(Baothanhhoa.vn) - Hàm Rồng - sông Mã đã trở thành huyền thoại, nơi ghi dấu bao chiến công oai hùng của một thời kiên cường, anh dũng chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân. Bao bom đạn đã chìm sâu vào lòng sông, cùng với đó là bao máu đào nhuộm sắc, bao cuộc đời hy sinh, bao tuổi xuân nằm lại với mảnh đất này...

Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 2): Rực lửa chiến công

Hàm Rồng - sông Mã đã trở thành huyền thoại, nơi ghi dấu bao chiến công oai hùng của một thời kiên cường, anh dũng chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân. Bao bom đạn đã chìm sâu vào lòng sông, cùng với đó là bao máu đào nhuộm sắc, bao cuộc đời hy sinh, bao tuổi xuân nằm lại với mảnh đất này...

Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 2): Rực lửa chiến công

Khu tưởng niệm 64 giáo viên, học sinh hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã vào mùa hè năm 1972. Ảnh: H.T

Những mốc son chói lọi

Nhằm ngăn chặn sự chi viện đối với tiền tuyến lớn miền Nam, giới cầm quyền Mỹ khi đó đã dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc bộ” hòng thực hiện kế hoạch leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam. Quân địch xác định: Từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc, trong đó Hàm Rồng được xem là một “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong”. Sự xuất hiện cùng tiếng gào rú điên cuồng của những chiếc “thần sấm” trong các ngày 3 và 4/4/1965 đã mở ra thời kỳ chiến đấu rực lửa, cuồn cuộn khí thế anh dũng, kiên cường làm nên nhiều chiến công hiển hách của quân và dân Hàm Rồng - sông Mã trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

13h ngày 3/4/1965, quân địch bắt đầu tấn công cầu Hàm Rồng, từng tốp máy bay phản lực đủ các loại như: F-105, F-8, F-101... thay nhau bổ nhào bắn phá. Chỉ trong phút chốc, Hàm Rồng trở thành “chảo lửa”, rung chuyển khắp một vùng. Trong tâm thế sẵn sàng, chủ động thực hiện phương án tác chiến và phân công nhiệm vụ, quân dân Thanh Hóa trên khắp các trận địa, các vị trí chiến đấu vẫn bám trụ kiên cường, đoàn kết một lòng, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, bố trí trận địa đánh trả. Cuộc chiến kéo dài suốt nhiều tiếng đồng hồ, sau nhiều đợt tấn công, quân địch vẫn không thực hiện được ý đồ “nuốt trôi cầu Hàm Rồng ngay”.

Ngày 4/4/1965, Mỹ tiếp tục huy động hàng trăm chiếc máy bay hiện đại điên cuồng trút hàng nghìn tấn bom đạn xuống Hàm Rồng và các vùng phụ cận. Không nao núng tinh thần, lưới lửa phòng không của ta đã giáng trả quân địch ở mọi tầng, mọi hướng, làm rối loạn địa hình địch từ xa, khiến chúng không thể công kích mục tiêu như đã định. Những tên ngoan cố lọt đến gần cầu, lập tức bị các trận địa cao xạ “đáp trả”. Hoảng hốt trước lưới lửa phòng không nhiều tầng, lớp, rộng khắp của ta, máy bay địch phải nâng độ cao. Lúc này, không quân ta xuất kích chặn đánh địch. Sau 11 đợt công kích, 40 lần bổ nhào, địch vẫn không phá hủy được mục tiêu. Những cái tên “thần sấm”, “con ma”, “giặc nhà trời”, “kẻ đột nhập” đến “pháo đài bay”, đều bị quân dân Thanh Hóa bắn tan xác.

Trong hai ngày 3 và 4/4/1965, lần đầu tiên kể từ khi mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tổ chức cuộc oanh tạc quy mô lớn, ác liệt như vậy. Giặc Mỹ đã ném xuống địa bàn Thanh Hóa 627 quả bom, 58 quả bom nổ chậm gồm các loại từ

50 - 100kg. Riêng ở khu vực Hàm Rồng, máy bay địch bổ nhào 85 lần, cắt bom bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 đạn rốc-két... Nhưng cầu Hàm Rồng vẫn đứng hiên ngang vắt qua đôi bờ sông Mã như thách thức với kẻ thù. Ngay trận đụng độ đầu tiên, quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái. Quân và dân Thanh Hóa nói chung đã lập nên kỷ lục về thành tích bắn rơi máy bay địch trên miền Bắc, ghi dấu “những ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”.

Chiến công của quân và dân Hàm Rồng được Bác Hồ khen ngợi; bạn bè quốc tế đánh giá cao. Ông M. Đa-Ga-Ren, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Mỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên công nhân giải phóng Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi đã thấy cầu Hàm Rồng và đến thăm đơn vị bảo vệ cầu. Cầu Hàm Rồng là chiếc cầu đẹp nhất mà trước đây chúng tôi chưa từng thấy. Không phải vì nó rộng, nó dài, nó nguy nga hơn các cầu khác, mà chính vì tinh thần anh hùng của chiến sĩ và Nhân dân Việt Nam đã mang lại cho nó cái đẹp diệu kỳ... Cầu Hàm Rồng là một đài kỷ niệm về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân và thanh niên Việt Nam. Hàm Rồng cũng là một tượng trưng trước toàn thế giới về sự thất bại của chính sách xâm lược và hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc Mỹ”.

Hàm Rồng chiến thắng - biểu tượng về chiến tranh Nhân dân

Kết quả đạt được ngay trận đầu của quân và dân ta ở Hàm Rồng đã gây tiếng vang lớn, trở thành động lực lớn lao để bước vào những trận chiến mới đầy cam go, khốc liệt hơn nữa. Và dù ở bất kỳ trận đánh nào, trong bất kỳ thời khắc ác liệt, sinh tử nào, khắp một vùng Hàm Rồng - sông Mã rộng lớn, “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xóm làng là một pháo đài đánh giặc, mỗi đường phố là một mặt trận, mỗi chi bộ đảng là bộ tham mưu”. Những ngôi làng vốn quen nhịp sống êm ả, thanh bình nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, cả làng nhất tề đứng dậy, bước vào thời chiến. Nam Ngạn, Yên Vực, Đông Sơn, Đông Quang, Đông Tác và xa hơn là Hoằng Lý, Hoằng Anh, Thiệu Dương, Đông Cương lúc bấy giờ... đều ghi tên mình vào lịch sử bằng những chiến công.

Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 2): Rực lửa chiến công

Ông Nguyễn Đặng Thược (79 tuổi) hồi tưởng về những dân quân Yên Vực không ngại gian khổ, hy sinh, vừa sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong suốt thời kỳ Mỹ đánh phá Hàm Rồng và các vùng lân cận. Ảnh: H.T

Ở làng Đông Sơn, dựa vào các hang động của dãy núi Rồng, trẻ - già, trai - gái trong làng không đi sơ tán mà ở lại bám làng chiến đấu, khi có giặc đến thì cả làng cùng ra trận.

Bên bờ bắc Hàm Rồng, làng Yên Vực (phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa) như “túi đựng bom”. Xung quanh làng bố trí 6 trận địa pháo: Yên Vực trong, Yên Vực ngoài, Nam Tào, Cồn Đu, Lò Lợn, Đồng Đá... Để hạn chế tối đa thương vong, làng đã vận động già trẻ đi sơ tán, chỉ để lại lực lượng dân quân bám trụ phục vụ chiến đấu. 75 dũng sĩ làng Yên Vực đã góp phần làm nên huyền thoại Hàm Rồng chiến thắng.

Về làng Yên Vực hôm nay, thế hệ cháu con không khỏi xúc động, bồi hồi khi được gặp lại nhiều gương mặt trong số 75 dũng sĩ năm nào. Ông Nguyễn Đặng Thược (79 tuổi), trưởng ban liên lạc dũng sĩ làng Yên Vực nhiệt tình kể lại: “Không thể hình dung hết được sự khốc liệt, mức độ tàn phá của chiến tranh ở làng Yên Vực chúng tôi nói riêng, mọi miền quê trên đất nước Việt Nam này nói chung”.

Trước bối cảnh chung ấy, Nhân dân làng Yên Vực đã đoàn kết một lòng, kề vai sát cánh cùng bộ đội đánh giặc. Ông Thược cho biết: “Trung đội dân quân làng Yên Vực được thành lập với khoảng 100 người tham gia, chia làm 5 bộ phận, đảm nhận nhiều công việc khác nhau như: tải cứu thương, tải đạn, thay thế pháo thủ, trực chiến, hậu cần, mai táng liệt sĩ, tuần tra canh gác, tăng gia sản xuất, đào công sự, giúp dân đi sơ tán... Địch đánh rát quá, chiến sự gian nan, bất kể việc gì giúp được cho bộ đội, cho cuộc chiến thì Nhân dân làng Yên Vực quyết không từ nan”. Những người nông dân chân chất, hiền lành vốn chỉ quen tay cày tay cấy nhưng đối diện với quân thù bằng tất cả lòng yêu nước, gan dạ, kiên cường: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ông Thược cho biết thêm: “Hiện nay, 30/75 dũng sĩ làng Yên Vực vẫn đang còn sống. Trong đó, 16 người hiện vẫn đang sinh sống tại làng”.

Theo các con đường nhỏ đằm mình trong nắng chiều tháng 4, ký ức về một thời Hàm Rồng - sông Mã rực lửa lắng đọng trong những câu chuyện của các dũng sĩ làng Yên Vực vẫn ngày ngày sống cùng mảnh đất quê hương như: Hai chị em bà Nguyễn Thị Tuyền, Nguyễn Thị Tuyến; bà Nguyễn Thị Huyên; bà Nguyễn Thị Thuyền... Mỗi người một cuộc đời, một số phận riêng nhưng các bà cùng chung một thời hoa niên sống và cống hiến hết mình cho độc lập dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.

Khúc tráng ca Hàm Rồng chiến thắng được viết nên từ những chiến công vang dội và cả những mất mát, hy sinh. Máu và hoa - đó là những mệnh đề không thể khác của bất kỳ một cuộc chiến nào. Chính vì thế, lớp lớp thế hệ cháu con hôm nay càng phải biết nhìn sâu vào lịch sử để thấm thía sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông, để không ngừng rèn luyện, phấn đấu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh.

*Bài viết sử dụng tư liệu trong các cuốn sách “Tường trình của một người lính” (Lê Xuân Giang, NXB Thanh Hóa, 2015); “Hàm Rồng - Biểu tượng của người Thanh Hóa" (Từ Nguyên Tĩnh, NXB Thanh Hóa, 2021); “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930 - 2020) - Những dấu ấn và thành tựu nổi bật” (Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, NXB Thanh Hóa).

Hương Trần



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]