèo.

Khi hộ nghèo thoát nghèo...

Sau 8 năm nằm trong danh sách hộ nghèo của xã, cuối năm 2018, gia đình chị Hồ Thị Linh ở thôn Xa Thư, xã Quảng Bình mới thoát nghèo. Gia đình chị có 5 người: 3 đứa con và 2 vợ chồng nhưng cuộc sống sinh hoạt phần lớn phụ thuộc vào chị, do chồng thường xuyên đau ốm (chồng và con trai thứ hai là nạn nhân chất độc da cam). Cuối năm 2017, chị Linh vay ngân hàng chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng để buôn bán hàng tạp hóa ở chợ. Nhớ lại thời điểm đó, chị Linh cho biết: Vay được 50 triệu tôi mua máy để nổ ngô và mua thêm hàng hóa để bán. Mừng là quán hàng tạp hóa của tôi bán được đông khách nên cuộc sống gia đình dần ổn định hơn. Giữa năm 2018, được sự giúp đỡ thêm của hai bên nội, ngoại, anh em họ hàng, gia đình đã xây được nhà để ở, cuối năm 2018, gia đình tôi tự xin rút khỏi hộ nghèo của xã.

Còn gia đình bà Ngô Thị Thuấn ở thôn Xuân Mọc, xã Quảng Ngọc, sau 2 năm là hộ nghèo của xã, cuối năm 2017, gia đình cũng thoát nghèo. Bà Thuấn chia sẻ: Năm 2016, gia đình tôi vay ngân hàng chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng, vay hội cựu chiến binh xã 20 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn nái, gà, ngan và trồng cây thanh long ruột đỏ. Trừ chi phí, thu nhập bình quân từ trồng trọt, chăn nuôi của gia đình khoảng 70 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn, nhất là sau khi con trai đi xuất khẩu lao động. Cuối năm 2017, gia đình tôi thoát nghèo. Đó là một niềm vui lớn vì nếu không có cơ chế, chính sách giúp người nghèo của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngân hàng thì không biết đến lúc nào gia đình tôi mới thoát nghèo. Những khó khăn đã nỗ lực vượt qua được thì chắc chắn không thể tái nghèo được.

Xuân Mọc cũng là một trong những thôn có số hộ nghèo nhiều nhất xã Quảng Ngọc. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm của các cấp, ban, ngành, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các đoàn thể nên từ 12 hộ nghèo vào năm 2015 thì năm 2019 chỉ còn 4 hộ. Theo ông Lê Thanh Vận, trưởng thôn Xuân Mọc thì thôn đang cố gắng để năm 2020 chỉ còn 1 hộ nghèo. Hiện tại 4 hộ nghèo còn lại, qua rà soát thì tính thu nhập 3 hộ đã vượt ngưỡng nhưng trong nhà lại thiếu các dịch vụ xã hội nên tính điểm chưa đạt. Vì vậy, thôn cũng sẽ huy động các nguồn lực vào cuộc để hỗ trợ 3 hộ này thoát nghèo.

Chuyện về giảm nghèo đa chiều

Quảng Khê là xã khó khăn của huyện Quảng Xương. Năm 2016, hộ nghèo ở xã là 15,8% nhưng đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,07%. 3 năm với cuộc hành trình giảm nghèo đa chiều, một quãng thời gian không dài nhưng với sự giảm mạnh về hộ nghèo để thấy được sự phấn đấu, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Quảng Khê.

Việc làm đầu tiên đặt ra cho lãnh đạo địa phương, đó là bố trí lại cơ cấu lao động trong hộ vì khi làm nông chỉ làm thời vụ trong khi đó lao động làm tại công ty may đóng trên địa bàn tại một số xã lân cận thì lương 4-5 triệu đồng/tháng. Đây chính là tác động tích cực để giảm nghèo. Ngoài ra, Quảng Khê đã được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất chăn nuôi bò cái sinh sản với tổng nguồn vốn hỗ trợ là 300 triệu đồng. Hiện dư nợ vốn vay về nhà ở của người dân trong xã là trên 1 tỷ đồng, tổng dư nợ để đầu tư, phát triển sản xuất trên 19 tỷ đồng. Chia sẻ của ông Ngô Văn Chân, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê: Có rất nhiều nguồn để hỗ trợ cho người nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Trong 3 năm thực hiện giảm nghèo đa chiều thì năm 2016 có thể nói phong trào giảm nghèo rầm rộ nhất, được bà con nhân dân đồng tình, hưởng ứng rất cao. Tôi vẫn nói với tinh thần tích cực nhất, không dừng ở tuyên truyền mà ở giáo dục để người dân thấy vinh dự được thoát nghèo. Khi thực hiện giảm nghèo đa chiều, có một số hộ đã tách hộ, trong đó có cả cán bộ về hưu. Con cái giàu có nhưng tách bố mẹ ra ở riêng, không tài sản, không thu nhập. Tách ra thì bố mẹ là hộ nghèo. Để giảm nghèo thực chất, chúng tôi phải tuyên truyền một cách tích cực nhất, thậm chí phát cả trên hệ thống loa truyền thanh của xã nhằm đánh vào danh dự, lòng tự trọng của con cái. Do đó đến nay, trong xã không còn xảy ra tình trạng tách hộ.

Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Quảng Thạch là 3,59%. Với xã nghèo như Quảng Thạch, đây là con số đáng mừng. 3 năm với giảm nghèo đa chiều, cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước đã giúp nhiều hộ nghèo trong xã thoát nghèo. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong năm 2018, trong xã có đến 4 hộ nghèo tách hộ để... hưởng chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo. Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, động viên của chính quyền địa phương, các đoàn thể, 4 hộ này đã sáp nhập lại. Bên cạnh đó, một số hộ nghèo có thu nhập cao nhưng vẫn rơi vào hộ nghèo như trường hợp của gia đình chị Lê Thị Điền ở thôn Thạch Bắc là một điển hình. Trong khi thu nhập của 2 vợ chồng chị Điền là 15 triệu đồng/tháng nhưng nhà ở vẫn chưa có nên tính điểm vẫn là hộ nghèo. Ông Bùi Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch cho biết: Với mức thu nhập ấy thì không thể là nghèo được. Xã cũng đã động viên, hỗ trợ xây nhà ở cho gia đình và cuối năm 2018, hộ này cũng xin rút khỏi danh sách hộ nghèo.

Từ cách làm đúng đắn...

Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 289-QĐ/TU ngày 27-2-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020, dưới sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, công tác giảm nghèo ở huyện Quảng Xương đã có những bước đi đúng đắn.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh và các nghị quyết của huyện ủy, HĐND huyện, Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo để thực hiện chương trình giảm nghèo. Theo đó, huyện yêu cầu kế hoạch giảm nghèo ở các xã phải cụ thể, sát với tình hình thực tế, biện pháp phải thực sự khả thi. Ban chỉ đạo giảm nghèo ở xã phải đến từng hộ, khảo sát đánh giá tình hình về thu nhập, các dịch vụ xã hội...

Bằng nhiều biện pháp, cách làm, huyện Quảng Xương đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, đồng thời thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; tạo việc làm và tăng cường công tác xuất khẩu lao động... Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giải quyết cho 1.129 hộ nghèo, hộ cận nghèo, thoát cận nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, học tập với tổng số tiền 54.107 triệu đồng; chính sách tín dụng nước sạch vệ sinh môi trường cho 797 hộ vay vốn với tổng số tiền 15.890 triệu đồng; chính sách về nhà ở cho 40 hộ vay vốn xây dựng nhà với tổng số tiền là 400 triệu đồng... Bên cạnh đó, đã giải quyết việc làm cho 2.650 lao động, trong đó có 192 lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở huyện Quảng Xương, nhiều mô hình giảm nghèo đã được nhân rộng và phát huy hiệu quả. Đó là mô hình chăn nuôi gà thương phẩm, mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản... Trong năm 2019, UBND huyện Quảng Xương cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo nuôi bò sinh sản tại 2 xã Quảng Long và Quảng Vọng.

Với sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, công tác giảm nghèo ở Quảng Xương đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Từ tỷ lệ hộ nghèo là 7,3% vào năm 2015 thì đến đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện chỉ còn 3,25% (1.678 hộ), trong đó số hộ nghèo có khả năng thoát nghèo là 1.120 hộ. Dự kiến đến cuối năm 2019 có 27/30 đơn vị giảm đạt chỉ tiêu huyện giao.

Cũng như nhiều địa phương khác, công tác giảm nghèo ở Quảng Xương được thực hiện với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn để bảo đảm cho sự giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, với Quảng Xương, bên cạnh đó là sự đúng đắn trong cách làm, ngay từ trong công tác rà soát hộ nghèo, huyện đặt ra 3 tiêu chí: Cụ thể, chi tiết và khả thi. Với sự rõ ràng, nghiêm túc trong rà soát sẽ ảnh hưởng tích cực đến tỷ lệ hộ nghèo tại các xã nói riêng và của huyện nói chung. Một vấn đề quan trọng nữa đó chính là sự vào cuộc đồng bộ từ trên xuống dưới, như chia sẻ của ông Trần Thế Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác giảm nghèo huyện: Điều chúng tôi thấy hài lòng nhất đó chính là sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành trong công tác giảm nghèo, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp. Bên cạnh đó là nhận thức của người dân nói chung và người nghèo nói riêng đã được nâng cao. Bây giờ cũng không có ai muốn là hộ nghèo, họ cũng đã nỗ lực, cố gắng để thoát nghèo bởi thực tế chính sách hỗ trợ của Nhà nước để cho họ thoát nghèo không nhiều, chủ yếu là họ phải tự lực vươn lên. Muốn vươn lên là phải từ công tác tuyên truyền và nhận thức của người nghèo...

Bài và ảnh: Mai Phương


Bài Và Ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]