Khám phá vùng đất Yên Thắng
Yên Thắng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lang Chánh, có 3 dân tộc anh em, gồm Thái, Mường, Kinh sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Thái chiếm khoảng 96%. Thiên nhiên “ban tặng” cho vùng đất này cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ; người dân nơi đây còn gìn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống với những làn điệu dân ca, dân vũ, nếp nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, ẩm thực... Đây là điều kiện quan trọng để xã Yên Thắng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Xã Yên Thắng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch cộng đồng.
Đến Yên Thắng, du khách không thể không ghé thăm bản Ngàm Pốc để tận hưởng không khí trong lành, cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Đặc biệt, vào mùa lúa chín những thửa ruộng bậc thang của bản Ngàm Pốc giống như bức tranh thiên nhiên sống động, mang lại một vẻ đẹp đến ngỡ ngàng, khó ai có thể rời mắt. Đồng thời trải nghiệm, khám phá phiên chợ độc đáo, nơi giao lưu, trao đổi, buôn bán hàng hóa giữa người dân bản địa với người dân cụm bản Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Rời bản Ngàm Pốc du khách di chuyển đến bản Peo để chiêm ngưỡng và khám phá không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, thưởng thức những món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc Thái nơi đây, như: cơm lam, thịt nướng, cá suối, măng rừng, rượu men lá...
Ông Hà Văn Xem, Bí thư kiêm trưởng bản Peo cho biết: Bản Peo có 85 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Trong bản có khoảng 90% hộ dân sinh sống trong nếp nhà sàn truyền thống. Nhằm tạo việc làm, nâng cao đời sống của bà con, bản Peo đã vận động các gia đình trong bản có điều kiện đầu tư phát triển du lịch cộng đồng và bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Hiện nay, trong bản có nhiều gia đình đã chỉnh trang nhà ở, khuôn viên, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đón khách du lịch.
Đến Yên Thắng vào tháng 9 âm lịch du khách sẽ được hòa mình vào Lễ hội Chá Mùn. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc của dân tộc Thái ở xã Yên Thắng. Thông qua lễ hội người dân mong ước về cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc. Ngày nay, lễ hội Chá Mùn không chỉ là sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái xã Yên Thắng mà còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn huyện Lang Chánh. Trải qua biến thiên của thời gian, những thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Chá Mùn vẫn được người dân địa phương trao truyền qua nhiều thế hệ. Hiện nay, lễ hội có sự thay đổi để phù hợp với thực tế nhưng vẫn giữ được “hồn cốt” vốn có của nó.
Thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện, hiếu khách, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy. Đây là điều kiện quan trọng để xã Yên Thắng phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Để thực hiện được điều này, xã đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thành lập đội văn nghệ tập luyện các làn điệu dân ca, dân vũ gìn giữ bản sắc văn hóa. Xã cũng khuyến khích các hộ dân có điều kiện đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó, chú trọng đến đầu tư hạ tầng giao thông để phục vụ cho việc giao thương hàng hóa, phát triển du lịch. Hiện nay, xã có 12 hộ đầu tư làm các dịch vụ du lịch, trong đó, có 10 hộ làm du lịch cộng đồng và 2 hộ đầu tư xây dựng nhà nghỉ để phục vụ lưu trú của khách du lịch. Việc phát triển du lịch ở Yên Thắng đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho khoảng 30 lao động địa phương.
Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển du lịch của xã Yên Thắng trong thời gian tới, ông Lê Hữu Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng cho biết: Xác định phát triển du lịch là hướng đi quan trọng để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Yên Thắng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án dịch vụ thương mại, dự án sinh thái, du lịch khám phá ở các bản Ngàm Pốc, bản Peo. Chú trọng tới công tác quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương; bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; phối hợp các điểm du lịch trong huyện xây dựng các tour, tuyến du lịch... Qua đó, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bài và ảnh: Xuân Anh
{name} - {time}
-
2024-12-13 09:21:00
Trên đất làng cổ Quần Thanh
-
2024-12-06 14:06:00
Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư
-
2024-06-01 21:52:00
Phủ Cẩm trên đất Định Công
Người dân háo hức chờ đợi phố đi bộ đầu tiên tại TP Thanh Hóa
Khám phá chợ đêm Sầm Sơn
Kỳ vọng gì từ các điểm đến mới ở xứ Thanh?
Những sắc hoa gọi hè về
Về vùng đất có hai di tích lịch sử quốc gia
Về nơi có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia
Du xuân lên thăm đền Tép
Chiêm ngưỡng tòa thành độc nhất vô nhị tại xứ Thanh
Phủ Na trang hoàng rực rỡ đón xuân Giáp Thìn