(Baothanhhoa.vn) - Những kết quả đột phá trong giai đoạn vừa qua, đang tạo thế và lực cho “Tứ sơn” trên con đường phát triển. Nghị quyết 58/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch không gian phát triển 4-5-6 được đề ra tại Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tầm nhìn “Tứ sơn” tiếp tục được hoạch định, với kỳ vọng và niềm tin vào sự phát triển mới.

Tứ sơn: tiềm năng và khát vọng thịnh vượng

Niềm tin thịnh vượng

Những kết quả đột phá trong giai đoạn vừa qua, đang tạo thế và lực cho “Tứ sơn” trên con đường phát triển. Nghị quyết 58/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch không gian phát triển 4-5-6 được đề ra tại Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tầm nhìn “Tứ sơn” tiếp tục được hoạch định, với kỳ vọng và niềm tin vào sự phát triển mới.

Niềm tin thịnh vượng

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang lan tỏa sức hút đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, tạo cú hích lớn cho phát triển của tỉnh. Ảnh: Minh Hằng

Sau 14 năm xây dựng và phát triển, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã và đang khẳng định là một khu kinh tế ven biển có sức hấp dẫn đặc biệt. Đến nay, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 233 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 131.000 tỷ đồng, 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư 12,72 tỷ USD. Với sự hiện diện của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đã “vinh danh” tỉnh Thanh với niềm tự hào sở hữu dự án FDI quy mô lớn nhất đất nước Việt Nam. Từ điểm nhấn Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đã lan tỏa sức hút đầu tư đa ngành, đa nghề, với những dự án “tỷ đô” hứa hẹn tiếp tục lựa chọn Nghi Sơn làm điểm đến.

Tại cực Bắc của tỉnh Thanh, Bỉm Sơn cũng đang trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn. Trong giai đoạn 2015-2020, tổng nguồn vốn đầu tư vào địa bàn lên tới 22.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước. Sự góp mặt của các dự án đầu tư mới trong những năm gần đây đã đưa ngành công nghiệp thị xã phát triển mạnh về quy mô và giá trị, tạo ra những sản phẩm hàng hóa mới có thương hiệu và sức cạnh tranh. Trong quy hoạch, Khu Công nghiệp Bỉm Sơn dự định sẽ tiếp tục được mở rộng không gian về phía Tây để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển.

Đô thị du lịch biển Sầm Sơn hiện nay, đã được “đánh thức” và trỗi dậy mạnh mẽ. Với sức hút hòa quện từ yếu tố thiên nhiên và bàn tay của con người, đã khiến thành phố biển này trở nên nổi tiếng cả nước với hệ thống hạ tầng du lịch hàng đầu ở miền Bắc.

Tại trung tâm động lực phía Tây - Lam Sơn - Sao Vàng, với nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư của tỉnh, lại có Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế, dự bị cho Cảng Hàng không Nội Bài và được kết nối trực tiếp với Khu Kinh tế Nghi Sơn, tạo thành hành lang liên kết, phát triển từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn. Trong tương lai, Cảng Hàng không Thọ Xuân sẽ tiếp tục kết nối với nhiều đường bay trong nước và quốc tế. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Tại trung tâm động lực Lam Sơn - Sao Vàng còn được quy hoạch là 1 trong 20 vùng nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Từ sự phát triển mạnh mẽ của 4 cực tăng trưởng động lực án ngữ Đông, Tây, Nam, Bắc của tỉnh, với việc hoạch định, lãnh đạo phát triển toàn diện từ công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ, đã đưa nền kinh tế - xã hội của tỉnh lên những tầm cao mới. Trong giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng GRDP bình quân của Thanh Hóa ước đạt 12,5%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước. Thu ngân sách của tỉnh tăng trưởng đột biến, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước...

Tại Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, một trong những giải pháp chủ yếu và quan trọng được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra để thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm kỳ tới, là tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện. Trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn; trung tâm động lực phía Nam (Nghi Sơn), trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn); trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng) được kỳ vọng sẽ kéo bật sự phát triển nhanh, đột phá và bền vững, toàn diện của tỉnh.

Đặc biệt, ngày 5-8 vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58/NQ-TW về việc xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với quan điểm, Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung bộ. Do đó, Thanh Hóa sẽ được xây dựng và phát triển thành tỉnh kiểu mẫu, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc. Trên cơ sở đó, Thanh Hóa được định hướng phát triển với các lĩnh vực: Công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là kinh tế mũi nhọn. Những lĩnh vực ngành nghề nói trên cũng chính là trọng trách với vai trò động lực mà các địa phương trong tầm nhìn “Tứ sơn” đang cụ thể hóa vào đường hướng và công tác lãnh, chỉ đạo phát triển tại các địa phương.

Từ tầm vóc Nghi Sơn hiện hữu, ngày 22-4-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 933/NQ về việc thành lập thị xã Nghi Sơn. Đây là tiền đề quan trọng, mở ra cho Nghi Sơn thời cơ, vận hội mới để tiếp tục bứt phá, với sức vươn trở thành một trung tâm kinh tế, đô thị ven biển trọng điểm của cả nước. Đại diện UBND thị xã Nghi Sơn, cho biết: Địa phương sẽ bám sát quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, mở rộng; phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan của tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết, làm cơ sở để kêu gọi đầu tư và quản lý đô thị; bảo đảm có tư duy đổi mới, tìm ra những giải pháp đột phá về thể chế, về môi trường đầu tư kinh doanh nhằm phát huy tốt hơn nữa nền tảng hiện có.

Tại thành phố biển Sầm Sơn, sau màn đổi thay ngoạn mục, đưa Sầm Sơn tiếp cận du lịch bốn mùa khi Tập đoàn FLC đầu tư vào địa bàn, cơ hội phát triển Sầm Sơn thành thành phố du lịch biển đẳng cấp đang tiếp tục được mở ra, với siêu dự án khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn của Tập đoàn Sun Group, quy mô hơn 1.260 ha đã được phê duyệt quy hoạch. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2020, Tập đoàn Sun Group đã được UBND tỉnh trao quyết định phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư cho Tổ hợp Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan, lễ hội TP Sầm Sơn, Khu đô thị quảng trường biển, Khu đô thị ven bờ sông Đơ, Khu công viên giải trí và đô thị Nam sông Mã, với quy mô hơn 325 ha và tổng mức đầu tư dự kiến gần 25.000 tỷ đồng. Đồng chí Lương Tất Thắng, Bí thư Thành ủy TP Sầm Sơn, cho biết: Với việc đầu tư tổ hợp dự án này, sẽ tạo “cú hích” lớn cho du lịch Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung. Đặc biệt, dự án quảng trường biển với các công viên chuyên đề sẽ tạo điểm nhấn về không gian đô thị, giải bài toán về việc thiếu các dịch vụ giải trí cho du khách, hướng Sầm Sơn trở thành thành phố sự kiện, lễ hội, văn hóa quy mô quốc gia và quốc tế. TP Sầm Sơn cùng với TP Thanh Hóa, được xác định là 1 trong 4 động lực tăng trưởng của tỉnh. Trong định hướng này, TP Sầm Sơn đang nỗ lực hướng tới nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển các dịch vụ du lịch, đáp ứng phân khúc khách hàng cao cấp với thời gian lưu trú lâu hơn, sử dụng dịch vụ nhiều hơn nhằm gia tăng giá trị từ ngành “công nghiệp không khói này”. Trong lộ trình, TP Sầm Sơn hướng tới trở thành đô thị du lịch thông minh, hấp dẫn, thân thiện, đạt tiêu chí đô thị loại II và tầm nhìn đô thị loại 1 trong tương lai...

Tại dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều nội dung, giải pháp đầu tư “Tứ sơn” được tỉnh quan tâm và ưu tiên phát triển. Tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, tạo động lực mới cho tăng trưởng. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cũng sẽ lãnh đạo, xây dựng Đề án phát triển dịch vụ logistics, có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển dịch vụ logistics trở thành đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác thế mạnh, cụm Cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng, vận tải biển, xây dựng Cảng Nghi Sơn thành cảng đầu mối 1A và trung tâm logistics cấp vùng hạng 1 tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp... theo hướng đồng bộ, kết nối, phục vụ phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế...

Từ sự quan tâm, khéo léo trong “điều khiển và sắp đặt” của Trung ương, sức mạnh nội lực và tinh thần đoàn kết, sẽ mở đường cho những bước đột phá mới. Thanh Hóa sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới, với tác động cộng hưởng, thúc đẩy kinh tế vùng và đất nước!

Nhóm PV Kinh tế


Nhóm PV Kinh Tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]