(Baothanhhoa.vn) - Không gian văn hóa công cộng (VHCC) được biết đến như là “trái tim” của một thành phố, hoặc là những “phòng khách” của một đô thị. Chính vì thế, các không gian VHCC đóng vai trò quan trọng cho sự tương tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, cho sự lưu giữ các ký ức chung và tạo dựng nên biểu tượng gắn với một đô thị. Bởi vậy, vài năm trở lại đây, các đô thị trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các không gian VHCC đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân.

Không gian văn hóa công cộng giữa lòng thành phố

Không gian văn hóa công cộng (VHCC) được biết đến như là “trái tim” của một thành phố, hoặc là những “phòng khách” của một đô thị. Chính vì thế, các không gian VHCC đóng vai trò quan trọng cho sự tương tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, cho sự lưu giữ các ký ức chung và tạo dựng nên biểu tượng gắn với một đô thị. Bởi vậy, vài năm trở lại đây, các đô thị trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các không gian VHCC đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân.

Không gian văn hóa công cộng giữa lòng thành phốCông viên Hội An (TP Thanh Hóa) - điểm đến vui chơi, giải trí của người dân.

Cứ vào sáng sớm hoặc xế chiều, rất nhiều người dân lại tập trung dọc theo những con đường trong Công viên Hội An (TP Thanh Hóa), để tập thể dục - thể thao và hít thở không khí trong lành. Là người thường xuyên đến tập thể dục tại đây, bà Lan Anh, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Mấy hôm nay thời tiết khá oi bức, nóng nực, tôi chỉ mong chiều xuống để ra công viên đi bộ vài vòng, gặp mấy người bạn nói chuyện vui vẻ. Công viên Hội An có diện tích khá rộng, với cảnh quan xanh mát là điểm đến lý tưởng để mọi người đến thư giãn, lấy lại năng lượng làm việc sau một ngày lao động vất vả. Tôi thấy rằng, việc đầu tư xây dựng các không gian xanh trên địa bàn thành phố là rất quan trọng, không những tạo điểm nhấn cho đô thị mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Mong rằng, thời gian tới, thành phố sẽ dành nhiều quỹ đất để đầu tư xây dựng, mở rộng thêm các công viên, khu vui chơi, giải trí cho người dân”.

Công viên Hội An được triển khai xây dựng từ năm 2003 với diện tích 24 ha. Nơi đây có không gian thoáng đãng, không chỉ là nơi vui chơi giải trí cho người dân thành phố mà còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo người dân tham gia. Hằng năm, TP Thanh Hóa đều tổ chức “Tuần lễ văn hóa TP Thanh Hóa – TP Hội An” nhằm quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa, văn nghệ, thể thao và ẩm thực giữa hai thành phố. Ngoài ra, còn nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, được tổ chức trong các ngày lễ, tết cũng thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham dự.

Không chỉ Công viên Hội An, mà hệ thống không gian VHCC trên địa bàn thành phố như Công viên Thanh Quảng, Quảng trường Lam Sơn, Tượng đài Lê Lợi, hệ thống đường hoa, thiết chế nhà văn hóa, nhà văn hóa thiếu nhi... đã từng bước được đầu tư hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. Cùng với đó, thành phố đã quan tâm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội với quy mô lớn thu hút được đông đảo người dân và du khách tham gia. Từ đó, không chỉ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đến thành phố biển Sầm Sơn, du khách không chỉ được ngắm nhìn các danh lam thắng cảnh, tắm biển, hòa mình vào các lễ hội sôi động và trải nghiệm các dịch vụ du lịch hấp dẫn; mà còn được cảm nhận sự tấp nập, nhộn nhịp từ không gian VHCC là tuyến phố đi bộ, chợ đêm tại đường Thanh Niên. Tại đây, có đa dạng các mặt hàng phục vụ du khách như gian hàng di động với ẩm thực đường phố, đặc sản khô, hàng lưu niệm mỹ nghệ, thời trang, giải khát và nhiều hoạt động vui chơi giải trí, không gian sân khấu, không gian biểu diễn nghệ thuật đường phố... Ngoài ra, trên tuyến phố đi bộ, chợ đêm còn có không gian biểu diễn nghệ thuật đường phố, tiểu cảnh do các nhóm sở thích, câu lạc bộ năng khiếu... đăng ký biểu diễn phục vụ người dân và du khách. Theo ước tính, tuyến phố đi bộ Sầm Sơn đón trung bình 3.000 lượt khách mỗi đêm. Lượng khách đến đông còn giúp cho nhiều khu vui chơi giải trí xung quanh tuyến phố phát triển, tạo thành một quần thể dịch vụ về đêm sầm uất, là điểm nhấn cho du lịch Sầm Sơn vào ban đêm. Đồng thời, đây cũng là không gian công cộng lành mạnh, nơi giao lưu văn hóa của người dân địa phương với khách du lịch ở trong và ngoài nước.

Có thể thấy rằng, TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn đã và đang quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng các không gian VHCC. Điều này, không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa của cộng đồng mà còn giúp níu chân du khách thập phương trong hành trình du lịch đến với Thanh Hóa. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì không gian VHCC tại các thành phố vẫn còn thiếu và yếu, mới chỉ phần nào đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của một bộ phận người dân. Cùng với đó, có không ít không gian VHCC bị xâm lấn làm nơi kinh doanh, buôn bán... Bởi vậy, nhằm hướng đến xây dựng không gian VHCC phát triển bền vững, cần sự chung tay của các doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc đầu tư, giữ gìn, chỉnh trang, nâng cấp chất lượng các không gian VHCC. Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm tại các không gian VHCC cần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư, có một chế tài xử lý thống nhất, nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]