(Baothanhhoa.vn) - Học thêm là nhu cầu thực tế, là nguyện vọng chính đáng và mang lại nhiều lợi ích cho học sinh. Song, làm thế nào để việc học thêm không trở thành áp lực khi dồn lên con trẻ?

Khi con trẻ “quay cuồng” với học thêm

Học thêm là nhu cầu thực tế, là nguyện vọng chính đáng và mang lại nhiều lợi ích cho học sinh. Song, làm thế nào để việc học thêm không trở thành áp lực khi dồn lên con trẻ?

Khi con trẻ “quay cuồng” với học thêmCô và trò Trường THCS Quảng Cát (TP Thanh Hóa) trong giờ học (ảnh minh họa).

Mới bước vào năm học mới được ít lâu, đứa cháu gái đang học lớp 1 của tôi đã cảm thấy áp lực bởi phải học khá nhiều. Mẹ cháu kể, trước khi đi ngủ, cháu thường xuyên hỏi mẹ: “Mai là cuối tuần chưa mẹ? Mẹ chỉ cần trả lời là sắp rồi, thế là cô bé hồn nhiên lại bắt đầu nói về những dự định ngày cuối tuần. Nào là con phải lắp cho xong bộ lego mới mua, nào là sang nhà bạn Mít hàng xóm vì lâu rồi con chưa gặp bạn...

Mẹ biết cháu bị tâm lý phải đi học nhiều và ít có thời gian vui chơi! Bởi ngoài việc học và ăn bán trú ở trường từ thứ 2 đến thứ 6, buổi chiều được bố mẹ đón về nhà cũng chỉ kịp tắm rửa, ăn uống, buổi tuối lại đi học thêm đến 21h30. Hầu như các ngày thứ trong tuần đều kín lịch nên cô bé chỉ mong đến cuối tuần để được nghỉ ở nhà, được làm những việc mình muốn. Đấy là lịch học của một bé gái mới chập chững bước vào lớp 1!

Câu chuyện học thêm của các con chị Nguyễn Thị T. ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) cũng là câu chuyện điển hình cho nhiều gia đình khu vực đô thị. Hai con của chị, cháu lớn học lớp 7, cháu nhỏ học lớp 2. Gia đình chị phải xoay sở với việc sắp xếp, đưa đón con đi học thêm. Cháu lớn, ngoài một buổi sáng học chính ở trường, hầu như chiều nào cũng có ca học thêm, thậm chí có ngày 2 - 3 ca. "Nhiều hôm, cháu phải học thêm 2 - 3 ca liên tục vào buổi chiều, chiều muộn và buổi tối, mệt mỏi trở về nhà làm bài tập đến khuya mới xong. Biết là học nhiều, nhưng thực sự nếu muốn phấn đấu vào trường tốt thì phải vượt qua được áp lực đó, bởi hầu như các bạn cùng trang lứa đều tất bật “chạy đua” học thêm từ những năm đầu cấp. Hơn nữa trên lớp, sĩ số quá đông, trong khi kiến thức quá nhiều, năng lực tiếp thu của mỗi bạn khác nhau, nếu không đi học thêm thì sẽ khó vượt qua được kỳ thi”.

Không muốn phải áp lực học thêm như cháu lớn, cháu nhỏ mới chỉ học lớp 2 nên từ khi bắt đầu năm học mới, chị T. cũng dự kiến chỉ cho bé học thêm tiếng Anh 2 buổi/tuần để cháu làm quen. Song, hơn 1 tháng bước vào năm học, chị lo lắng khi giáo viên chủ nhiệm chia sẻ con không theo kịp các bạn trong lớp, chữ viết chệch choạc, con còn chưa biết cách làm các dạng toán của chương trình mới... Dẫu chẳng muốn nhưng chị đành phải tìm một lớp học thêm buổi tối để xin cho con vào học. Thế là vòng học thêm vẫn cứ tiếp diễn, khiến nhịp sinh hoạt của gia đình nhiều lúc “căng như dây đàn” khi cả bố mẹ, con cái đều “quay cuồng” trong vòng quay từ nhà tới trường và tới lớp học thêm.

Cuộc sống phát triển, các gia đình ngày càng quan tâm, đầu tư cho việc học tập của con em mình, nhu cầu học thêm vì thế ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, trước áp lực thi cử, trường chuyên, lớp chọn... khiến nhiều phụ huynh vô hình chung đẩy con trẻ vào áp lực học hành, thậm chí là quay như chong chóng với học thêm.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến góp ý, thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22/10/2024. Dự thảo thông tư này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm. Dự thảo cũng đưa ra các nguyên tắc dạy thêm, học thêm; trong đó đáng chú ý như dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Đồng thời, nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh; không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày... Một số điểm mới trong dự thảo đã thu hút sự quan tâm của dư luận và còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại về việc “mở đường” cho tình trạng dạy thêm, học thêm gia tăng, gây áp lực cho học sinh.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]