(Baothanhhoa.vn) - Sáng 17 - 8, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi sâu vào đất liền.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 4

Sáng 17 - 8, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi sâu vào đất liền.

Hồ Thủy lợi – Thủy điện Cửa Đạt xả lũ.

Tuy nhiên, theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, từ ngày 17 đến ngày 19 - 8, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa đặc biệt to, trung bình cả đợt ở nhiều nơi lên tới 400 đến 500 mm. Cộng với lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về, dự báo nhiều sông ở Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt lũ. Từ sáng 17 - 8, mực nước các sông bắt đầu lên nhanh. Đến 13 giờ, mực nước sông Bưởi tại Kim Tân đạt 8,19m, dưới mức báo động 1. Cùng thời điểm, mực nước sông Mã tại Cẩm Thủy là 19,06m, dưới báo động 1 là 1,6m…Tương tự, sông Chu tại Bái Thượng 16,38m, trên báo động 1 là 1,38m. Sông Yên tại Chuối (Nông Cống) 2,46 m, trên báo động 1 là 0,46 m. Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, lũ trên các sông tiếp tục lên nhanh. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng nguồn sông Mã có khả năng ở mức báo động 2 đến báo động 3; hạ lưu sông Mã và sông Chu có khả năng ở mức báo động 1 đến báo động 2. Trên các sông nhỏ của tỉnh, đỉnh lũ có thể đạt báo động 1, báo động 2, riêng sông Bưởi có thể trên báo động 3.

Di dời dân do ngập lụt ở xã Hồi Xuân (Quan Hóa).

Do mưa kéo dài, tại các huyện miền núi, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét, nhất là ở các huyện: Lang Chánh và Thường Xuân. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp an toàn, tăng cường vận động người dân không chủ quan. Tại Lang Chánh, trong ngày 17-8 xuất hiện nhiều điểm bị chia cắt bởi nước lũ, như: Quốc lộ 15A tại xã Đồng Lương, gây chia cắt giao thông từ thị trấn Lang Chánh đi huyện Bá Thước và ngược lại; tràn suối Mòng trên tuyến đường tỉnh 530B, xã Tân Phúc cũng bị ngập sâu khiến giao thông bị chia cắt. Tuyến đường tỉnh 530B từ thị trấn Lang Chánh đi xã Yên Khương cũng bị sạt lở nhiều điểm.

Đập tràn qua suối Mòng trên tuyến đường tỉnh 530B, địa bàn xã Tân Phúc (Lang Chánh) bị ngập lụt gây chia cắt giao thông.

Tại tràn suối Mòng, bà Hà Thị Duyên, chia sẻ: "Nước dâng lên nhanh quá! 5 giờ sáng, hai bà cháu tôi vẫn còn đi qua được, thế mà chưa đầy 1 tiếng sau quay lại đã bị chia cắt. Đập tràn này cứ mưa lớn là bị chia cắt, nước lên nhanh mà rút chậm". Ông Lê Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phúc cho biết, chính quyền địa phương đã phải bố trí lực lượng trực chốt hai bên đường tràn để hướng dẫn và kiên quyết không cho người, phương tiện giao thông qua lại. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3 gần đây, huyện Lang Chánh đã chủ động các phương án ứng phó với cơn bão số 4. Trong đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện kiểm tra, rà soát các hộ dân sinh sống nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Đến trưa ngày 17-8, các xã thị trấn đã tiến hành sơ tán được 112 hộ dân, với 447 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Tại huyện Thường Xuân, để ứng phó với những diễn biến do cơn bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã phân công 17 đồng chí thường trực từ 17h ngày 16-8 để kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Tính đến 17h ngày 17-8, trên địa bàn huyện đã tổ chức sơ tán đến nơi an toàn cho 104 hộ với 353 nhân khẩu; trong đó, 4 hộ ở xã Xuân Cao, 26 hộ ở xã Bát Mọt, 70 hộ ở xã Yên Nhân, 4 hộ ở xã Xuân Cao. Ngoài ra, xã Luận Khê đang bị cô lập hoàn toàn do nước dâng cao tại tràn Cửa Dụ và tràn Ná Nhà. Một số diện tích cây trồng bị ngập úng. Đêm 16-8, tuyến Quốc lộ 47 đoạn qua thôn Dưn, xã Bát Mọt bị sạt lở kéo dài khoảng 20 m gây tắc giao thông. Trước tình hình đó, UBND xã Bát Mọt đã huy động các lực lượng cán bộ xã, dân quân, thanh niên cùng với máy móc, thiết bị của Hạt quản lý đường bộ tổ chức nạo vét gần 200m3 đất, thông tuyến vào lúc 15h ngày 17-8. Ông Vi Thành Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Mọt, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 3 thôn vẫn đang còn bị chia cắt do nước lũ dâng cao là thôn Phống, thôn Chiềng, thôn Ruộng. Xã đã phân công các lực lượng nắm bắt sát diễn biến tình hình mưa lũ để ứng phó kịp thời, giảm tối đa những thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra.

Ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: Để bảo an toàn cho công trình hồ Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ sáng ngày 16-8, thực hiện xả lũ lưu lượng 50m3/s, sau đó tăng lên 1.000m3/s và đến 10h sáng ngày 17-8 xả 2.200m3/s. Mặc dù lượng mưa trên địa bàn huyện không lớn, tuy nhiên việc xả lũ khiến mực nước tại các vùng hạ du thủy điện Cửa Đạt lên nhanh, nguy cơ ngập úng tại các xã vùng trũng thấp như: Thọ Thanh, Xuân Cẩm và Xuân Cao. Để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản thông báo đến các địa phương để tiến hành sơ tán dân khỏi vùng ngập lụt, đồng thời có kế hoạch bảo vệ cây trồng ở vùng bãi ven sông do ảnh hưởng của xả lũ.

Diện tích mía trồng ở đất bãi ven sông Chu, xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) bị ngập úng.

Chúng tôi đến huyện Thọ Xuân mưa vẫn trắng trời. Mưa lớn kết hợp với Hồ Thủy lợi-Thủy điện Cửa Đạt xả lũ khiến nước sông Chu dâng cao, nguy cơ ngập lụt đe dọa đến sự an toàn của hàng nghìn hộ dân đang sinh sống ven sông trên địa bàn. Ông Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay trong chiều ngày 16-8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức cuộc họp khẩn để chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai biện pháp ứng phó với tình hình mưa bão”. Với tinh thần chủ động phòng tránh, ngay trong đêm 16-8, huyện Thọ Xuân đã khẩn trương sơ tán 217 hộ dân ở vùng bãi sông Chu, thuộc 5 xã, thị trấn: Xuân Bái, Thọ Diên, Xuân Thiên, Xuân Tín và Lam Sơn đến nơi an toàn. Trước tình hình mưa phía thượng nguồn đang diễn ra, lưu lượng nước của Thủy điện Hủa Na (Nghệ An) tiếp tục xả khả năng mực nước trên sông Chu sẽ vượt trên báo động 2, khi đó, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có khoảng 3.000 hộ dân bị ngập lụt. Nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong vùng ngập lụt, huyện đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy xuống cơ sở để chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện sơ tán dân đến nơi an toàn ngay trong chiều ngày 17 - 8.

Xã Xuân Hòa có khoảng 1.200 hộ dân nằm trong vùng ngập lụt. Chiều 17-8, ghi nhận tại thôn Kim Ốc, người dân nơi đây đang khẩn trương thu dọn đồ đạc, đóng lúa vào bao tải để chuyển lên vị trí an toàn. Sống ở vùng bãi ven sông nên hàng năm gia đình ông Khương Bá Thụ, thường xuyên bị ngập lụt khi nước sông Chu vượt báo động 2. Nghe chính quyền địa phương thông báo về khả năng xảy ra ngập lụt, gia đình ông đang khẩn trương thu dọn đồ đạc có giá trị để chuyển đến nơi an toàn. Ông Thụ chia sẻ: “Các hộ dân sống ở vùng bãi ven sông Chu như chúng tôi rất vẩt vả về chuyện ngập lụt. Tôi đang lao động ở TP Thanh Hóa, nghe bà nhà gọi điện về chạy lụt, thế là tất tả lên xe về. Trong nhà hiện nay còn 5 tạ thóc dự trữ, gia đình tôi đang khẩn trương đóng vào bao để chuyển lên đê tránh thiệt hại. Nêu cao tinh thần cảnh giác, người dân chúng tôi phải chủ động bảo vệ tính mạng và tài sản nếu không khi nước lũ tràn vào sẽ không kịp di chuyển”.

Mưa lớn gây sạt lở, chia cắt giao thông tại km 62, quốc lộ 15C, qua bản Táo, xã Trung Lý (Mường Lát).

Từ đêm 16-8 đến sáng 17-8, trên địa bàn huyện Mường Lát đã có mưa lớn, trong đó tập trung tại các xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý, Tén Tằn. Tính đến 10h sáng 17-8, mưa lớn đã gây ra 17 điểm sạt lở tại địa bàn 3 xã Pù Nhi, Trung Lý, Nhi Sơn. Hầu hết các điểm sạt lở chủ yếu nằm dọc tuyến Quốc lộ 15C từ Trung Lý đi thị trấn Mường Lát. Các điểm sạt lở gây chia cắt giao thông là tại bản Kéo Hượn (Nhi Sơn) và bản Táo (Trung Lý). Ngoài ra, còn nhiều điểm sạt lở khác chỉ các phương tiện xe mô tô, xe đạp lưu thông qua được, nhiều xe ô tô vẫn phải nằm chờ. Căn cứ tình hình thực tế, UBND huyện Mường Lát phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có các điểm sạt lở, huy động máy móc, phương tiện tổ chức giải tỏa, trong đó tập trung các khu vực bị nặng, các điểm giao thông xung yếu. UBND các xã cũng đã cử lực lượng cắm chốt tại các điểm sạt lở nguy hiểm, tổ chức cắm biển cảnh báo, đồng thời phân luồng bảo đảm an toàn giao thông. Bên cạnh việc tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành, đơn vị có liên quan bám sát diễn biến cũng như ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, huyện Mường Lát cũng phấn đấu giải tỏa các điểm sạt lở trong thời gian sớm nhất; đồng thời, rà soát, kịp thời di dời các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở tới nơi an toàn, chuẩn bị các điều kiện về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp mưa lớn có thể tiếp tục xảy ra. Cũng theo thông tin từ UBND huyện Mường Lát, vào khoảng 8h30 sáng 17-8, chị Lương Thị Thiếu (sinh năm 1989), trú tại xã Mường Chanh trong lúc đi hái rau không may bị đá sạt lở rơi trúng người dẫn đến tử vong.

Theo báo cáo của UBND huyện Quan Sơn, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 trên địa bàn huyện có mưa to và rất to đã làm cô lập hoàn toàn các bản Sủa, Na Phường, Xa Mang (xã Sơn Điện); bản Thủy Thành, Thủy Sơn (xã Sơn Thủy); bản Lầm (xã Trung Tiến); bản Sa Ná đi bản Son; bản Ché Lầu, Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Na Mèo); huyện cũng đã sơ tán, di dời 44 hộ, với 188 nhân khẩu, đến nơi an toàn. Mưa bão cũng làm sạt lở 1.900 m3 đất Quốc lộ 16 tại bản Chanh, xã Sơn Thủy; một phần cầu tràn ở bản Hạ, xã Sơn Hà bị lũ cuốn trôi, chia cắt các bản Nà Ơi, Nà Sắng. Ngoài ra, tại Km58 Quốc lộ 217 xã Sơn Điện xuất hiện một vết nứt rộng 2m, với chiều dài 20m, có nguy cơ sạt trượt.

Từ đêm ngày 16 – 8, trên địa bàn huyện Bá Thước đã có mưa to đến rất to và gây ra nhiều điểm ngập úng trên địa bàn các xã Thiết Ống, Thiết Kế, Ban Công và một phần thị trấn Cành Nàng. Nặng nhất là các điểm khu vực cầu tràn làng Luồng, làng Cha (xã Thiết Kế), làng Chệch (xã Thiết Ống), đường vào một số khu dân cư của xã Ban Công, một số điểm cục bộ trên tuyến quốc lộ 217 đoạn qua thị trấn Cành Nàng và xã Điền Lư. Cá biệt tại khu vực cầu tràn thuộc Quốc lộ 15 trên địa bàn làng Cha (xã Thiết Kế) vào đầu giờ sáng ngày 17 - 8 bị ngập sâu tới gần 2m. Cộng với nước lũ đổ về, chảy xiết nên giao thông qua khu vực này đã tê liệt hoàn toàn. UBND xã Thiết Kế đã cắm biển cấm đường tại khu vực này, đồng thời bố trí lực lượng trực tại hai đầu cầu tràn, không cho các phương tiện và người dân đi qua cho tới khi nước rút, bảo đảm an toàn nhất. Ngày 17-8, huyện Bá Thước cũng đã thành lập các đoàn công tác tới kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các xã vùng cao, triển khai phương án di dời trên 10 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm tại hai xã Cổ Lũng và Lũng Cao tới nơi an toàn.

Để chủ động tiêu úng cho cây trồng, ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 4, ngay từ ngày 16-8, Công ty TNHH một thành viên Sông Chu đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thủy nông trực thuộc, vận hành các trạm bơm tiêu để tiêu nước đệm trong các hệ thống kênh mương, nhất là ở khu vực có diện tích lúa còn thấp cây. Tính đến 16 giờ ngày 17-8, đã có 20/35 trạm bơm tiêu thuộc các đơn vị thủy nông do công ty quản lý đã được vận hành để tiêu nước đệm. Bên cạnh đó, công ty cũng đã thực hiện xả lũ điều tiết nước đối với các hồ chứa Cửa Đạt, Sông Mực, Yên Mỹ. Công ty cũng đã cử cán bộ trực 24/24 giờ tại các trạm bơm tiêu; đồng thời, thường xuyên kiểm tra các tuyến kênh, mương tiêu nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời khi có sự cố; chú trọng công tác giải tỏa ách tắc, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh tiêu, tạo điều kiện cho công tác tiêu, thoát lũ.


Nhóm PV Thời sự

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]