(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ tác động mạnh lên các ngành sản xuất, dịch bệnh COVID-19 với những khuyến cáo về biện pháp phòng bệnh tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động giao thương, mua sắm, tiêu dùng, giải trí... Sức tiêu thụ trong dân cư giảm, sẽ khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó. Trong bối cảnh này, kích cầu tiêu dùng, khôi phục các hoạt động thương mại, dịch vụ một cách an toàn sẽ là điều kiện tốt để thúc đẩy tăng trưởng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài cuối: Kích cầu tiêu dùng, khôi phục hoạt động thương mại, dịch vụ

Không chỉ tác động mạnh lên các ngành sản xuất, dịch bệnh COVID-19 với những khuyến cáo về biện pháp phòng bệnh tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động giao thương, mua sắm, tiêu dùng, giải trí... Sức tiêu thụ trong dân cư giảm, sẽ khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó. Trong bối cảnh này, kích cầu tiêu dùng, khôi phục các hoạt động thương mại, dịch vụ một cách an toàn sẽ là điều kiện tốt để thúc đẩy tăng trưởng.

Bài cuối: Kích cầu tiêu dùng, khôi phục hoạt động thương mại, dịch vụ

Khách mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa.

Từ cuối tháng 1 - thời điểm tỉnh Thanh Hóa phát hiện có bệnh nhân dương tính với vi-rút corona đến nay, tình hình nguồn cung hàng hóa trên địa bàn vẫn tương đối dồi dào, phong phú, bảo đảm nhu cầu của người dân. Hiện nay, duy chỉ có mặt hàng khẩu trang y tế vẫn còn tình trạng khan hiếm, song nhu cầu mua của người dân đã giảm mạnh sau khi tỉnh Thanh Hóa đủ điều kiện công bố hết dịch. Giá một số mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, rau xanh, thịt gia cầm đã giảm so với thời điểm cận kề Tết Nguyên đán năm 2020 do nguồn cung tăng.

Triển khai công tác phòng chống dịch, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh được UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý, Trung tâm Y tế dự phòng tiến hành tiêu độc, khử trùng theo định kỳ. Các hoạt động mua bán tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại vẫn diễn ra bình thường. Đánh giá của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, cho thấy, tiêu dùng hàng hóa thiết yếu có thời điểm bị ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng đã ổn định trở lại.

Tại Siêu thị BigC, doanh thu tiêu thụ trước ngày 15-2 sụt giảm khoảng 30%, Siêu thị Co.opmart giảm 25%, hệ thống siêu thị Vinmart giảm khoảng 35% so với tháng sau Tết Nguyên đán năm 2019. Tuy nhiên, sau ngày 15-2, tình hình tiêu thụ hàng hóa tại hệ thống các siêu thị trở lại bình thường. Lượng tiêu thụ hàng hóa chỉ giảm nhẹ khoảng 10% vào thời điểm cuối tuần do người dân hạn chế đến nơi đông người.

Tại các chợ, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân vẫn diễn ra như thường lệ. Tại Chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương (TP Thanh Hóa), lượng hàng hóa lưu thông giảm khoảng 30% so với những ngày trước Tết Nguyên đán năm 2020. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 - 400 tấn hàng hóa được đưa về, phân phối, tiêu thụ trên địa bàn. Trong khi một số mặt hàng từ Trung Quốc giảm mạnh như: Hành, tỏi, hoa quả..., thì một số sản phẩm trong nước số lượng tăng cao như: Thanh long, mít, rau xanh...

Với các mặt hàng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, bối cảnh dịch bệnh được đánh giá có tác động không đồng đều đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Theo đánh giá của ông Đinh Hữu Thuận, Giám đốc Siêu thị điện máy HC, trong 1 tháng trở lại đây, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống, học tập tăng đột biến, như: Máy tính tăng 60%, hàng gia dụng tăng 30-40%... Trong khi đó, mặt hàng tivi, điện thoại lại giảm mạnh. Tính chung, doanh thu của siêu thị giảm khoảng 15% so với cùng kỳ.

Ảnh hưởng nặng nề về doanh thu là các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống. Khảo sát tại các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng trên địa bàn tỉnh, có thể dễ dàng nhận thấy, nhiều địa điểm đang rơi vào cảnh đìu hiu, ế ẩm cho người dân hạn chế đến những nơi tập trung đông người. Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, chia sẻ: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, để bảo đảm nguồn cung các thực phẩm thiết yếu, đơn vị đã làm việc với các nhà cung ứng rau xanh, thịt lợn, nhu yếu phẩm như dầu ăn, gạo, nước mắm... để ổn định về giá. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường công tác phòng dịch, siêu thị đã yêu cầu nhân viên bán hàng đeo khẩu trang y tế. Đồng thời, trang bị nước rửa tay sát khuẩn (dung dịch xịt khô) cho nhân viên cũng như khách hàng ở tất cả các quầy thu ngân. Cũng theo ông Liêm, lượng khách mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tuy có giảm ở thời điểm sau tết và gần đây đã khôi phục trở lại. Tuy nhiên, do người dân vẫn hạn chế đến nơi đông người nên các hoạt động vui chơi, giải trí tại siêu thị sụt giảm mạnh.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, tác động của dịch bệnh COVID-19 gây ra đã có ảnh hưởng đến tình hình thị trường tiêu thụ nội địa ở một số lĩnh vực. Trong đó, hàng hóa và dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh là: Dịch vụ ăn uống, giải trí, lễ hội tâm linh, vận tải, xăng dầu... Tại tỉnh Thanh Hóa, chưa có hiện tượng người dân tích trữ hàng hóa, gây khan hiếm nhu yếu phẩm. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có giảm nhưng đang hồi phục do tâm lý của người tiêu dùng đang dần ổn định đối với dịch bệnh. Tuy nhiên, với hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu đang chịu tác động nặng nề do việc thông quan cửa khẩu đường bộ còn hạn chế. Một số đơn hàng xuất khẩu đi Trung Quốc cũng bị cắt giảm.

Sở Công Thương cũng dự kiến, nếu dịch bệnh được khống chế, kết thúc trong quý I-2020, mục tiêu đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 của tỉnh vẫn sẽ đạt theo dự kiến là 118.000 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2019. Nếu dịch bệnh kéo dài sang quý II-2020, mục tiêu đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm dự kiến là 115.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5,8% so với năm 2019.

Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh, kích cầu tiêu dùng, khôi phục sản xuất, kinh doanh và ổn định tăng trưởng, Sở Công Thương đang bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, thực hiện các giải pháp: Tăng cường tuyên truyền người tiêu dùng và các nhà phân phối không hoang mang trước dịch bệnh; nắm chắc tình hình doanh nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn hoặc tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp thông tin thị trường, chỉ đạo điều hành xuất nhập khẩu từ Bộ Công Thương; kêu gọi, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản cho bà con nông dân. Nắm bắt thông tin, phối hợp với Cục Quản lý thị trường ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, tăng giá, ép giá, thu lời bất chính; giới thiệu doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn nguyên liệu và thị trường xuất nhập khẩu. Mặt khác, khuyến khích phát triển các phương thức thương mại dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại như mua bán hàng online... nhằm thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Bài và ảnh: Tùng Lâm


Bài Và Ảnh: Tùng Lâm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]