Kết luận của Bộ Chính trị về đầu tư xây trường học cho các xã biên giới
Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng các trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở tại 248 xã biên giới đất liền.
Khu nội trú của học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũ. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới (Thông báo số 81-TB/TW ngày 18/7/2025).
Sau đây là toàn văn Thông báo số 81-TB/TW:
Tại phiên họp ngày 17/7/2025, xem xét đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới đất liền (Tờ trình số 973/TTr-BGDĐT, ngày 15/7/2025), Bộ Chính trị kết luận như sau:
1. Thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng các trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở tại 248 xã biên giới đất liền.
Việc đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới đất liền là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện chính sách dân tộc nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nhân lực, tạo nguồn cán bộ là người dân tộc, địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào vùng biên giới, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh.
Trước mắt, thí điểm đầu tư hoàn thành xây mới hoặc cải tạo 100 trường trong năm 2025 (chậm nhất là đến thời điểm khai giảng năm học sau).
Các trường này sẽ là hình mẫu để sau đó tiếp tục triển khai diện rộng, hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng 248 trường trong 2-3 năm tới.
Các trường được đầu tư phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô, diện tích trường, lớp; có đủ cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, rèn luyện văn hóa, tinh thần, thể chất, điều kiện sinh hoạt và tuyệt đối an toàn.
Hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt cho điểm trường Mầm non và Tiểu học Nà Hoi, Thái Nguyên. (Ảnh: TTXVN)
2. Giao Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng và uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới triển khai thực hiện chủ trương trên. Trong đó chỉ đạo:
(a) Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan theo hướng bảo đảm học sinh ở xã biên giới đất liền được hưởng chính sách nội trú, bán trú phù hợp với thực tiễn khó khăn về địa hình và khoảng cách địa lý.
Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án bố trí giáo viên phù hợp trên cơ sở rà soát biên chế giáo viên hiện có và nhu cầu trong thời gian tới, đào tạo giáo viên biết tiếng dân tộc, đề xuất ngân sách để duy trì hoạt động của các nhà trường và chế độ phụ cấp cho giáo viên phù hợp điều kiện mới; xây dựng chính sách khuyến khích nhân lực tham gia phục vụ các xã biên giới và phương án để các trường học trên toàn quốc kết nghĩa với các trường tại các xã biên giới nhằm giao lưu, gắn kết và hỗ trợ các trường khó khăn ở khu vực biên giới.
(b) Đảng ủy Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Dân tộc và Tôn giáo xây dựng các thiết kế mẫu chuẩn của trường nội trú liên cấp để các địa phương có căn cứ tham khảo, triển khai thực hiện phù hợp với địa phương.
(c) Đảng ủy Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, uỷ ban nhân dân các tỉnh và cơ quan có liên quan cân đối ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (trong đó ngân sách trung ương là chính) để quyết định tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư và cơ chế lựa chọn nhà thầu để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng 248 trường nội trú liên cấp.
Đồng thời, có giải pháp duy trì kinh phí hoạt động thường xuyên hằng năm của các trường.
(d) Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, chịu trách nhiệm bố trí quỹ đất xây trường học bảo đảm hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến việc xây dựng nhà trường (điện, nước sạch, nước thải, giao thông...); nghiên cứu cơ chế thực hiện và huy động lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn triển khai chủ trương đầu tư xây dựng, cải tạo trường học theo thẩm quyền, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Có phương án khai thác hiệu quả sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng nhà trường.
3. Giao Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương phát động kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội chung tay tham gia hỗ trợ việc xây dựng, cải tạo trường học cho các xã biên giới.
4. Giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Thông báo kết luận này, báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Trong quá trình tổ chức thực hiện cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nghiêm cấm để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-07-19 21:04:00
Bộ CHQS tỉnh kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó bão số 3
-
2025-07-19 19:51:00
Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (29/7/1930 - 29/7/2025): Từ những “đốm lửa” nhỏ...
-
2025-07-19 19:40:00
Lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời, xử lý sự cố giao thông tê liệt do mưa dông
Tìm thấy 3 thi thể, cứu được 10 người trong vụ đắm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long
Thanh Hóa: Gió lớn gây tốc mái, cây gãy, ách tắc giao thông tại ngã tư Đại lộ Lê Lợi
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XIII
Thủ tướng Chính phủ trao quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Thanh Hóa triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3
Bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Ngôi trường có nhiều điểm 10 nhất tỉnh Thanh Hóa tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa viếng các nghĩa trang liệt sỹ tại TP Cần Thơ