(Baothanhhoa.vn) - Toàn tỉnh hiện có 155 làng nghề; trong đó, có 20 làng nghề và 47 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Ước tính, tổng số lao động tham gia trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh vào khoảng 54.000 người, với thu nhập trung bình của mỗi lao động tại các làng nghề đạt từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề ra khỏi khu dân cư: Vì sao khó?

Toàn tỉnh hiện có 155 làng nghề; trong đó, có 20 làng nghề và 47 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Ước tính, tổng số lao động tham gia trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh vào khoảng 54.000 người, với thu nhập trung bình của mỗi lao động tại các làng nghề đạt từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng.

Cơ sở đúc đồng của gia đình ông Lê Văn Bảy tại cụm làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa).

Nhiều lao động thâm niên, tay nghề cao có thể đạt từ 8-10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các cơ sở sản xuất tại các làng nghề là quy mô nhỏ, tận dụng diện tích đất thổ cư làm mặt bằng sản xuất và hầu hết các cơ sở sản xuất truyền thống đều sử dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật lạc hậu, nhất là thiết bị kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường. Do đó, các làng nghề truyền thống trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí xung quanh làng nghề, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người làm nghề cũng như các hộ dân sống trong khu vực.

Từ nhiều năm nay, việc di dời các cơ sở sản xuất ở làng nghề gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy các làng nghề phát triển. Ngày 31-12-2001, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3768/2001/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2001-2010; năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định phát triển cụm công nghiệp (CCN) tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tại Quyết định số 01/QĐ-UBND, ngày 5-1-2015. Theo đó, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành 57 CCN, với tổng diện tích 1.646,79 ha. Tuy vậy, cho đến nay, việc di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề vào các CCN còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tại huyện Thiệu Hóa hiện có khoảng 2.552 hộ gia đình và cơ sở sản xuất nghề truyền thống, như: Đúc đồng, ươm tơ, dệt nhiễu, mộc, bánh đa... tạo việc làm cho khoảng 6.147 lao động, thu nhập bình quân đạt 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Để hạn chế những tác động của các cơ sở sản xuất nghề truyền thống đối với môi trường, khu dân cư, cụm làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung và cụm làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch. Ông Trần Công Lạc, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, cho biết: Từ năm 2005, khi tỉnh, huyện có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra cụm làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã thực hiện vận động các hộ di dời cơ sở sản xuất vào cụm làng nghề. Tuy nhiên, qua rà soát, nắm bắt cho thấy khó khăn chung của các hộ dân là thiếu vốn để di dời, xây dựng cơ sở sản xuất. Do đó, UBND xã đã tạo điều kiện để các hộ thuê đất 50 năm làm mặt bằng sản xuất. Đồng thời, đứng ra tín chấp với ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, quỹ tín dụng nhân dân xã để các hộ được vay vốn, xây dựng cơ sở mới và phát triển sản xuất. Đến năm 2008, 25/25 hộ sản xuất nghề đúc đồng truyền thống của xã đã di dời ra cụm làng nghề. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, không chỉ bảo vệ môi trường, tránh tác động xấu về tiếng ồn, ô nhiễm tới cuộc sống của người dân mà còn tạo điều kiện để các hộ mở rộng quy mô, tập trung sản xuất và xây dựng được thương hiệu sản phẩm.

Xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc) nổi tiếng với nghề chế tác đá mỹ nghệ làng Mai. Toàn xã có 47 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.100 lao động. Cùng với sự phát triển hưng thịnh của nghề chế tác đá mỹ nghệ, các vấn đề về bụi, tiếng ồn, nước thải đang trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Do đó, UBND huyện Vĩnh Lộc đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề ra CCN Vĩnh Minh. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn xã mới di dời được 31/47 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ ra CCN. Ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Sau khi hạ tầng CCN hoàn thiện, UBND huyện, xã đã có chủ trương và khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng đá mỹ nghệ làng Mai di dời ra CCN Vĩnh Minh để hạn chế ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Song, tiến độ di dời các cơ sở vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra vì nhiều lý do, như: Hầu hết các hộ dân sản xuất trong làng nghề đều ở quy mô nhỏ lẻ chưa đủ khả năng kinh tế để chuyển đổi vị trí, mô hình sản xuất một cách dễ dàng, nhanh chóng. Mặt khác, nhiều hộ dân cho rằng nghề chế tác đá mỹ nghệ làng Mai có từ lâu đời và được UBND tỉnh công nhận làng nghề, vậy khi di chuyển ra nơi mới còn giữ được thương hiệu, truyền thống của nghề không?.

Tuy hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề đều mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện di dời làng nghề, cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực dân sinh. Song, tại nhiều làng nghề trong tỉnh, việc di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư còn chậm. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho việc di dời làng nghề, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, của tỉnh nhằm tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, nguồn vốn vay ưu đãi cho các cơ sở trong làng nghề di dời ra khỏi khu dân cư, sớm ổn định sản xuất tại địa điểm mới.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]