(Baothanhhoa.vn) - Nghề dệt thổ cẩm có mặt trong đời sống của người dân xã Thanh Lâm (Như Xuân) từ bao đời nay. Trải qua thời gian, với sự phát triển và nở rộ của những sản phẩm công nghiệp, nghề dệt thổ cẩm xã Thanh Lâm đã từng mai một, vắng bóng trong cuộc sống thường ngày. Từ năm 2018, khi Câu lạc bộ (CLB) thổ cẩm Thanh Lâm ra đời, nét đẹp trong thổ cẩm của đồng bào Thái được phục hồi, không những góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa mà còn nâng cao đời sống tinh thần, tăng thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa dân cư trên địa bàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gìn giữ và khôi phục nghề dệt thổ cẩm xã Thanh Lâm

Nghề dệt thổ cẩm có mặt trong đời sống của người dân xã Thanh Lâm (Như Xuân) từ bao đời nay. Trải qua thời gian, với sự phát triển và nở rộ của những sản phẩm công nghiệp, nghề dệt thổ cẩm xã Thanh Lâm đã từng mai một, vắng bóng trong cuộc sống thường ngày. Từ năm 2018, khi Câu lạc bộ (CLB) thổ cẩm Thanh Lâm ra đời, nét đẹp trong thổ cẩm của đồng bào Thái được phục hồi, không những góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa mà còn nâng cao đời sống tinh thần, tăng thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa dân cư trên địa bàn.

Gìn giữ và khôi phục nghề dệt thổ cẩm xã Thanh Lâm

Những sản phẩm dệt của CLB thổ cẩm Thanh Lâm (Như Xuân) được thị trường đánh giá cao.

Các cụ cao tuổi trên địa bàn xã Thanh Lâm kể lại, không biết nghề dệt thổ cẩm có từ bao giờ nhưng những người phụ nữ dân tộc Thái trước đây ai cũng biết trồng bông, xe sợi và dệt thổ cẩm. Những cô gái dân tộc Thái ở địa phương lên 10 tuổi đã học dệt, 18, đôi mươi đã thành thạo bên khung cửi để phục vụ nhu cầu may mặc trang phục truyền thống cho gia đình. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và sự đa dạng hóa các sản phẩm công nghiệp, người dân đã lựa chọn những trang phục đơn giản, tiện lợi thay cho sắc phục truyền thống. Chị Lò Thị Sáng, một người gắn bó với nghề dệt trên địa bàn xã, cho biết: Trước đây, có thời điểm trong xã rất ít người dệt thổ cẩm, chỉ một số người cao tuổi và phụ nữ làm nông thuần túy là duy trì nghề. Họ vẫn miệt mài tạo nên những chiếc khăn, áo, mũ đội đầu mang bản sắc dân tộc để dùng trong ngày lễ như cưới hỏi, ma chay... Từ năm 2018, CLB thổ cẩm Thanh Lâm ra đời, với 28 thành viên. CLB đã góp phần khôi phục, gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống và từng bước đưa sản phẩm mang bản sắc địa phương vươn ra thị trường.

Khu nhà cũ tại làng Kèn được UBND xã Thanh Lâm bố trí làm không gian, địa điểm sản xuất cho CLB thổ cẩm Thanh Lâm luôn rộn rã tiếng cười nói của các thành viên. Tranh thủ thời gian nông nhàn, các chị, các mẹ lại tập trung dệt, may nhiều sản phẩm, trang phục từ nguyên liệu sợi bông, sợi len tạo việc làm, tăng thu nhập. Chị Vi Thị Bích, Chủ nhiệm CLB thổ cẩm Thanh Lâm, cho biết: Dệt thổ cẩm trải qua nhiều công đoạn, như: quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt. Sản phẩm dệt hiện nay vẫn chủ yếu là khăn, váy, vỏ chăn, dây lưng, túi xách, ví cầm tay... Các họa tiết được người Thái đưa vào sản phẩm thổ cẩm rất đa dạng, chủ yếu là hình ảnh của những loài cây, hoa, động vật gắn bó với đời sống hằng ngày. Một tấm thổ cẩm có giá trị, ngoài sợi chỉ mịn màng, hoa văn còn phải sắc nét, cân đối, hài hòa... trên nền vải. Chỉ có những người gắn bó lâu năm với nghề, yêu nghề... mới có thể dệt được tấm thổ cẩm có hoa văn mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh.

Những ngày đầu thành lập, CLB thổ cẩm Thanh Lâm khó khăn đủ bề do thiếu vốn, tư liệu sản xuất và quan trọng hơn cả là các thành viên của CLB chưa có kỹ năng trong tìm kiếm, kết nối thị trường nên sản phẩm làm ra chưa thể tiêu thụ hoặc tiêu thụ chậm. Mỗi tổ viên phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm dệt của mình bằng cách mang đi bán lẻ hoặc gửi nhờ các cửa hàng lưu niệm bán giúp. Ước mơ khôi phục, gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các thành viên CLB thổ cẩm Thanh Lâm đã trở thành hiện thực, khi được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới và hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp hỗ trợ về vốn, tư liệu và thị trường tiêu thụ. Sau hơn 2 năm, CLB kết nối với nhiều đơn vị lữ hành ở một số tỉnh phía Bắc để nhận đơn đặt hàng với số lượng lớn; Hội LHPN huyện hỗ trợ kết nối xuất bán 2 đơn hàng với 80 sản phẩm... hiện nay, các sản phẩm của CLB chủ yếu bán trong tỉnh và các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình. Bình quân mỗi thành viên có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. CLB thổ cẩm Thanh Lâm đã giúp một số hộ thoát nghèo, duy trì nguồn thu nhập ổn định, nhất là gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trên địa bàn huyện Như Xuân.

Theo đánh giá của UBND xã Thanh Lâm, điều đáng mừng là kể từ khi nghề dệt thổ cẩm được khôi phục, đồng bào dân tộc Thái xã Thanh Lâm và các địa phương lân cận chú ý hơn cách ăn mặc theo trang phục truyền thống. Trong các ngày lễ hội như mừng lúa mới, ngày hội đại đoàn kết toàn dân, mừng năm mới... người dân thường diện sắc phục thổ cẩm như là cách để dân làng kết nối, gìn giữ và tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc mình. Bà Lò Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Lâm, cho biết: Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương đã nỗ lực, kiên định với mục tiêu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, các cấp chính quyền địa phương và CLB thổ cẩm Thanh Lâm đã nỗ lực duy trì nghề truyền thống, vừa giúp người sản xuất có thu nhập ổn định, vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Để nghề thổ cẩm ở xã Thanh Lâm đứng vững, CLB thổ cẩm Thanh Lâm cần thêm sự hỗ trợ để duy trì và mở rộng sản xuất, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các làng nghề dệt khác trong và ngoài tỉnh.

Bài và ảnh: Trần Hà


Bài và ảnh: Trần Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]