Indonesia: Trách nhiệm thực hiện cam kết của Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto
Ông Prabowo Subianto (giữa) phát biểu trước báo giới và những người ủng hộ, sau khi kết quả kiểm phiếu chính thức cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia được công bố tại Jakarta, tối 20/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Với chiến thắng cuối cùng giành được sau 3 lần ra tranh cử tổng thống trong vòng hơn 10 năm qua, giờ sẽ là lúc ông Prabowo Subianto bắt tay vào thực hiện những kế hoạch từng ấp ủ và những cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Đắc cử trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực và thế giới có nhiều biến động, nền kinh tế từng bước ổn định sau đại dịch COVID-19 nhưng vẫn tiềm ẩn những khó khăn do chịu tác động của diễn biến bất ổn trên toàn cầu, Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto cùng “phó tướng” Gibran Rakabuming Raka (con trai của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo) được kỳ vọng tiếp tục duy trì sự ổn định trong nước, thúc đẩy các chính sách đang phát huy hiệu quả của chính phủ tiền nhiệm, giải quyết các vấn đề còn tồn tại và mở rộng quan hệ với các nước, đặc biệt là khu vực và nước lớn để củng cố vị thế quốc tế của Indonesia.
Thực tế tình hình Indonesia hiện nay còn nhiều thách thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế không bền vững, vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng, thất nghiệp, môi trường, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng, đời sống của đại bộ phận người dân lao động và vùng nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn....
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, bà Maria Andrian, giảng viên báo chí tại Viện Báo chí Soetomo, cho rằng thách thức trước mắt mà chính phủ cần phải giải quyết là điều hành chính phủ một cách cởi mở và có trách nhiệm, nhằm ngăn chặn tham nhũng, chính sách công bằng và quan tâm đến nhu cầu của người dân, cụ thể là trong lĩnh vực giáo dục để nâng cao năng lực nguồn nhân lực, tiếp tục cải thiện dịch vụ y tế, cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế.
Trong khi đó, ông Beni Sukadis - chuyên gia, điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia, đề cập tới vấn nạn tham nhũng, gánh nặng phát triển cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, suy thoái môi trường, cũng như một số căng thẳng tôn giáo và sắc tộc.
Giải quyết những vấn đề này một cách hiệu quả sẽ rất quan trọng để duy trì sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng trong nước.
Về chính sách đối ngoại, giới phân tích nhận định chính phủ mới có thể kế thừa và phát huy những thành tựu của chính phủ tiền nhiệm để mang lại sự ổn định và nhất quán trong cách tiếp cận quan hệ quốc tế của Indonesia.
Điều này có thể đảm bảo rằng các sáng kiến và quan hệ đối tác đang diễn ra vẫn được duy trì nguyên vẹn, tạo nền tảng vững chắc cho sự tham gia của Indonesia với cộng đồng toàn cầu.
Ngoài ra, việc xây dựng dựa trên các mối quan hệ đã được thiết lập có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các tương tác ngoại giao suôn sẻ hơn và nâng cao ảnh hưởng của Indonesia trên trường thế giới.
Tuy nhiên, chính quyền mới cũng cần nắm bắt các cơ hội đổi mới và thích ứng với hoàn cảnh toàn cầu đang thay đổi, bởi việc thiếu những quan điểm mới có thể cản trở khả năng của Indonesia trong việc giải quyết các ưu tiên chiến lược và ngoại giao mới một cách hiệu quả.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Prabowo Subianto thể hiện quyết tâm thúc đẩy bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và khả năng tự chủ về kinh tế cũng như tăng cường sức mạnh quân sự của Indonesia.
Điều này có thể dẫn tới một chính sách đối ngoại quyết đoán và thực dụng, trong đó có tính đến ưu tiên quan hệ song phương và theo đuổi các quan hệ đối tác chiến lược phù hợp với các mục tiêu kinh tế và an ninh.
Học giả Veeramalla Anjaiah, nhà báo cao cấp, nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) đánh giá từ nhiều năm nay, Jakarta theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và chủ động.
Trong chiến dịch tranh cử, cặp đôi Prabowo Subianto-Gibran Rakabuming Raka đã thể hiện quan điểm tăng cường sức mạnh quân sự.
Điều đó cho thấy chính quyền mới có thể chuyển hướng chính sách đối ngoại của Indonesia tập trung vào an ninh hơn.
Ông Beni Sukadis nhận định Indonesia sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức về cách thiết lập mối quan hệ hiện tại với đối tác, xung đột khu vực, đàm phán thương mại, căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là quan hệ Trung-Mỹ và Nga-Mỹ.
Ngoài ASEAN, Indonesia cũng đặt ra mục tiêu duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và các cường quốc khu vực khác như Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Vì vậy, ông cho rằng chính phủ sẽ phải duy trì hợp tác với tất cả các quốc gia lớn này và làm thế nào để thiết lập sự hợp tác chặt chẽ hơn về kinh tế và an ninh, song phải tìm cách tiếp cận cân bằng để tránh phụ thuộc quá mức vào bất kỳ quốc gia nào.
Với vai trò là thành viên nổi bật của ASEAN, Indonesia có thể sẽ tiếp tục ưu tiên hợp tác khu vực và đoàn kết trong khối.
Indonesia có cơ hội, có tiềm năng hợp tác hoặc đầu tư kinh tế rộng và sâu hơn, cũng như hợp tác an ninh với các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ được củng cố trên nền tảng là sự tôn trọng lẫn nhau, hợp tác kinh tế và cam kết ngoại giao về các sáng kiến trong ASEAN.
Tổng thống mới cũng sẽ nhận ra rằng tăng cường quan hệ với Việt Nam cũng có thể phục vụ lợi ích chiến lược rộng lớn hơn của Indonesia ở Đông Nam Á.
Đánh giá về hai nhà lãnh đạo mới, dư luận trong nước nhận định ông Prabowo Subianto-Gibran Rakabuming Raka là sự kết hợp hài hòa và bổ sung cho nhau.
Ông Prabowo có kinh nghiệm và khả năng lãnh đạo với tư duy chiến lược, kỷ luật và là người theo chủ nghĩa dân tộc, trong khi Gibran với tuổi đời còn trẻ (trẻ nhất trong số các phó tổng thống từ trước đến nay), hứa hẹn sẽ mang đến những góc tiếp cận mới.
Bỏ phiếu cho hai chính khách này, các cử tri Indonesia hy vọng chính phủ của họ sẽ mang lại những cải thiện cho đất nước.
Nhiều người dân ở các vùng quê nghèo khó phải lên thủ đô Jakarta làm việc mong muốn chính phủ mới quan tâm phát triển các địa phương, ổn định giá cả trong nước và triển khai các chương trình an sinh xã hội như hỗ trợ bữa ăn học đường...
Giới học sinh, sinh viên cũng kỳ vọng về những cơ hội học tập và việc làm tốt hơn.
Là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, đã có hàng chục năm trong quân đội và trong chính trường, trọng trách đối với Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto là sẽ vận dụng quyền lực mới như thế nào để chuyển hóa thành một nguồn năng lượng hữu hiệu, thúc đẩy tích cực cho sự phát triển của đất nước và thực hiện những cam kết về một Indonesia ổn định và thịnh vượng như mong muốn của các cử tri đã ủng hộ ông./.
Theo TTXVN
- 2024-11-04 16:42:00
Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024: Cuộc chiến kim tiền
- 2024-11-04 14:55:00
Tại sao cử tri ở các tiểu bang dao động lại quyết định đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ?
- 2024-03-20 07:48:00
10 năm Nga sáp nhập Crimea và cuộc xung đột Ukraine ngày nay
Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử: Sự lựa chọn dựa vào nội lực
Một năm sau khi Credit Suisse sụp đổ, ngành ngân hàng châu Âu vất vả phục hồi
Thách thức từ “cơn sóng bạc” đối với các nền kinh tế châu Á
Hong Kong tham vọng trở thành trung tâm tài chính và công nghệ Xanh quốc tế
Xung đột Hamas-Israel: Nền kinh tế tại Dải Gaza “lao dốc” hơn 80%
Kế hoạch đưa quân đội Israel đổ bộ vào Rafah: Cả thế giới lo ngại
Giới phân tích kỳ vọng Mỹ sẽ vẫn hạ lãi suất trong năm 2024
Nhà Trắng chỉ tên nhóm đã khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng ở Jordan
"Làn sóng nông dân” biểu tình lan rộng ở nhiều quốc gia châu Âu