Khu Kinh tế Nghi Sơn - động lực tăng trưởng: Lạc vào “thành phố nhỏ”
“Hơn chục năm rồi, Hải Yến chúng tôi vẫn đang được thụ hưởng nguồn điện sáng miễn phí của Nhà nước. Có đứa cháu nội về, mỗi buổi tối cứ luôn khen xã mà lại sáng hơn cả phường”, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hải Yến (thị xã Nghi Sơn), hào hứng “khoe” với tôi trong buổi làm việc vội vã ngày cuối năm.
Hạ tầng khang trang, cuộc sống nhộn nhịp trên khu tái định cư xã Hải Yến thuộc phường Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn).
Mục sở thị cuộc sống người dân khu tái định cư xã Hải Yến - xã có nhiều nhất số hộ dân đã nhường nơi chôn rau cắt rốn cho công cuộc “dời non lấp biển” xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới thấy nơi đây đang “thay da đổi thịt” mỗi ngày.
Như một thành phố thu nhỏ, khu tái định cư cho cả 5/6 thôn đã di dời lên phường Nguyên Bình đều có hạ tầng đồng bộ với đường sá khang trang, vỉa hè rộng rãi. Những ngôi nhà kiên cố nằm san sát nhau dưới bóng cây xanh mát. Mỗi thôn đều có sân tập thể thao. Không khỏi ngạc nhiên, khi dọc những tuyến đường trong khu tái định cư là rất nhiều cửa hàng ăn uống, café, dịch vụ, siêu thị, trường học tư thục...
Được biết, từ khi đi vào xây dựng và vận hành, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề an sinh và tạo sinh kế cho người dân nơi đây. Ngoài đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm, công ty ưu tiên con em trong vùng dự án được làm việc trong nhà máy phù hợp với các trình độ; đồng thời duy trì kênh giao tiếp hai chiều với bà con. Công ty cũng đã hỗ trợ người dân nhường đất cho dự án thành lập 25 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại cộng đồng. Các câu lạc bộ này đang làm rất tốt công tác chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập, giúp đỡ những người yếu thế và đây hiện là doanh nghiệp duy nhất trong cả nước làm được điều này.
“Xã hiện có 1.068 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu thì đã có tới hơn 2.000 công nhân đi làm việc cho Nhà máy Lọc hóa dầu, Cảng Nghi Sơn, Nhà máy giày Annora... Số lao động còn lại thì kinh doanh, buôn bán nhỏ. Nói chung, lao động của xã trong tuổi lao động phần lớn đều có việc làm, có thu nhập nên có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống”, cán bộ xã Hải Yến hồ hởi kể khi đưa chúng tôi đi thăm khu tái định cư.
Thôn Nam Yến hiện có 346 hộ dân với 1.050 nhân khẩu đã di dời gần hết lên khu tái định cư (15 hộ còn lại không nằm trong khu vực phải di dời). Chỉ một thôn, mà đã có tới hàng trăm gia đình kinh doanh, buôn bán nhỏ. Các cháu nhỏ thì được đi học ở các trường tư thục rất gần.
Kể về cuộc sống trước đó, ông Lê Xuân Thứ, trưởng thôn Nam Yến còn nhớ như in: “Qua bao thế hệ, dân chúng tôi chỉ làm thuần nông lam lũ và đi biển. Cuộc sống vất vả là vậy nhưng cũng chỉ đủ ăn. Được Nhà nước ưu tiên bố trí vị trí tái định cư thuận lợi, hạ tầng đẹp nên bà con Hải Yến khi lên đây đã dần chuyển từ làm nông sang công thương nghiệp và kinh doanh dịch vụ, chất lượng cuộc sống cũng vì thế mà nâng cao. Đến nay, thôn chúng tôi đã có khoảng 200 lao động trong thôn đi làm việc cho các nhà máy, thu nhập ổn định. Nhiều gia đình đầu tư, sửa sang nhà cửa sạch đẹp, gọn gàng. Người dân đến nay đã rất gắn bó, yên tâm với cuộc sống mới đang ngày một phát triển ở quê hương thứ hai này”.
Học sinh mầm non trường tư thục trong khu tái định cư giờ ra chơi.
Nhanh nhạy nắm bắt với thị hiếu, nhiều thanh niên trẻ trong xã còn mạnh dạn khởi nghiệp, thuê mặt bằng làm nhà hàng, quán café, kinh doanh buôn bán. Anh Lê Đăng Thắng, thôn Trung Hậu, chia sẻ: “Thời gian đầu mới lên tái định cư cũng còn nhiều bỡ ngỡ vì khi ấy cũng chưa có nhiều việc làm. Đến nay, khảo sát thấy quanh vùng có nhu cầu tiêu thụ nhiều đồ dùng gia dụng, đồ nhựa dùng một lần nên tôi đã thuê đất để làm cửa hàng kinh doanh và có thu nhập khá ổn định”.
Đã từng được nghe, đây là khu tái định cư đẹp nhất tại miền Bắc thời kỳ được đầu tư, xây dựng. Sau hơn 10 năm, không chỉ vẫn còn là “hình mẫu” về cơ sở hạ tầng, sức sống của khu tái định cư, xã Hải Yến giờ đây còn được “đo đếm” bằng sự đồng thuận của lòng người, sự no ấm của cuộc sống Nhân dân!
Công cuộc di dân vẫn đang tiếp tục, với các khu tái định cư mới đang được thị xã Nghi Sơn triển khai tại các xã, phường: Hải Bình, Xuân Lâm, Phú Lâm, Phú Sơn, Tân Trường, Trường Lâm... phục vụ đề án di dân xã Hải Hà và nhiều dự án trọng điểm khác.
Dẫu biết rằng, mỗi khi có sự đổi thay, thiệt thòi, hy sinh ban đầu là khó tránh khỏi, đặc biệt là người dân vùng biển vốn có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng riêng. Vậy nhưng, vì mục tiêu phát triển chung của quê hương, đất nước, người dân Nghi Sơn đã và sẽ làm nên những điều kỳ diệu nối dài hơn nữa!
Tùng Lâm
{name} - {time}
-
2024-11-22 07:52:00
Đồng Bitcoin nối dài đà tăng, tiến sát ngưỡng 100.000 USD
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-02-10 14:57:00
Khu Kinh tế Nghi Sơn - động lực tăng trưởng: Lực đẩy từ “trái tim Nghi Sơn”
Thị xã công nghiệp Bỉm Sơn trên đà phát triển
Mở rộng tầm nhìn, gia tăng cơ hội: Kết nối giao thông - thúc đẩy phát triển
Mở rộng tầm nhìn, gia tăng cơ hội: Kiến tạo nâng tầm đô thị
Mở rộng tầm nhìn, gia tăng cơ hội: Tạo “đường ray”
Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa: Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân
Khát vọng mới, triển vọng mới!
Sắc xuân trên vùng đất Tây Đô
Giá xăng RON95-III giảm gần 900 đồng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Huy động sức mạnh toàn dân cho phát triển nhanh và bền vững